Trang phục biểu diễn dân ca ví, giặm

Nguyễn Phương Thanh (Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022) 18/05/2023 08:32

(Baonghean.vn)- Dân ca ví, giặm đã lưu giữ một phần lớn linh hồn, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cũng như lối sống của người dân, không chỉ qua ca từ, làn điệu mà còn thể hiện rõ nét qua trang phục.

CLb Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) tham gia giao lưu, biểu diễn tại Lễ hội đường phố 'Quê hương mùa sen nở'.jpg
CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) tham gia giao lưu, biểu diễn tại Lễ hội đường phố 'Quê hương mùa sen nở'. Ảnh: Minh Quân

Trang phục là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người, thể hiện trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân, dân tộc và thời đại.

Nó tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại rất hài hòa với môi trường, thiên nhiên, mang vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn của tâm hồn người dân xứ Nghệ như: kiểu cách thường đơn giản, thực dụng, đa dụng; màu sắc nghiêng về trầm ấm hoặc trung tính. Chất liệu thường mộc mạc và lấy “ăn chắc, mặc bền” làm chính.

Phụ nữ xưa trình diễn ví, giặm thường mặc áo dài tứ thân, bên trong mặc áo yếm, áo cánh, váy dài, thắt dải lưng, bao tượng; đầu vấn tóc độn khăn hình bầu dục; chân đi guốc, dép hay hài cỏ. Áo tứ thân, phần lưng gồm 2 mảnh ghép lại, phía trước có 2 thân tách rời nhau. Áo này thường làm bằng lụa, vải phin và có các màu nâu thẫm, nâu non, xanh cốm và vạt buông xuống.

Tuy đơn giản hơn nhưng nó vẫn không làm giảm đi nét đẹp yêu kiều, duyên dáng của phụ nữ xứ Nghệ. Về sau, người ta đã sáng tạo ra chiếc áo dài ngũ thân dành cho cả nam và nữ. Áo này có kiểu giống áo tứ thân, mỗi thân trước và sau đều có hai tà khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Vạt con nối với hai vạt cả nhờ cổ áo có bâu đệm và khép kín nhờ 5 chiếc khuy tròn bằng vải hoặc đồng. Như vậy, áo ngũ thân không những tôn vinh giá trị cao quý của con người trong mối tương quan với gia đình và xã hội mà còn thể hiện đạo làm người, gói ghém nhân sinh quan của dân tộc. Bởi vậy, tùy từng đối tượng, tầng lớp mà người ta may kiểu áo nào cho phù hợp và nhìn vào trang phục ta cũng có thể biết nghệ nhân là của vùng nào.

Ngoài hai loại áo trên, trang phục phổ biến của nghệ nhân còn có áo ngắn ngũ thân và áo cánh. Hai loại áo này được sử dụng rộng rãi vì nó đơn giản, gọn gàng, tiện cho sinh hoạt và làm việc. Chất liệu thường bằng vải mộc, diềm bâu, phin, lụa. Nghệ nhân nam mặc áo ngắn ngũ thân với quần ống rộng, đũng sâu, buộc dải lưng ngoài áo, thắt nút để múi so le ở dưới hông phía bên phải, đầu chít khăn mỏ rìu, đi chân đất hoặc dép cỏ.

Nghệ nhân nữ thì mặc áo cánh với váy hoặc quần dài, bên trong mặc yếm, vừa lao động vừa hát. Kiểu trang phục đặc biệt không thể không nhắc đến đối với nghệ nhân chính là chiếc áo yếm. Áo yếm thường được các bà, các cô dùng để mặc bên trong, kết hợp với áo cánh hoặc áo dài.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chí Bền, Bùi Quang Thanh, Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương với cấu trúc sóng đôi trong thơ dân gian Nghệ Tĩnh - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

3. Ninh Viết Giao, Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ - Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.

4. Vũ Ngọc Khánh, Vài nhận xét về dân ca Nghệ Tĩnh, Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 21, 1996, tr.117.

Mới nhất

x
Trang phục biểu diễn dân ca ví, giặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO