Trăng rằm yêu thương

Tết Trung thu còn được gọi là đêm hội Trăng Rằm, lễ hội rước đèn. Dường như thiên nhiên cũng đã có sự sắp đặt tuần hoàn để dành cho đêm hội Trăng Rằm những gì tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Đó là Trăng Rằm tháng Tám tròn nhất, sáng nhất, rạng rỡ nhất và đầy đặn nhất trong tất cả các rằm trong năm. Đó là quả thị vàng thơm giấu trong mình truyện cổ tích với hình ảnh cô Tấm thơm thảo; nải chuối vàng ươm xòe ra như những ngón tay nâng đỡ sum vầy, xúm xít khao khát bình an. Quả bưởi là thứ quả vườn nhà nào cũng có. Những múi bưởi như hình vành trăng của những ngày trước rằm xếp lại cạnh nhau để tròn đầy cho một Rằm Trung thu mong đợi. Quả hồng màu đỏ như màu hy vọng của tương lai, của bao hứa hẹn sinh thành. Quả na mắt tròn xoe nảy nở sự sinh sôi. Mâm cỗ Trung thu chính là trái nhân, trái nghĩa, trái của sự sống để nhớ về nguồn cội, để biết ơn bàn tay chăm sóc tỉa tót, vun xới của ông bà, cha mẹ.

Cứ nhìn vào mâm quả ta đã thấy yêu hơn cuộc sống hàng ngày tươi ròng và trong sạch tinh khiết như hơi thở của ngọn gió ruộng đồng đầy ắp phù sa mang cả hương thơm rơm rạ cây lúa. Và từ hạt lúa, hạt gạo trắng tinh, ngọt bùi thơm thảo ấy đã làm ra các loại bánh Trung thu. Bột gạo, bột nếp mịn màng qua bàn tay khéo léo tần tảo của bà, của mẹ, với nhân bánh làm bằng đậu xanh, hạt sen, hạt dưa… xay nhuyễn, tạo ra vị hài hòa thơm dẻo, mặn ngọt như vị của đời sống.

Tết Trung thu không chỉ dành riêng cho tuổi thơ mà còn là hội vui của người lớn, vì chính người lớn là người làm ra các đồ chơi, sản phẩm cho con trẻ. Có lẽ khi ông tôi chuốt từng sợi nan tre để làm đèn ông sao đã chuốt vào đó cả bao thân thương, bao niềm tin yêu hy vọng vào các cháu, với hình ảnh tiến sĩ giấy như là lòng hiếu học, với tinh thần thượng võ qua hình ảnh đèn kéo quân đánh giặc, với nguồn mạch truyền thống dũng mãnh qua hình múa sư tử, múa lân… Có lẽ khi bà tôi, mẹ tôi đúc từng khuôn bánh đã đúc cả vào đó bao sự tin cậy nuôi lớn tâm hồn gắn bó với quê hương đất nước, bắt đầu từ dẻo thơm bùi ngọt mà lớn lên, từ đất đai ruộng đồng mà trưởng thành, từ gia phong nết ăn, nết ở; từ thuần Việt lời ru, tiếng nói. Và đêm hội Trăng Rằm còn là sự kết nối tính cộng đồng chia sẻ, bao dung nhân ái, hiếu thuận hòa trong cái đẹp, cái sáng, cái lấp lánh, cái bay bổng thăng hoa để giao thoa với thiên nhiên, với vũ trụ, để chắp cánh với bao ước vọng của mình…

Sau lễ Vu lan báo hiếu tri ân cha mẹ của Rằm tháng Bảy là Rằm Trung thu rộn ràng dành cho con trẻ. Sau Tết Độc lập 2/9 của đất nước là Tết Trung thu náo nức. Đó là sự giao thoa ân tình, như là tiếp nối từ cội nguồn đến tương lai. Trung thu này, ta lại càng nhớ Bác Hồ kính yêu – vị Cha già của dân tộc tuy đã đi xa vào cõi “người hiền”, nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi với các cháu thiếu niên, nhi đồng, như câu thơ của Bác đã viết năm 1951 – là năm đầu tiên Bác Hồ gửi thư cho các cháu: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi các cháu tỏ lòng nhớ nhung…”

Bài: Nguyễn Ngọc Phú
Ảnh minh họa: Tư liệu