Trang trại VACR trên đỉnh Trường Sơn
(Baonghean) - Những năm gần đây, ở huyện Kỳ Sơn xuất hiện nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm dựa vào lợi thế sẵn có ở xã, bản để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương cho nhiều bà con noi theo. Ông Lầu Chống Tủa, sinh năm 1950, ở bản Trường Sơn, xã biên giới Nậm Cắn là một trong những điển hình đó.
Từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, men theo con đường tuần tra biên giới đang san ủi mặt bằng, lổn nhổn đá, một bên dốc đứng, một bên là vực sâu, mất gần 1 tiếng đồng hồ mới tới mô hình trang trại kết hợp vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) của ông Tủa trên đỉnh dãy Trường Sơn.
![]() |
Một góc trang trại của ông Lầu Chống Tủa |
Ông Tủa ngừng việc rào vườn trồng đào để đón khách. Hỏi ông vì sao chọn nơi khó khăn thế này để làm trang trại, ông tâm sự: “Tôi quê ở xã Mường Lống, năm 1976 về đây sinh sống, lấy vợ rồi sinh liền 9 đứa con. Nhà đông con nên nghèo lắm, làm nương rẫy mỗi năm chỉ được 1 vụ, năng suất thấp, năm nào thuận lợi thì đủ ăn, còn mất mùa thì cả nhà thiếu đói thường xuyên. Được tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ, là đảng viên, tôi luôn trăn trở phải phát triển kinh tế để vừa lo cho gia đình, vừa làm gương cho quần chúng noi theo. Tôi bàn với vợ chọn nơi vừa có thể làm nương rẫy, vừa có điều kiện chăn nuôi thì mới thoát được nghèo; và chốn này đã gắn bó với mình suốt gần 40 năm qua. Ban đầu tôi mới chỉ làm nương rẫy và nuôi ít con bò thôi. Sau tôi đi các huyện dưới xuôi, thấy họ làm trang trại nên về làm theo...”.
Trên diện tích hơn 20 ha, ông Tủa đã xây dựng mô hình VACR. Ông quy hoạch thành 3 khu riêng biệt: nơi nuôi bò, trâu riêng; nơi nuôi dê; nơi nuôi lợn và gà. Chỗ gần khe, ông đào 3 ao thả cá với diện tích 1.500m2, trồng 2 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi gia súc, 3 ha trồng lúa rẫy để đảm bảo lương thực cho gia đình; trồng 2 ha ngô, 1 ha đào, mận; còn lại là diện tích rừng bảo vệ. Ngoài mồ hôi công sức của cả gia đình, là tinh thần ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của ông Tủa, nên đất không phụ công người.
Đến nay các loại cây, con đã đem lại hiệu quả kinh tế cao: từ 8 con bò ban đầu đến nay đàn bò đã tăng lên 65 con, trong đó luôn duy trì 18 con bò sinh sản, mỗi năm sinh thêm được 17 - 18 con bê, bán ra từ 7 - 8 con, thu thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng; đàn dê 18 con, mỗi năm xuất bán từ 10 - 12 con thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng. Rồi đàn lợn gồm 3 con sinh sản và 15 -20 con lợn thịt cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm; đàn gà từ 100 - 200 con thu nhập 15 - 20 triệu đồng, ao cá mỗi năm cũng thu về từ 20 -30 triệu đồng, ngô lai 25 -30 triệu…Tính ra, tổng thu nhập của gia đình ông Tủa sau khi trừ chi phí đạt từ 200- 250 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể diện tích rừng bảo vệ đã có hơn 500 cây gỗ dổi, gỗ de đến kỳ thu hoạch...
Những khoản thu từ trang trại góp phần làm cho kinh tế gia đình ông Tủa ngày càng khấm khá, có tiền nuôi các con học đến nơi đến chốn, 9 cháu học hết cấp 3, có 5 cháu được học nghề và hiện 1 cháu đang là giáo viên trường cấp 2 ở xã nhà và mua sắm được thêm các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt, cũng như để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. Với điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu không thuận lợi như Nậm Cắn nói riêng và Kỳ Sơn nói chung, thì thu nhập như gia đình ông là một kỳ tích và là mơ ước đối với nhiều gia đình. Kỳ tích đó, được lập từ ý chí thoát nghèo của một đảng viên gương mẫu...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Trang trại của ông Tủa là trang trại lớn nhất, quy mô nhất, cho thu nhập cao nhất xã Nậm Cắn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mà đến nay ông đã giúp đỡ 10 gia đình về con giống và hướng dẫn cụ thể kỹ thuật chăn nuôi để 10 gia đình ấy thoát được nghèo, vươn lên khấm khá. Mô hình sản xuất của gia đình ông Tủa đã được bà con trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm theo. Ông Tủa cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục đi học hỏi ở các trang trại khác trong tỉnh để về quy hoạch trang trại của mình khoa học hơn, tăng diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò, đàn dê, xây thêm chuồng, tăng đàn gà đen, lợn đen là những giống vật nuôi có giá trị ở địa phương đang cho thu nhập cao;...
Với những thành tích đó, ông Lầu Chống Tủa là 1 trong 2 điển hình tiên tiến được huyện Kỳ Sơn chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước và Đại hội nông dân điển hình tiên tiến cấp tỉnh năm vừa qua.
Trần Văn Đức
Văn phòng Huyện ủy Kỳ Sơn