Tranh thủ có nước, thợ cấy Nghệ An 'chạy hết công suất'
(Baonghean.vn) - Thời vụ gấp gáp, trời nắng gắt, thiếu điện bơm nước cho đồng ruộng, để kịp tiến độ, nông dân phải thuê thợ cấy. Cấy ngày, cấy đêm "tranh cướp" thời gian, có những thợ cấy bỏ túi tiền triệu mỗi ngày…
Tranh thủ có nước, nông dân huyện Thanh Chương "cướp" thời vụ để cấy lúa vụ hè thu. Ảnh: T.P |
Tổ cấy của chị Trịnh Thị Thơm ở xã Diễn Phú (Diễn Châu) có 4 người, chủ yếu là chị em trong xã sau khi đã cấy xong diện tích ruộng của gia đình, tranh thủ đi cấy thuê cho những hộ dân có nhu cầu. Năm nay thời tiết nắng nóng, mưa ít, thiếu điện bơm nước nên ruộng đồng thiếu nước gieo cấy.
Vụ hè thu đòi hỏi phải “làm nhanh, thắng nhanh”, gieo cấy ngay sau khi thu hoạch lúa vụ xuân để tránh mưa lụt. Do đó, khi có nước, nông dân phải tranh thủ làm đất, cấy ngay để kịp thời vụ. Tiến độ gấp gáp nên hầu hết các hộ dân phải thuê thợ cấy để kịp lịch, kịp “cướp" nước cấy.
Các tổ thợ cấy hoạt động hết công suất, cấy ngày, cấy đêm để kịp thời vụ. Ảnh: T.P |
Chị Trịnh Thị Thơm cho biết: “Cấy thuê vụ này, ngoài vất vả do nắng nóng thì yêu cầu về tiến độ thời vụ cũng hối chị em phải “chạy đua”. Nhất là việc thiếu nước, lo ruộng khô nên các chủ ruộng yêu cầu các tổ thợ cấy thuê phải cấy nhanh, gọn. Do đó, tổ thợ 4 người phải hoạt động hết công suất. 4h sáng đã dậy đi cấy, 10h nắng lên thì nghỉ; chiều 4h cấy đến tận 11 - 12h đêm mới ngơi tay. Chỉ trong vòng 10 ngày, tổ thợ của chúng tôi đã cấy được hơn 8 mẫu ruộng cho người dân trong vùng”.
Theo chị Thơm cho biết, hiện tiền công cấy được trả khá cao, từ 350.000- 400.000 đồng/ngày (có ăn cơm trưa, làm ngày 8 tiếng), hoặc khoán theo diện tích (400.000 đồng - 450.000 đồng/sào). Những tổ nào tranh thủ cấy đêm, làm việc căng thì mỗi ngày một thợ cấy cũng kiếm được 800.000 - 1.000.000 đồng.
Vất vả căng mình dưới nắng nóng, làm việc xuyên đêm song bù lại, công thợ cấy khá cao. Ảnh: T.P |
Khoảng 10 ngày nay, chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Bảo Thành (Yên Thành) tranh thủ rủ các chị em trong xóm lập đội cấy thuê đi cấy cho người dân trong và ngoài huyện. Tổ cấy của chị Nhung không cố định số người, nhận được diện tích lớn thì chị huy động đông người đi, còn diện tích ít thì đi ít người hơn.
“Vụ hè thu này, diện tích cấy không nhiều, người dân chủ yếu gieo sạ, chỉ những vùng sâu trũng mới cấy mạ. Tuy nhiên, do thời vụ gấp gáp nên nhu cầu thuê thợ cấy rất lớn, vụ cấy chỉ kéo dài khoảng 10 ngày, nhưng đội thợ cấy của chúng tôi phải căng mình làm việc hết công suất mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Cấy hết đồng Yên Thành thì chúng tôi sang các đồng Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương… có người gọi thì chúng tôi xếp lịch và phân bổ nhau đi”.
Những ngày này, tranh thủ có mưa giông buổi chiều, các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Ảnh: T.P |
Nhằm đảm bảo "ăn chắc”, né tránh thiên tai, huyện Thanh Chương tập trung chỉ đạo làm đất đến đâu gieo cấy đến đó, tập trung cơ cấu các giống ngắn ngày (dưới 100 ngày), nhất là ở những vùng khả năng ngập lụt cao. Tuy nhiên, đầu vụ, thiếu nước làm đất, thì nay, khi nước được điều tiết lại thiếu điện để bơm nước, dẫn nước về ruộng. Do đó, đến nay, số diện tích ruộng vụ hè thu đã gieo cấy mới chỉ đạt 1%.
Tranh thủ 2 ngày qua có mưa giông, ruộng có nước người dân tập trung làm đất, thuê thợ cấy để đẩy nhanh tiến độ cho kịp lịch thời vụ. Do đó, thợ cấy ở huyện Thanh Chương những ngày này cũng rất “đắt khách”.
Chị Đinh Thị Thanh ở xã Đại Đồng (Thanh Chương), thành viên một tổ cấy cho biết: “Hiện nay, ruộng nhà chưa có nước nên tôi tranh thủ theo chị em đi cấy thuê ở các vùng đồng khác trong huyện. Dù nắng nóng nhưng để kịp lịch thời vụ, tranh thủ cấy khi ruộng chưa bị khô, tránh cấy “trét” (nước rút, chỉ còn bùn) nên người dân yêu cầu phải cấy nhanh.
Nhu cầu thợ cấy tăng cao khi người dân tranh thủ nguồn nước từ mưa rào, mưa giông để đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: T.P |
Riêng bản thân tôi, nếu tranh thủ cấy đêm thì mỗi ngày cũng cấy được khoảng 2 sào, nếu không ăn cơm trưa thì được trả công 450.000 đồng/sào. Có những ngày, tổ thợ 10 người, chia thành 3 tốp, làm việc từ sáng sớm đến khuya vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hầu như ngày nào cũng có người gọi thuê cấy, có những nơi, diện tích ít thì cũng phải từ chối".
Hiện nay, ngoài các đội thợ cấy hoạt động hết công suất thì ở huyện Thanh Chương, nhiều xã đã triển khai gieo mạ khay, cấy máy như Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Hòa, Cát Văn… nhưng số máy cấy chỉ đáp ứng được khoảng 200/5.000 ha vụ hè thu.
Các địa phương đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu gieo cấy vụ hè thu đúng lịch thời vụ. Ảnh: CSCC |
Những ngày tới, theo dự báo thời tiết, ở Nghệ An có mưa rào và giông, tập trung vào chiều và đêm nên các địa phương đang chỉ đạo, đốc thúc người dân tranh thủ từng khoảng thời gian thuận lợi để gieo cấy lúa hè thu. Thời vụ gấp gáp, chớp “nước trời”, người dân các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa hè thu, kéo theo đó, nhu cầu về thợ cấy tăng cao. Các tổ thợ cấy làm việc hết công suất, căng mình dưới nắng nóng nhưng bù lại, họ có thu nhập khá cao trong một thời vụ.
Theo đề án sản xuất, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 81.000 ha lúa. Đến thời điểm này, đã hoàn thành việc thu hoạch lúa xuân, người dân các địa phương tranh thủ thu hoạch đến đâu triển khai làm đất, bắc mạ tới đó. Diện tích đất phục vụ hè thu đã cày đạt trên 90%, một số huyện thuận lợi về nước tưới đã tập trung gieo cấy kịp thời vụ. Phấn đấu diện tích thấp trũng thu hoạch trước ngày 30/8 và diện tích vùng đất vàn thu hoạch trước ngày 15/9.