Tranh thủ nguồn nước mưa, vùng cao Nghệ An làm đất gieo cấy lúa mùa
Thời điểm này, tranh thủ có nguồn nước mưa bà con vùng cao Nghệ An khẩn trương làm đất gieo cấy lúa mùa, đảm bảo lịch khung thời vụ.
Những ngày này, tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, bà con đang tích cực làm đất gieo cấy lúa mùa. Chị Sầm Thị Lan ở bản Hoa Tiến 1 chia sẻ: Từ đầu tháng 6 đến nay, vùng cao hay mưa nên cả ruộng đồng đều đầy nước. Hiện nay gia đình đã làm đất xong, triển khai cấy được 1/3 sào ruộng, dự kiến 4 ngày tới sẽ gieo cấy xong lúa mùa.
Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Vụ mùa năm nay rất thuận lợi, mưa nhiều nên ruộng đồng, sông suối đều nhiều nước. Tranh thủ thời tiết ủng hộ, xã huy động trên 150 máy cày, hiện toàn xã đã làm đất xong 252 ha, gieo được trên 110 ha lúa, cấy được khoảng 10 ha. Dự kiến trong 10 ngày tới sẽ hoàn thành xong sản xuất vụ mùa.
Để chủ động nguồn nước, xã đã kịp thời chỉ đạo bà con các bản duy tu bảo dưỡng 165 guồng quay lấy nước, đặt ở dòng sông Hạt và các khe suối lấy nước tưới lúa. Ngoài ra, các xã trọng điểm lúa như Châu Bình, Châu Hạnh, bà con đã ra mạ, tranh thủ làm đất gieo cấy lúa.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết: Vụ mùa này toàn huyện Quỳ Châu gieo cấy khoảng trên 1.850 ha lúa, từ đầu mùa thời tiết trong ngày đều có mưa nên rất thuận lợi bà con sản xuất.
Đến nay bà con toàn huyện đã bắc mạ xong, mạ sinh trưởng tốt, tiến độ làm đất đạt trên 90%. Hiện đã có một số diện tích triển khai gieo cấy. Năm nay huyện đưa vào cơ cấu các giống lúa thuần ngắn ngày nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Các xã tuyên truyền vận động bà con sau khi gieo cấy xong thì tập trung chăm sóc, cân đối bón các loại phân cho lúa sinh trưởng tốt, cũng như thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện dự tính, dự báo sâu bệnh hại lúa. Tiến hành tu sửa các công trình thủy lợi hư hỏng, nạo vét thông thoáng kênh mương.
Toàn huyện có 14 hồ chứa lớn, nhỏ và 82 đập dâng và các công trình đầu mối, mực nước tại các công trình hồ đập thời điểm này đạt dung tích trên 65%. Để đảm bảo nguồn nước tưới, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳ Châu đã lên phương án đặt các máy bơm dầu dã chiến ở các khe suối ở các xã khó khăn về nguồn nước để bơm bổ sung.
Tương tự, ở huyện Quế Phong, sau mưa các cánh đồng nơi đây đều ngập tràn nước.
Ông Vi Văn Thành ở xã Tiền Phong cho biết: Mọi năm đồng ruộng khô khốc, năm nay mưa nhiều, đồng ruộng đầy nước nên khâu làm đất rất nhanh. Gia đình tôi đã làm đất xong 2 sào, hiện đang làm đất thuê cho các hộ dân khác.
Trên các cánh đồng ở xã Tiền Phong, bà con đều bắc mạ ngay tại ruộng. Các đám mạ được chăm sóc bảo vệ, che chắn cẩn thận phòng chống chuột phá hoại.
Ông Võ Khánh Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Vụ mùa năm nay toàn xã gieo cấy 252 ha lúa, do có nguồn nước mưa thuận lợi nên toàn xã đã làm đất đạt 80%, hiện đều đã ra mạ. Nguồn nước 3 hồ chứa gồm hồ Chòm Bảy, Long Quang, Phái Hùa đều đạt dung tích trên 70%, đáp ứng được cho trên 150 ha lúa. Diện tích còn lại nếu trời nắng nóng khô hạn, Xí nghiệp Thủy lợi Quế Phong kết hợp với người dân đặt các máy bơm dầu dã chiến, máy bơm mi ni dọc sông để tưới lúa.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, vụ mùa năm nay toàn huyện gieo cấy trên 2.500 ha lúa, hiện nay bà con đang tập trung làm đất đạt tiến độ trên 50%, dự kiến đến ngày 20/6 sẽ đồng loạt gieo cấy lúa, kết thúc vụ mùa ngày 20/7.
Ngay từ đầu vụ huyện Quế Phong đã trích trên 400 triệu đồng duy tu, sửa chữa kênh mương nội đồng ở các xã Châu Kim, Tiền Phong… nhằm tránh thất thoát nguồn nước, đảm bảo cấp nước cho các diện tích lúa mùa.
Vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 29.000 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương… Khác với vụ mùa năm trước, khi Nghệ An có khoảng trên 2.000 ha không thể gieo
cấy, năm nay các huyện miền núi mưa nhiều nên hầu hết các diện tích đều làm đất được để gieo cấy. Theo lịch thời vụ, vụ mùa gieo cấy từ ngày 15/6 và kết thúc vào ngày 20/7, song hiện một số địa phương đã làm xong đất và triển khai gieo cấy. Ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các huyện, rà soát các diện tích lúa mùa khó khăn về nguồn nước có thể chuyển đổi sang các cây trồng khác.Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật