Trật tự quan hệ ngoại giao Đông Bắc Á đang thay đổi?
Lần đầu tiên trong hai thập kỷ một chủ tịch nước của Trung Quốc thăm Hàn Quốc mà “không dừng chân ở Triều Tiên”.
Hiện dư luận quốc tế đang dành sự quan tâm đối với những diễn biến ngoại giao quan trọng của khu vực Đông Bắc Á, đó là cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun-hye ở Seoul; Nhật Bản và Triều Tiên dường như đang “xích lại gần nhau hơn” đối với việc giải quyết căng thẳng kéo dài giữa hai bên liên quan đến vấn đề công dân bị bắt cóc của Nhật Bản trong quá khứ.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun-hye tại dinh tổng thống Hàn Quốc (ảnh: AP) |
Nhật Bản đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong nỗ lực thể hiện thiện chí nhằm đổi lấy phản hồi tích cực từ Triều Tiên về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Trong khi đó, Nhật Bản vừa mới tuyên bố một nghị quyết về vấn đề phòng thủ tập thể và điều này đã gây ra quan ngại cho cả Hàn Quốc và Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đã “ấm lên đáng kể”. Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong tuyên bố rằng chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Hàn Quốc trở thành một mốc lịch sử quan trọng nhất trong lịch sử ngoại giao song phương giữa hai nước. Tương tự, truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng quan hệ giữa hai bên là “tốt nhất trong lịch sử”. Bên cạnh đó, chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ một chủ tịch nước của Trung Quốc thăm Hàn Quốc mà “không dừng chân ở Triều Tiên”.
Tương tự, sự thành công ngoại giao tương đối của Nhật Bản với Triều Tiên trong vấn đề công dân bị bắt cóc cho thấy rằng dường như đã có sự tiến triển trong quan hệ giữa Tokyo với Bình Nhưỡng.
Xét về bề ngoài, những diễn biến ngoại giao ở Đông Bắc Á gần đây cho thấy ba xu thế: Một là, Trung Quốc “đang từ bỏ Triều Tiên để đến với Hàn Quốc”. Hai là, Nhật Bản “đang giành được ảnh hưởng ở Triều Tiên, bù vào khoảng trống trước đây do Trung Quốc nắm giữ”. Ba là, Hàn Quốc “sẽ tham gia với Trung Quốc để chống Nhật Bản”.
Bất chấp những diễn biễn này, vấn đề bản chất cần chú ý đó là: không có sự điều chỉnh thay đổi lớn trong các mối quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á, hay nói cách khác là trật tự quan hệ ngoại giao ở Đông Bắc Á không có sự thay đổi lớn.
Thứ nhất, Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách ngoại giao “tổng bằng không” trên bán đảo Triều Tiên. Những gì mà Trung Quốc đánh mất về mặt ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng phải được thu lại từ mối quan hệ với Hàn Quốc. Trong khi các mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh được cho là không còn được tốt khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì ít có khả năng Trung Quốc muốn từ bỏ tầm ảnh hưởng lịch sử đối với Triều Tiên.
Thứ hai, sự thành công ngoại giao của Nhật Bản về vấn đề công dân bị bắt cóc được cho là mang lại uy tín cho chương trình nghị sự ngoại giao của Shinzo Abe
hơn là sự thay đổi quan hệ tổng thể giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Việc Nhật Bản quyết định nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên không đồng nghĩa rằng hai bên đang tiến tới hợp tác trong các vấn đề khác, hay Nhật Bản có “chút ít” ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Bất chấp ấn tượng từ các chính sách kinh tế gần đây, ông Shinzo Abe vẫn phải đối mặt với sự phản đối không nhỏ từ công chúng Nhật Bản đối với quyết định sửa đổi hiến pháp cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể. Đạt được sự tiến triển trong vấn đề bắt cóc công dân giúp chính phủ của Shinzo Abe “bù đắp được một số tư bản chính trị” trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản.
Thứ ba, ít có khả năng Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau để chống Nhật Bản. Đúng là những ý định của Thủ tướng Abe gây quan ngại ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc, tuy nhiên cả hai nước đều thể hiện sự không hài lòng với các chính sách của Nhật Bản một cách độc lập. Đồng thời, trong khi các mối quan hệ được cho là tốt giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, thì có cơ sở để cho rằng Hàn Quốc vẫn rất quan ngại nếu phát triển quan hệ quá nhanh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ đã cam kết sẽ thể hiện vai trò trung gian hòa giải những vấn đề bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc một cách mạnh mẽ hơn. Nghị quyết phòng thủ tập thể của Nhật Bản chắc chắn không đủ để tạo ra một sự thay đổi lớn về hiện trạng quan hệ ngoại giao ở khu vực Đông Bắc Á.
Những tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục là những vấn đề chủ chốt chi phối tình hình an ninh, chính trị và ngoại giao của khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới./.
Theo VOV