Trẻ mưu sinh ở chợ trâu bò

(Baonghean) - “Ai về chợ Ú Đại Sơn/ Mua con trâu mộng lập nên đại điền”. Không biết tự bao giờ, câu ca nói về phiên chợ trâu bò lớn bậc nhất xứ Nghệ đã đi vào lòng người, như một niềm tự hào của vùng đất Đại Sơn, huyện Đô Lương. Thế nhưng, phiên chợ ấy bây giờ không chỉ dành riêng cho cánh thương lái bán buôn nữa; mà còn có sự xuất hiện của các em nhỏ...

Thích đi chợ hơn đi học


Không ai biết rõ chợ có từ bao giờ, nhưng cứ đến ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, người ta lại đổ xô đi chợ. Chợ Ú được xem là chợ bán trâu bò lớn hàng nhất nhì nước ta. Mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu bò. Từ sáng sớm, khắp các ngả đường, từng đoàn người dắt theo trâu bò đi về phía chợ, miệng không ngớt lời bàn tán. Những con trâu bước vội theo tiếng giục của chủ, những chú nghé chạy tung tăng bên cạnh trông như đi hội trâu bò. Các thương lái ngoại tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… thường phải vào từ ngày hôm trước. Họ cho trâu bò lên xe bò lốp, xe ô tô rồi chở đến. Dọc hai bên đường dân vào chợ, xe ô tô vận tải về mua trâu bò đậu kín cả lối đi.

Chúng tôi có mặt ở phiên chợ Ú vào một ngày thứ 6 trong tuần, được tận mắt nhìn thấy rất đông các em nhỏ tầm 14 đến 16 tuổi. Số thì đi với bố mẹ, số thì 3, 4 đứa bạn bè kéo nhau cùng đi…Mùi trâu bò quẩn trong gió quyện cùng mùi bùn đất nhão nhoét vì trận mưa rào chiều qua bốc nồng nặc, khó chịu. Những đứa trẻ chân đất, đầu trần rượt đuổi nhau, í ới, trêu ghẹo nhau náo loạn. Có nhóm trẻ con ngồi uống nước mía, đưa mắt quan sát người nào vừa mua được con trâu, con bò nào là chạy đến hỏi cần dắt về hay không? Số ít nữa ngồi trên xe lôi trông giữ trâu bò, lâu lâu lại giơ điện thoại ra nhắn tin, chơi điện tử… Chúng tôi vào vai cô giáo ra dạo chợ tìm mua trâu bò chuẩn bị làm đám cưới (chợ Ú nằm ngay cạnh Trường Tiểu học và THCS Đại Sơn) để lân la hỏi chuyện.

Len lỏi qua những con trâu bò đang chờ bán, làm quen được với 2 em nhỏ đang ngồi trên xe lôi giữ trâu tên là Quang và Thành. Cả 2 em đều ở xóm 9 xã Trù Sơn và cùng dắt trâu thuê cho ông anh họ là thương lái lâu năm ở chợ. Quang đã bỏ học, còn Thành đang học lớp 8. Sáng sớm, hai anh em lùa trâu từ Trù Sơn sang chợ, đến trưa, nếu không bán hết thì lại lùa trâu từ chợ về nhà. Mỗi phiên được 70 nghìn đồngtiền công. Gặp chúng tôi, Quang buông lời trêu ghẹo trước: “Cô mua trâu hay mua bò, nhà em đều có cả. Em bán rẻ cho, cô đừng bắt em phải lên bảng thường xuyên là được”.

Khác với cách nói chuyện rất “chợ búa” của Quang và Thành, em Nguyễn Thị Lý đang ngồi trên xe lôi giữ trâu cùng mẹ lại tỏ ra bẽn lẽn. Lý là học sinh lớp 7B Trường THCS Trù Sơn. Bố mẹ Lý là thương lái lâu năm. Phiên chợ này, mẹ Lý có 7 con trâu đi bán. Một mình mẹ dắt không được nên Lý phải nghỉ học đi cùng mẹ. Chúng tôi hỏi: “Tại sao em không đi học, nghỉ học tự do thế này không sợ cô giáo cho điểm kém à?”. Mẹ Lý nhanh nhẩu: “Bựa ni không có bài kiểm tra. Con bé ham học lắm, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải nghỉ học để dắt trâu ra chợ cùng mẹ. Nhà không còn ai nữa, anh chị nó đi làm ăn xa cả rồi”.

Một trẻ có thể “đòi” 3, 4 con trâu cùng lúc.

Phiên chợ vẫn tấp nập người vào ra xem trâu và mặc cả. Theo sự hướng dẫn của những người đi chợ, những con trâu bò đeo mã số bên tai là trâu từ ngoại tỉnh về. Còn những dãy số được sơn lên mình trâu là số điện thoại của chủ trâu. Khách hàng cứ thoải mái xem, nếu thích thì gọi theo số điện thoại đó, chủ trâu sẽ đến và trả giá. Những chú bò được mua từ bên nước Lào cứ ngơ ngác nhìn. Trong khi đó, một số con trâu đực to béo, nước da đen nhánh, cặp sừng nhọn hoắt lại tỏ ra hung dữ. Đang cố tránh tìm lối đi ra khỏi chợ, chúng tôi gặp một em bé dáng người nhỏ thó đang cố gắng hết sức để dắt 3 con trâu từ chợ về làng bên cạnh. Chú nghé con lúc chạy lên trước khiến em theo không kịp, lúc nó ngoảnh cổ lại nhìn bầu bạn giục mãi không chịu đi. Đi cùng em một đoạn đường khá xa, em mới ngập ngừng kể chuyện với các chị “lạ mặt”. Em tên là Nguyễn Văn Hưng ở xóm 15 xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc. Gia đình có 9 anh em, Hưng là con thứ 5. Vì hoàn cảnh gia đinh khó khăn nên em phải nghỉ học đi dắt trâu bò để kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Dắt 3 con trâu này mệt lắm, cũng chỉ được 20 nghìn đồng. Mới 14 tuổi và đi dắt trâu bò thuê cho thương lái hơn 1 năm nay, Hưng tỏ ra rất thành thạo về giá cả và đường đi lối lại của các xã vùng lân cận. Hưng cho biết: “Có lần em với 4 đứa bạn nữa lùa 21 con trâu bò về Nghi Kiều với giá 300 nghìn đồng. Đi đến giữa đồng thì mấy con trâu nhảy xuống ruộng, bị công an địa phương phạt mất 300 nghìn đồng. May mà hôm đó có chủ đi theo chứ không thì mấy đứa góp tiền cũng không đủ mà trả. Đó là chưa kể gặp con trâu chận người, có lúc phải cố mà chạy thoát thân cũng đứt hơi. Ở chợ, có nhiều người dắt trâu bò thuê lắm, những người gần nhà nhau thường lập ra một hội, chứ làm riêng lẻ thường hay bị bắt nạt và tranh giành khách”.

Hoàn cảnh gia đình không đến mức khó khăn phải nghỉ học, nhưng Đặng Quang Dũng đang là học sinh lớp 7 ở xã Trù Sơn lại thích đi chợ hơn là đi học. Chúng tôi gặp Dũng lúc phiên chợ cũng bắt đầu vãn người. Dũng đang cầm que kem ăn ngon lành, hình như em đang tự thưởng sau một phiên chợ vất vả. Dũng khoe: “Sáng ni, em kiếm được 80 nghìn”. Khi hỏi đến chuyện học Dũng hồn nhiên trả lời: “Em học dốt lắm, không thích đi học chút mô cả, nhưng tại cha mẹ em cứ bắt đi. Mỗi khi đến phiên chợ là em nghỉ học, xuống đây dắt trâu bò, chỉ cần dắt từ trong chợ ra ngoài xe cũng được 5 nghìn đồng rồi. Đi chợ đông vui lại có tiền, muốn mua chi thì mua”.

Những thương lái ở đây cho biết, mấy năm gần đây, phương tiện vận tải nhiều, họ thường thuê ô tô chở về cho nhanh. Chỉ có những hộ buôn nhỏ hoặc nhà gần chợ, không tiện thuê ô tô nên mới nhờ mấy em nhỏ dắt hộ trâu bò, tiền công chỉ 3, 4 chục nghìn tùy vào quãng đường dài hay ngắn. Vì vậy, các em thường đi về trong ngày. Trước đây, có người đòi trâu bò về tận Thanh Chương, Yên Thành… đi 3, 4 ngày là chuyện bình thường, tiền công có khi lên đến 400 - 500 nghìn đồng. Do món tiền kiếm được khá cao nên nhiều học sinh đã bỏ học để đi dắt trâu bò cho thương lái.

Trách nhiệm của người lớn

Công việc dắt trâu bò thuê tuy hơi vất vả, nguy hiểm, nhưng do mức tiền công cao nên khá hấp dẫn nhiều người. Hầu hết các em đều đến từ các xã Trù Sơn, Đại Sơn (Đô Lương) và Nghi Văn, Nghi Kiều (Nghi Lộc). Hầu hết những đứa trẻ đến đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em nên bố mẹ ít có điều kiện quan tâm con cái. Số ít nữa là do nhác học, trốn học đi chợ kiếm tiền ăn chơi. Sau mỗi phiên chợ, các em lại tụ tập trong quán bi-da, quán internet để chơi game. Đang ở độ tuổi thiếu niên, quần áo mặc trên người có thể đang bẩn thỉu, nhiều em đã nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, tay cầm điện thoại đắt tiền ra vẻ dân chơi. Do sớm tiếp xúc với chợ búa nên cách ăn nói của nhiều em cũng “chợ búa” theo. Tiếp xúc với các em, thấy dường như ngoài cái vỏ bụi bặm và có vẻ “sành sỏi” ấy, các em vẫn rất hồn nhiên, thơ trẻ, cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Để các em có thể hiểu rằng, những đồng tiền mình kiếm ra bây giờ, có thể giúp các em mua một lon cô-ca, một que kem, đánh bi-a, hay mua được cả điện thoại… mà không cần phải xin tiền bố mẹ, nhưng để đánh đổi lấy một tương lai phía trước thì không đáng chút nào.

Trẻ “đòi trâu” ở chợ Ú, xã Đại Sơn.

Nhiều giáo viên ở các trường vùng lân cận chợ Ú đều than thở về tình trạng nghỉ học của học sinh. Cứ đến phiên chợ, chúng viết đơn xin phép nghỉ học với lí do “em bị ốm” để đi chợ. Số học sinh nghỉ học nhiều nên thành tích thi đua của lớp cố gắng lắm cũng không khá lên được. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Tô Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Sơn cho biết: “Thực trạng học sinh bỏ học để đi dắt trâu thuê ở đây là có thật. Tâm lí của nhiều học sinh vẫn thích đi chợ hơn đi học, vì đi chợ thì có tiền mà tiêu. Về phía nhà trường, chúng tôi đã cố gắng hết sức, bằng mọi biện pháp có thể, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, UBND xã Đại Sơn cùng với sự quan tâm của huyện, Phòng GD-ĐT Đô Lương để khắc phục tình trạng trên. Đến nay, số học sinh bỏ học đã giảm rất nhiều, nhưng chưa thể chấm dứt hoàn toàn được”.

Cô Linh cũng chia sẻ thêm, Đại Sơn cách xa trung tâm, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả. Nhận thức của một số gia đình về việc đầu tư cho con em học hành còn nhiều hạn chế. Họ cho rằng đi học vừa mất tiền, học xong cũng về đi buôn, đi dắt trâu bò thế này vừa có tiền lại học hỏi được kinh nghiệm, lớn lên đi buôn đỡ bị “hớ”. Trước đây, tình trạng bỏ học giữa chừng rất nhiều, mỗi năm có khoảng 40 đến 45 em bỏ học. Số nữa thì cứ đến phiên chợ là nghỉ học vài ba ngày để đi dắt trâu bò về các huyện xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Mỗi lúc có phiên chợ, thầy cô thấy học sinh vắng nhiều là phải ra chợ để kéo học sinh về lớp. Đầu năm học 2009 -2010, Hội nghị chống bỏ học được tổ chức với sự tham gia của các ban ngành, Trường THCS Đại Sơn và UBND xã Đại Sơn, cùng các chi bộ thôn xóm, có sự tham gia của lãnh đạo huyện và trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương. Hội nghị thống nhất thành lập tổ kiểm tra, phát hiện có tình trạng nghỉ học thường xuyên là báo ngay về gia đình. Tổ kiểm tra sẽ đến tận gia đình vận động, khuyên bảo phụ huynh cũng như học sinh trở lại trường học...

Nhờ có sự quan tâm, kết hợp giữa nhà trường và các ban ngành cấp xã, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện Đô Lương và Phòng GD-ĐT, tình trạng bỏ học và nghỉ học thường xuyên đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng nghỉ học của học sinh không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai, mà là một quá trình lâu dài “mưa dầm thấm lâu”. Bởi sự cám dỗ của đồng tiền từ những phiên chợ trâu bò là rất lớn, trong khi, để đưa học sinh đến trường, không chỉ riêng trách nhiệm của thầy cô, của các đoàn thể xã hội, mà còn phụ thuộc phần nhiều vào nhận thức của phụ huynh và học sinh. Nhiều bậc cha mẹ cũng chưa nhận thức được hậu quả thất học của con em mình, thậm chí họ còn khuyến khích con... đi chợ sớm!?

Bài, ảnh: Nguyễn Lê - Hồ Lài

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.