Triển khai Nghị định 67: Tháo "van" thế chấp tín dụng

10/06/2015 22:44

(Baongehan) - Đến tháng 7/2015, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản sẽ tròn 1 năm đi vào cuộc sống. Với mục tiêu hỗ trợ ngư dân bám chắc ngư trường nhưng việc triển khai Nghị định này vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là hoạt động giải quyết vốn cho tàu vươn khơi. Tàu chưa hạ thủy, đương nhiên sẽ gây khó khăn cho công tác triển khai chính sách bảo hiểm (BH) khai thác thủy sản vốn là công đoạn cuối cùng trong chuỗi hỗ trợ thực hiện NĐ 67.

Chính sách đã đi đúng hướng

Đánh giá của ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 cho thấy, thời gian qua, tại các địa phương, cả ngành nông nghiệp, ngân hàng và tài chính, bảo hiểm đã chủ động, tích cực tiếp cận ngư dân để triển khai NÐ 67. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tới nay đã có 26 tỉnh, thành phố (trong tổng số 28 địa phương thực hiện Nghị định 67) phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Cụ thể, số tàu đăng ký đóng mới là 648 chiếc có công suất từ 400 CV trở lên, trong đó có 334 chiếc tàu vỏ gỗ, 270 chiếc vỏ thép, còn lại dùng vật liệu mới. Số tàu nâng cấp theo ưu đãi của NĐ 67 thì ít hơn, chỉ có 90 chiếc. Đối với chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, năm 2015, kế hoạch vốn đầu tư cho ngành thủy sản mới đạt tương đương so với mức trung bình vốn đầu tư giai đoạn 2011-2014, với 640,5 tỷ đồng cho chương trình phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, 480 tỷ đồng cho chương trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và 100 tỷ đồng cho chương trình giống thủy sản). Do đó, chưa đáp ứng được theo quy định của nghị định - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Về cho vay vốn lưu động cho các chuyến biển, đến nay đã có 89 khách hàng tại Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre, Huế, Kiên Giang và Phú Yên được vay từ NHTM với số vốn đạt gần 24 tỷ đồng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tất cả chi nhánh NHNN tại các tỉnh đều có "đường dây nóng" để tiếp nhận và xử lý kịp thời những vướng mắc của người dân cũng như các NHTM liên quan.

Đóng tàu cá công suất lớn ở HTX Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc).  Ảnh: Nguyên Khoa
Đóng tàu cá công suất lớn ở HTX Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc). Ảnh: Nguyên Khoa

Về chính sách bảo hiểm (BH), đến ngày 18/5, đã có 21/28 địa phương thực hiện BH thân tàu, ngư lưới cụ và BH tai nạn thuyền viên, tổng phí BH đạt 63,193 tỷ đồng, tổng giá trị BH đạt 6,3 nghìn tỷ đồng với 2.555 tàu trên 90CV và hơn 30 nghìn thuyền viên tham gia BH. Hiện đã xảy ra hai vụ tổn thất tàu cá, với thiệt hại ước tính khoảng 8 tỷ đồng đang được các doanh nghiệp BH khẩn trương tiến hành các thủ tục để bồi thường. Về chính sách ưu đãi thuế, hiện các địa phương đang triển khai thực hiện các chính sách miễn thuế tài nguyên, môn bài, miễn thu tiền lệ phí trước bạ, tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế nhập khẩu. Các chính sách khác như hỗ trợ 7,5 tỷ đồng chi phí thiết kế 21 mẫu tàu vỏ thép theo từng nhóm nghề; hỗ trợ chi phí đào tạo, vận chuyển, duy tu, sửa chữa… Như vậy, với số tàu cá vỏ thép đóng mới đạt 50% và số tàu có tổng công suất máy từ 800 CV trở lên chiếm 60% tổng số tàu được phê duyệt, có thể nói, mục tiêu phát triển đội tàu cá vỏ thép, trang bị hiện đại đã đạt được theo đúng định hướng.

Khi địa phương “chưa rõ” về quy định

Tuy nhiên, tại nhiều hội nghị giao ban trực tuyến, có thể thấy rõ các địa phương, ngư dân vẫn còn lúng túng trong thực hiện chính sách, cả về trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định dự án đóng tàu và các thủ tục khác. Theo đó, về đóng mới, nâng cấp tàu và vay vốn lưu động, quy định sử dụng máy tàu cũ hay mới khi đóng mới vẫn chưa rõ, trong khi một số địa phương và ngư dân có nguyện vọng được sử dụng máy cũ còn tốt khi đóng tàu mới, chỉ có nhu cầu vay vốn để gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản hoặc mua sắm thiết bị khai thác. Do vướng mắc này mà ngư dân không được vay vốn, bởi các NHTM cho rằng muốn được cho vay để nâng cấp trang thiết bị thì ngư dân phải thay mới máy, không được sử dụng máy cũ.

Về mức vay, do NĐ 67 chỉ quy định mức vay tối đa nên một số NHTM cho rằng có thể cho ngư dân vay ở hạn mức thấp hơn, mức cho vay còn phụ thuộc vào việc thẩm định về khả năng trả nợ, phương án kinh doanh của ngư dân. Ngoài ra, việc một số chủ tàu còn thiếu vốn đối ứng, việc thẩm định giá thành đóng tàu còn lúng túng do chưa quy định rõ cơ quan thẩm định giá; việc chưa quy định về hỗ trợ nâng cấp tàu khai thác, tàu đóng mới, tàu dịch vụ hậu cần bằng vật liệu mới... Về vay vốn lưu động, với mức lãi suất 7%/năm như hiện tại được đánh giá là chưa hấp dẫn so với vay thương mại, trong khi thủ tục vạy lại mất nhiều thời gian hơn (do quá trình xác nhận, thẩm định, phê duyệt… kéo dài). Đối với chính sách BH, vẫn còn tình trạng các địa phương thành lập tổ, đội, hợp tác xã chậm, nhiều doanh nghiệp BH phải xắn tay vào giúp ngư dân, ban chỉ đạo địa phương nhiều công việc thực tế để đẩy mạnh tiến trình cung cấp BH, nhưng có địa phương vẫn yêu cầu Trung ương giải thích khái niệm đồng BH và giải thích thêm về chính sách, thủ tục BH. Ngoài ra, trong hỗ trợ chi phí chuyến biển, việc xác định tàu làm dịch vụ ở vùng biển xa bờ còn gặp khó khăn do một số tỉnh chưa có trạm bờ và lắp thiết bị trên tàu hoặc tại một số vùng biển xa các đơn vị bộ đội đóng quân để xác nhận vị trí tàu hoạt động cũng chưa được quy định.

Tháo gỡ vướng mắc...

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định theo quy định của NĐ 67, tất cả các tàu thuộc diện đối tượng đều được hưởng hỗ trợ vay vốn mà không cần phải thay máy. Bên cạnh đó, việc hiểu đến thời hạn 2016 sẽ dừng triển khai các chính sách ưu đãi chủ yếu của NĐ 67 là hoàn toàn sai, mà các chính sách này sẽ vẫn được tiếp tục cho tới khi đạt được các mục tiêu chủ yếu đã đặt ra. Mốc thời gian 2016 là để sử dụng cho việc các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng kết công tác thực hiện, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chấn chỉnh.

Trong chính sách tín dụng, vẫn còn địa phương, bộ ngành đề xuất giảm mức lãi suất vốn vay xuống dưới 7%/năm, nhưng NĐ67 quy định rõ: ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ mức 1 đến 3%, còn số 7% là số được đặt ra nhằm xác định mức cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng tới sự biến động lãi suất mà ngư dân phải trả - Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà giải thích.

Về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu: về chính sách đầu tư, việc cần nhất là chính sách đầu tư phải được thực hiện bằng được theo hướng tìm mọi nguồn lực ngoài NSNN để thực hiện, trong đó có vốn ODA, phát hành trái phiếu… Chỉ có như vậy thì mới đủ nguồn lực để thực hiện cơ sở hạ tầng đồng bộ cho việc thực hiện chính sách. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, trình Quốc hội, Chính phủ các giải pháp để tiếp tục tăng cường vốn cho hạ tầng nghề cá, thiết thực hỗ trợ cho ngư dân, khuyến khích ngư dân đóng tàu cá đánh bắt xa bờ. Về thiết kế tàu cá, với những điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tập quán của bà con, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc ủy quyền cho địa phương điều chỉnh. Việc ủy quyền này phải gắn liền với trách nhiệm ủy quyền và được ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật - Phó Thủ tướng nói.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng (khi vay vốn đóng tàu) theo tiến độ, ngư dân không cần phải trả một lần mà có thể chia ra làm nhiều đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. NHNN nghiên cứu phần vốn đối ứng cho ngư dân có thể vay thương mại. Về thời gian vay vốn đóng tàu, trước kiến nghị kéo dài thời gian hơn 11 năm như quy định, Phó Thủ tướng cho biết đây là đề nghị thiết thực từ thực tế, phù hợp với khả năng, điều kiện của đất nước, do đó, sẽ báo cáo Chính phủ quyết định. Riêng về vốn vay lưu động cho chuyến đi biển của ngư dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm mức lãi vay theo chiều giảm của lãi suất cho vay thông thường, đồng thời có thể cho vay vốn đối ứng không cần tài sản bảo đảm để “tháo van” tín dụng cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tiếp cận được vốn lưu động, vì thực tế là người dân rất cần sự tạo điều kiện này - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Liên quan tới việc sử dụng máy cũ để nâng cấp, đóng mới tàu cá, cho rằng đây là vấn đề khó, nhưng lại sát với thực tiễn và nhu cầu của ngư dân, Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ nội dung này, vì nó không chỉ liên quan tới máy tàu cá mà còn liên quan tới trang thiết bị ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhưng tinh thần là quản lý được thì vẫn cho phép ngư dân sử dụng máy cũ để đóng tàu hoặc nâng cấp máy tàu...

Sông Hồng

* Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 8/6/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Chính phủ sẽ điều chỉnh NĐ67 theo hướng cho phép ngư dân dùng máy cũ từ 400 CV trở lên, giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay với tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới vì giá trị loại tàu này đắt hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ; đồng ý hỗ trợ tàu vỏ gỗ, công suất lớn từ 800 CV trở lên và giao cho địa phương thực hiện.

* Theo Phó Vụ trưởng tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn, đến hết ngày 20/5, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiếp cận 786/818 chủ tàu đã được phê duyệt để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn. Trong đó, các NHTM đã nhận được 205 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 21/23 tỉnh, thành phố; đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 52 tàu (đóng mới 48 tàu, nâng cấp 4 tàu) với tổng số tiền gần 525 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, tài sản bảo đảm chính là con tàu đang đầu tư. Dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt hơn 94 tỷ đồng.

Mới nhất
x
Triển khai Nghị định 67: Tháo "van" thế chấp tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO