Triển vọng bất động sản công nghiệp ở Nghệ An
Trong bối cảnh bất động sản công nghiệp đang trở thành điểm sáng trên thị trường cả nước, Nghệ An - điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư - nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới của miền Trung, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Sức hút từ các khu công nghiệp lớn
Tiêu biểu ở Nghệ An là Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, với diện tích 750 ha, đã thu hút 55 dự án đầu tư, trong đó, có 34 dự án FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký tại đây đã vượt 2 tỷ USD, và tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 97% - con số cho thấy mức độ quan tâm cao từ các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An, diện tích hơn 183 ha và tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng thuộc địa bàn các xã Nghi Hưng, Nghi Đồng (Nghi Lộc) vừa được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực phát triển cho hành lang công nghiệp phía Đông Nam của tỉnh.
4 tháng đầu năm 2025, Nghệ An thu hút thêm 7.455,5 tỷ đồng vốn cấp mới và điều chỉnh, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 122,4 triệu USD. Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án, điều chỉnh cho 54 lượt dự án, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 7.455,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỉnh đã hoàn thành thủ tục và trao quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 3 với tổng vốn đăng ký 52,5 triệu USD, hứa hẹn tạo động lực lớn cho thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Theo Cục Thuế tỉnh Nghệ An, tổng thu nội địa năm 2024 đạt 23.703 tỷ đồng, vượt 163% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách Nghệ An đạt khá. Đáng chú ý, trong số này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hạ tầng khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Cụ thể, Công ty TNHH VSIP Nghệ An, chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên, đã nộp ngân sách hơn 1.260 tỷ đồng trong năm 2024, trở thành một trong những doanh nghiệp có mức đóng góp lớn nhất tỉnh.
Trong khi đó, KCN Hoàng Mai I có diện tích 264,77 ha, đóng tại thị xã Hoàng Mai, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An lại có vị trí chiến lược ven Quốc lộ 1A, thuận tiện kết nối với cảng biển, đường sắt và sân bay, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và logistics. Tính đến tháng 4 năm 2025, tỷ lệ lấp đầy của KCN đạt 82%.

Một số dự án FDI lớn đã được triển khai ở Khu công nghiệp Hoàng Mai, bao gồm: Tập đoàn Juteng (Đài Loan): Đầu tư 200 triệu USD trên diện tích 120 ha; Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) đầu tư 400 triệu USD trên diện tích 30 ha; Công ty TNHH Công nghệ Hoa Lợi đầu tư 56 triệu USD trên diện tích 13,9 ha.

KCN Hoàng Mai I được trang bị hệ thống giao thông nội bộ hiện đại, hệ thống điện, nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, khu công nghiệp còn có các dịch vụ hỗ trợ như ngân hàng, bưu điện, hải quan, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
KCN Hoàng Mai II có diện tích 334,79 ha, được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Anh và Ấn Độ, nhờ vào quỹ đất lớn và hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy bất động sản công nghiệp và cả các dự án logistic và vui chơi, giải trí.
Quy hoạch mở rộng và chính sách ưu đãi
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp thời kỳ 2021-2030, Nghệ An sẽ có 15 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam, với diện tích đến năm 2030 là 8.056 ha và sau năm 2030 tăng lên 14.117 ha. Ngoài ra, còn có 8 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế, với diện tích dự kiến là 1.509 ha đến năm 2030 và sẽ tăng lên 3.659 ha sau mốc này.

Nghệ An cũng đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư, điển hình như hỗ trợ hãng tàu vận chuyển container quốc tế và nội địa đến Cảng Cửa Lò, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Năm 2024, Nghệ An đã hỗ trợ các hãng tàu vận tải container hơn 20 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng của Nghệ An trong thu hút dòng vốn công nghiệp.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, Nghệ An tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhờ vào sự phát triển hạ tầng, thu hút vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế ổn định.
4 tháng đầu năm 2025, khu vực công nghiệp và xây dựng ở Nghệ An tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính, tăng 19,6%.
Các dự án trọng điểm như tuyến đường quốc gia ven biển và việc nâng cấp Sân bay Vinh đang tạo ra sự kết nối thuận tiện hơn giữa Nghệ An với các khu vực lân cận và quốc tế. Đặc biệt, cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đã hoàn thiện, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhu cầu nhà ở công nhân, chuyên gia và dịch vụ tăng theo
Một giám đốc người Hàn Quốc quản lý, điều hành Công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Công ty ông đã hoạt động ở Nghệ An hơn 10 năm nay. Hiện nay ông và các cộng sự đang phải thuê các căn hộ chung cư cao cấp ở thành phố Vinh vì ở xa nên đi lại mất nhiều thời gian. Tuy nhiên hiện Nghệ An vẫn còn thiếu các khu vui chơi, giải trí dành cho người ngoại quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nếu Nghệ An phát triển được hạ tầng bất động sản công nghiệp kèm theo các điều kiện sinh hoạt phù hợp sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình làm việc và làm ăn ở Nghệ An, đảm bảo các nhu cầu hưởng thụ sau giờ làm việc vất vả.
Ông Lê Tiến Trị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Nguồn cung của Nghệ An hiện đã sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Hiện có 600 ha đã chuẩn bị đón các doanh nghiệp, nhà máy.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp kéo theo nhu cầu mạnh mẽ về nhà ở cho công nhân và chuyên gia nước ngoài đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Các loại hình bất động sản như nhà ở xã hội, khu đô thị vệ tinh, nhà ở cho chuyên gia, cũng như các dịch vụ hậu cần, thương mại liền kề khu công nghiệp bắt đầu hình thành. Một số khu vực ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An hay khu vực Đông Nam tỉnh, một số dự án khu nhà ở phục vụ chuyên gia nước ngoài đã được đầu tư, Khu đô thị VSIP chưa mở bán nhưng cũng thu hút sự quan tâm của người dân.
Với vị trí chiến lược tại trung tâm trục Bắc - Nam, là điểm nối giữa Bắc Trung Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Lào - Viêng Chăn, Nghệ An đang hội tụ các yếu tố thuận lợi để phát triển thành trung tâm công nghiệp và logistics quy mô lớn. Các tập đoàn đa quốc gia đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đang liên tục khảo sát và mở rộng đầu tư tại địa phương này.
Sự cộng hưởng giữa quy hoạch bài bản, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chính sách ưu đãi và nhu cầu thị trường lớn là nền tảng giúp bất động sản công nghiệp Nghệ An có tiềm năng bứt phá trong dài hạn.