Triển vọng "nối nghề" cho làng đó?

10/01/2015 14:00

(Baonghean) - Làng Kẻ Dừa, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành có nghề đan đó bắt cá từng nổi tiếng xứ Nghệ; cứ sinh ra từ làng này là ai cũng biết đan đó. Nhưng, chuyện ấy đã là của quá khứ, làng nghề truyền thống tồn tại nhiều thế kỷ nay đã bị mai một…

Thời vang bóng

Chúng tôi đến thăm làng vào buổi sáng mùa Đông rét mướt. Làng Kẻ Dừa như một chiếc lừ khổng lồ nằm ở đầu xã Thọ Thành. Nét hiện đại của làng là có một vài nhà cao tầng mọc lên nhưng tổng thể vẫn giữ vẻ xưa cũ. Vẫn những mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Người dân vẫn một nắng hai sương với ruộng đồng. Những bậc cao niên trong làng khi nhắc đến nghề đan đó, đều rất hồ hởi nói về cái thời cả làng quanh năm rộn ràng tiếng chẻ tre đan đó vui như hội. Ông Hoàng - một nghệ nhân đan đó của làng kể; nghề đan đó Kẻ Dừa có từ lâu đời, khi ông lớn lên đã thấy nhà mình và cả làng đan đó. Con nít làng bất kể trai hay gái, độ 6 - 7 tuổi là biết đan đó rồi. Cứ tầm đầu tháng hai âm lịch gặp lúc nông nhàn, cả làng vô “chiến dịch” đan đó. Tiếng chẻ tre rộn làng, tiếng đan đó của hàng trăm gia đình nghe rào rào như mưa. Vào đến cổng nhà ai cũng thấy đó đứng, đó ngồi, đó nằm, đăng, đáy, trúm, lừ, nơm, giỏ… giăng la liệt.

Người làng Kẻ Dừa đan đó.
Người làng Kẻ Dừa đan đó.

Ông Hoàng rít điếu thuốc lào rồi nhả khói sảng khoái: “Đó làng tui đủ chủng loại. Nào đó một cửa bắt cá dưới lên, đó 2 cửa bắt cá hai đầu. Mỗi loại với mức độ, bắt cá khác nhau. Đó ngồi, đó nằm cũng có 5 - 6 cỡ to nhỏ. Đó ngồi loại nhỏ nhất dùng để bắt tép và cá con, loại lớn nhất cũng chỉ bằng vòng tay ngưòi lớn, bắt cá bằng bàn tay trở xuống; đó nằm loại lớn nhất dùng đặt ở cống, đặt mương, có cái rộng vài người ôm, dài đến 5m bắt cá lớn”.

Theo ông Hoàng, nghề này đòi hỏi tính kiên trì, khéo léo và tỉ mẩn. Trong các loại đó bắt cá thì chỉ có lừ bóng và đó ngồi 2 cửa là khó nhất. Lừ bóng chủ yếu bắt các loại cá rô, diếc, thia, cấn, chù. Loại này phải dùng trúc đúng độ tuổi vừa cứng, vừa dẻo dai, bởi nan nhỏ như chiếc tăm. Công đoạn ra nan và làm miệng yêu cầu phải cẩn thận, khéo léo và tinh xảo mới làm được, vì đó có 2 miệng liền. Nó giống như vẽ một bức chân dung toàn thân mà chỉ đi một nét. Còn đó ngồi 2 cửa cũng phải trải qua nhiều khâu: Thứ nhất, phải chọn tre giao lóng, đúng độ tuổi; thứ hai, ra nan phải đều đẹp; thứ ba, bó từng bó dùng chân đạp làm cho nan tròn, sạch, mịn; thứ tư dóc “chân rít” thành mê để đan; thứ năm, kết tràng (thắt lưng, cổ vai, bụng); thứ sáu vô đáy lên vành, cuối cùng là xoáy đầu lên lưng. Hầu như chiếc đó nào cũng phải qua các khâu như vậy, nhưng loại 2 đầu làm đáy khó hơn. Nếu sai kỹ thuật sẽ bị dẹo đó ngay. Còn các loại đó nằm, nơm, đăng, đáy thì làm đơn giản hơn.

Ông Hoàng nói trong nuối tiếc: “Trước đây, làng này nhà nào cũng làm ăn được. Cả nhà tui mỗi năm đan đó bán, nếu tính ra lúa cũng được 5 - 6 tấn, gấp mấy lần làm ruộng”. Đó Kẻ Dừa làm xong được khách tứ xứ về mua lẻ, mua sỉ cũng nhiều, nhưng chủ yếu là các hộ gia đình đưa đi khắp các chợ quê trong và ngoài huyện để bán. Có nhiều người chất lên xe thồ đi rong ruổi khắp các làng quê ngày này qua ngày khác rao bán. Đó Kẻ Dừa trước đây không chỉ bá chủ vùng Nghệ An mà còn vượt tuyến đi cả Thanh Hoá và Hà Tĩnh, đến đâu ai cũng biết tiếng như một thương hiệu. Từng chuyến xe chở đó Kẻ Dừa cùng với tiếng rao: “Ai đó ơ…” đã thành hình ảnh và âm thanh quen thuộc của nhiều làng quê xứ Nghệ. Nhờ nghề đan đó mà những năm giáp hạt, mất mùa đói kém, làng Kẻ Dừa vẫn no đủ. Nghề đan đó không giàu nhưng cho thu nhập ổn định và đồng đều, từng bước làm nên diện mạo một làng Kẻ Dừa ấm no hơn nhiều làng quê khác…

Nỗi niềm làng đó

Làng đó Kẻ Dừa hưng thịnh một thời, giờ chỉ còn trong lời kể và ký ức của các bậc cao niên. Hiện nay, Kẻ Dừa chỉ còn hơn mươi hộ còn níu giữ nghề truyền thống. Anh Nguyễn Tăng - một thợ làm đó ở cuối làng tâm sự: “Trước đây tui nhờ nghề đan đó mà nuôi được mấy đứa con ăn học và cất được ngôi nhà ngói đàng hoàng, cái ăn, cái mặc không phải lo lắng. Nhưng, khoảng 15 năm trở lại nay, nghề này không ăn thua nữa... Thu nhập từ nghề bèo bọt dần, dân làng bỏ gần hết. Tui ngoài nghề làm ruộng không có nghề chi, nên mua tre về đan cho đỡ ngứa tay, ngứa chân”.

Nói về nguyên nhân mai một nghề truyền thống, những người dân Kẻ Dừa cho biết: Nguyên nhân thứ nhất là cá tôm bây giờ hiếm hơn ngày xưa, vì đồng ruộng ngày một thu hẹp để xây dựng các công sở, công trình, nhà ở; cá tôm không sinh sản kịp khi bị các loại kích điện, lưới bát quái đánh bắt và tác động của sự ô nhiễm môi trường như thuốc sâu, rác thải công nghiệp. Nguyên nhân thứ hai là tre bây giờ bị chặt hầu hết, để thay vào đó những loại cây trồng mới. Người dân nơi đây muốn đan đó phải đi lên vùng cao mới mua được tre. Anh Nguyễn Tăng thở dài: “Còn cá tôm thì còn nghề đan đó, nhưng cá tôm bây giờ cũng cạn kiệt nên nghề đó lắt lay như ngọn đèn trước gió. Làng tui chủ yếu làm nông nên khi không còn nghề phụ thì cuộc sống bấp bênh lắm. Không việc làm nên nam nữ thanh niên lớn lên đều bỏ làng đi kiếm sống.”

Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Phó Chủ tịch MTTQ xã Thọ Thành kiêm Bí thư chi bộ làng Kẻ Dừa cho biết: “Trước đây làng có hơn 300 hộ làm đó, nhưng từ khi nghề đó bị mai một, gần 1.000 nhân khẩu thạo nghề đan không có việc làm. Trước tình hình đó, xã đã đưa nghề mây tre đan xuất khẩu về làng. Nghề mây tre đan xuất khẩu đã thổi một luồng gió mới cho kẻ dừa. Người nào cũng háo hức như sống lại thời kỳ hưng thịnh của nghề làm đó. Nhưng, cũng chỉ được 3 - 4 tháng như nhiều làng mây tre đan xuất khẩu ở huyện Yên Thành, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên làng nghề một lần nữa tan rã. Chúng tôi đang nghĩ cách để gần 1.000 “nghệ nhân” làng có việc làm nhưng nghĩ vẫn chưa ra!”.

Làng đó Kẻ Dừa hiện nay chỉ là tiếng vọng của một thời đã qua, nó đã bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Tuy nhiên, còn cá tôm thì vẫn còn nghề đan đó, một số hộ làng Kẻ Dừa vẫn cố gắng níu giữ nghề truyền thống, tuy thu nhập chẳng đáng là bao nhưng duy trì nghề như một sự tiếp nối truyền thống với hy vọng có dịp để phát triển. Bởi vậy, trên những nẻo đường quê, chúng tôi thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài chiếc xe đạp thồ đó của làng với tiếng rao “Ai đó ơ..ơ…”. Tiếng rao vọng giữa làng quê, nghe thật bồi hồi như một nốt lặng đầy cảm xúc trong bản giao hưởng đồng quê từ ngàn xưa vọng về.

Bài, ảnh: Tiến Dũng

Mới nhất

x
Triển vọng "nối nghề" cho làng đó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO