Trợ cấp cho con công nhân: Nhiều băn khoăn

Diệp Thanh 23/11/2022 11:10

(Baonghean.vn) -  Từ báo cáo 1 năm triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, có thể thấy số liệu đối tượng là con công nhân lao động tại các khu công nghiệp được nhận hỗ trợ là rất thấp.

Nhìn lại một năm thực hiện chính sách

Có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đáng chú ý, trong Điều 8 của Nghị định này có Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách tại điều này là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.

Khuôn viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Vinh có đông con của công lao động được nhận trợ cấp từ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Ảnh: Diệp Thanh

Để cụ thể hoá Nghị định trên, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 nhằm quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Liên quan đến nội dung tại Điều 8 - Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND nêu rõ: Mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là 160.000 đồng/trẻ/tháng; Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/1 năm học. Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện tuyên truyền về nội dung Nghị quyết 12 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chia sẻ về công tác tuyên truyền, chị Lê Phúc Lợi – chuyên viên Ban Tuyên giáo - Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Công đoàn Nghệ An đã triển khai công tác tuyên truyền nội dung trên chuyên trang Lao động của Báo Nghệ An, Fanpage, trang thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh, nhóm Zalo Công đoàn chuyên trách... Sau một năm thực hiện, toàn tỉnh có 176 trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đủ điều kiện nhận trợ cấp. Hiện nay đã chi trả với số tiền 100.800.000 đồng. Các huyện, thị đã thực hiện chi hỗ trợ là: Hưng Nguyên, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Nam Đàn, Cửa Lò. Riêng thành phố Vinh dự toán 75.520.000 nhưng chưa chi trả”.

Sau một năm triển khai, toàn tỉnh chỉ có 176 trẻ là con công nhân, lao động đủ điều kiện nhận trợ cấp. Ảnh: Diệp Thanh

Lý giải nguyên nhân trẻ con công nhân lao động trên địa bàn thành phố Vinh chưa nhận được hỗ trợ, ông Lê Trường Sơn – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: “Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Vinh buộc phải nghỉ học. Đây cũng là lý do sau 3 lần triển khai hướng dẫn lập hồ sơ, chúng tôi vẫn không thể thực hiện chi trả. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, chúng tôi đã tiếp tục tiến hành hướng dẫn và tập hợp hồ sơ cho cả 3 tháng 4, 5, 6 của học kỳ II năm học 2021-2022 và 4 tháng 9, 10, 11, 12 của học kỳ I năm học 2022-2023. Danh sách chốt ngày 14/11 là 320 cháu với tổng số tiền trợ cấp là 182.720.000 đồng. Các địa phương khác đều đã được nhận, phụ huynh địa bàn thành phố Vinh hãy yên tâm rằng, chắc chắn mình cũng sẽ được nhận, chỉ là muộn hơn vì lý do khách quan thôi”.

Những bất cập từ thực tiễn

Chia sẻ về những bất cập trong quá trình triển khai, bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Đây là một chủ trương, chính sách ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương với giáo dục mầm non nói chung và con công nhân lao động, giáo viên mầm non ở địa bàn khu công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, khi triển khai tại Nghệ An thì phần lớn con công nhân lao động không thuộc đối tượng được thụ hưởng, tỷ lệ được thụ hưởng quá ít. Bởi lẽ, công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là người từ các địa phương lân cận, con học trong các trường công lập theo hộ khẩu thường trú. Một số công nhân xa hơn lại gửi con ở quê với ông bà và theo học trường công lập tại địa phương. Thêm vào đó, vì thu nhập thấp nên hầu hết công nhân lao động sẽ ưu tiên xin cho con học ở các trường công lập và không có tiền để cho con theo học ở các cơ sở mầm non dân lập, tư thục với chi phí cao. Chưa kể các địa phương cũng có chính sách ưu tiên tuyển sinh con công nhân lao động, người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn… vào trường công lập nữa”.

Nhiều phụ huynh là công nhân và có hoàn cảnh khó khăn nhưng không được nhận trợ cấp vì không làm việc trong khu công nghiệp. Ảnh: Diệp Thanh

Là một trong những điểm trường gần Khu Công nghiệp VSIP, giữ nhiều trẻ là con công nhân, nhưng danh sách nhận chế độ này của Trường Mầm non Hà An cũng rất khiêm tốn. Cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà An (Hưng Đông) nói: “Liên quan đến quyền lợi của trẻ, ngay sau khi nhận được thông tin về chính sách, chúng tôi đã triển khai ngay đến phụ huynh. Tuy nhiên, học kỳ nào cũng cần lập hồ sơ mà mãi chưa được nhận trợ cấp, nhiều phụ huynh cũng nản, không muốn làm nữa. Họ chia sẻ rằng mỗi lần làm hồ sơ là một lần mất thời gian vì phải làm đơn có xác nhận của công ty, công chứng giấy khai sinh, hộ khẩu hoặc giấy tạm trú. Với những người quê xa, họ phải nhờ người nhà làm giúp rồi gửi lên, rất phiền hà. Có lẽ vì thế mà số lượng trẻ nộp hồ sơ đợt này ít hơn hẳn”.

Ngoài những bất cập và bất tiện trên còn có một bất cập khác đến từ đối tượng được nhận và không được nhận. Thực tế tiếp xúc với những phụ huynh của nhóm trẻ đủ điều kiện nhận trợ cấp sẽ cảm nhận rõ hơn về điều này. “Điều kiện của những gia đình này không hề thấp. Một khi họ đã chấp nhận chi trả một khoản học phí cao hơn mặt bằng chung cho con mình thì mức thu nhập bình quân của họ cũng phải cao. Những phụ huynh gửi con ở trường chúng tôi hầu hết đều có mức sống khá giả, giữ những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, chứ không phải công nhân lao động đơn thuần” - hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Nam Đàn cho hay.

Mức sống của các gia đình có con gửi ở các trường mầm non tư thục hầu hết đều khá giả. Ảnh: Diệp Thanh

Tương tự, trong danh sách nhận hỗ trợ của thành phố Vinh, có nhiều trẻ học ở các trường mầm non tư thục nổi tiếng đắt đỏ với mức học phí bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Vậy mức hỗ trợ 160.000 đồng/tháng có thực sự phù hợp với nhóm trẻ này? Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều đoàn viên, người lao động. Và thực tế, tổ chức công đoàn cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh về việc đều là khó khăn nhưng chỉ hỗ trợ công nhân thuộc khu công nghiệp mà không hỗ trợ công nhân ngoài khu công nghiệp; hay người khó khăn cần trợ cấp thì không đủ điều kiện nhận nhưng người dư giả thì lại được nhận…

“Công ty tôi có hơn 100 công nhân, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và rất nhiều người có con trong độ tuổi mầm non, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có tôi được nhận khoản trợ cấp này. Có thể có nhiều lý do dẫn đến sự thu hẹp đối tượng này, song tôi hy vọng rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn để chính sách nhân văn này có thể đến được với những đối tượng cần” – anh Nguyễn Hữu Huấn, công nhân Nhà máy Bột đá siêu mịn Nam Cấm chia sẻ.

Mới nhất
x
Trợ cấp cho con công nhân: Nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO