Trồng nấm - nghề mới của nông dân Yên Thành

20/12/2012 19:35

(Baonghean) Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công- nông nghiệp huyện Yên Thành đã mở được 14 lớp dạy nghề trồng nấm và đã triển khai mô hình sản xuất cho bà con nông dân bước đầu có hiệu quả. Huyện Yên Thành coi đây là cơ sở để tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Ngoài nghề trồng lúa truyền thống, bà con nông dân Yên Thành nay có thêm nghề mới để tích cực đẩy mạnh sản xuất, đó là nghề trồng nấm. Thăm cơ sở trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh, ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về quy mô. Anh Hạnh học nghề trồng nấm theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ tháng 5/2011. Sau khi hoàn thành khóa học, anh được xã tạo điều kiện cho mượn khu đất bỏ hoang của Trường THCS Nam Thành, đồng thời được hỗ trợ 100% vốn và 50% tiền giống.



Anh Niêm giới thiệu về loại nấm sò - một trong những loại được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến nay anh Hạnh đã có trong tay một cơ sở trồng nấm với đủ loại như nấm mèo, nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm và cả nấm linh chi..., tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, vào mùa thu hoạch còn phải thuê đến trên 10 lao động với mức tiền công 100 nghìn đồng/người/ngày. Anh Hạnh cho biết, mỗi năm 2 vụ nấm, mỗi vụ 4 tháng, vào vụ hè anh thường trồng nấm rơm, còn vụ đông trồng nấm mỡ, nấm sò thì trồng quanh năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, anh Hạnh đã thu hoạch được 32 tấn nấm thành phẩm, cho lãi trên 100 triệu đồng; dự kiến cả năm sẽ thu hoạch trên 100 tấn nấm thành phẩm.

Anh Trần Quang Niêm, xóm Đăng Lưu, xã Nam Thành, nhà đông con, trước đây chỉ làm ruộng, có mùa không đủ ăn, nay sau khi tham gia học nghề trồng nấm, kinh tế gia đình phát triển. Anh Niêm phấn khởi: “Gia đình tôi hiện nay chỉ trồng nấm trên diện tích 60m2 sân vườn mà mỗi năm cũng cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Qua 2 năm trồng nấm, gia đình đã có tiền sửa sang lại nhà cửa khang trang, có điều kiện cho con ăn học cũng như tìm việc làm”. Anh Niêm dự kiến xong mùa này sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm lên đến 200m2. Vào mùa vụ, cơ sở trồng nấm của anh Niêm còn tạo việc cho 3 lao động trong xã, cũng với mức thu nhập 100 nghìn đồng/người/ngày. Bà Nguyễn Thị Kiêu, năm nay 81 tuổi, là mẹ anh Niêm, cũng không dấu được niềm vui phấn khởi khi đến tuổi này vẫn còn có thể làm ra tiền. Bà Kiêu cho biết: Trồng nấm là một trong những nghề rất thích hợp với bà con nông dân, không những thế còn thích hợp với cả người già. Không phải đi đâu xa, không phải dầm mưa dãi nắng, vì vậy hàng ngày tôi vẫn có thể làm đất, tưới nước...

Từ thực tế các mô hình trồng nấm tại Yên Thành, cho thấy kỹ thuật trồng nấm đơn giản, dễ làm, không mất nhiều công sức cũng như thời gian chăm sóc. Hơn nữa lại có thể tận dụng được nguyên vật liệu sẵn có từ rơm, rạ. Không những thế các túi nấm sau khi thu hoạch còn có thể tận dụng để làm phân bón. Phấn khởi hơn là việc trồng nấm không phải lo đầu ra. Bởi UBND huyện Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm giống nấm Bắc Giang, ngoài ra nhiều cơ sở tiêu thụ nấm cũng đã được hình thành trong huyện và các vùng phụ cận.

Đó không chỉ là niềm vui của những hộ gia đình mới tham gia trồng nấm thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mà còn là niềm phấn khởi của không ít hộ dân ở những xã trước đây đã có nghề trồng nấm nhưng do thời điểm đó sản phẩm khó tiêu thụ nên đành bỏ nghề, nay được tiếp tục quay trở lại với nghề trồng nấm. Chính vì vậy, đến nay trên địa bàn huyện Yên Thành đã có hàng trăm hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây lúa sang trồng nấm.

Hiệu quả từ trồng nấm tại Yên Thành khẳng định việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc xác định đào tạo nghề gì để người lao động có thể "sống" được, hơn thế phải làm giàu từ chính nghề đã được học. Theo ông Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành, ngành nghề để đào tạo thì nhiều, nhưng trường luôn xác định phải đào tạo những ngành nghề phù hợp để người lao động theo học, như may công nghiệp, chăn nuôi, thú y, mộc dân dụng, kỹ thuật trồng hoa cây cảnh... Riêng nghề trồng nấm, đến nay trường đã mở được 14 lớp ngay tại các xã và hiện đang có gần 400 lao động đang tiếp tục theo học. Điều đáng nói là sau khi được đào tạo nghề, đa số bà con đều mở cơ sở sản xuất nấm tại gia đình và bước đầu phát huy được hiệu quả kinh tế như đã nói trên.

Vui mừng trước những kết quả đạt được, ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Từ kết quả bước đầu, huyện Yên Thành xác định đây là một nghề sản xuất có giá trị cao, làm được quanh năm và sẽ có hướng đầu tư để nhân ra diện rộng. Đây sẽ là cơ sở để huyện Yên Thành tiếp tục thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 1.000 hộ nông dân sản xuất nấm theo quy mô hộ gia đình, 100 hộ sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại, tổ hợp tác... Phấn đấu hàng năm sản phẩm nấm tươi đạt khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương; từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng số hộ giàu, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2015.


Đặng Nguyễn

Mới nhất
x
Trồng nấm - nghề mới của nông dân Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO