Trồng người và trồng cây
(Baonghean) - Vốn là giáo viên dạy môn Văn cấp THPT, nghỉ làm chưa được bao lâu, ông Trần Tử Bá được đồng chí bí thư huyện ủy Tân Kỳ mời đến, gợi ý đảm nhận nhiệm vụ ở một số hội huyện đang vận động thành lập, trong đó có hội làm vườn. Ông tâm sự: “Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Mấy chục năm đã làm nghề trồng người, nay những năm còn lại thử làm nghề trồng cây xem sao”.
Nhận nhiệm vụ Ủy viên BCH (lâm thời) ở Hội làm vườn huyện, đồng thời là cán bộ chuyên trách của cơ quan hội từ đó đến nay. “Vốn văn chương”, “vốn” trồng người của ông kha khá, còn “vốn” làm vườn, “vốn” trồng cây của ông có bao năm. Có điều gì đó hơi trái khoáy. Ấy nhưng ông đã “trụ” được những 20 năm.
Ông Trần Tử Bá. |
Suốt 20 năm đó, ông được lãnh đạo chủ chốt của huyện, Ban chấp hành và Thường trực Hội Làm vườn huyện qua các thời kỳ tin cậy; được hội viên Hội Làm vườn toàn huyện tin yêu, mến phục. Cán bộ các ban, ngành cấp huyện liên quan đến việc làm vườn đến với cơ quan hội đã đành, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các xã lên làm việc ở huyện ủy hay UBND huyện hễ thấy phòng làm việc của ông mở cửa là vào. Họ thường nói: Đã lên huyện dù là việc gì thì cũng phải ghé vào cơ quan Hội Làm vườn một chút để được gặp ông trao đổi chuyện này, chuyện khác, kể cả chuyện chẳng dính dáng gì đến làm vườn. Chính những hoạt động thiết thực, có ích của Hội Làm vườn huyện mà ông trở thành cầu nối với các cơ sở, tạo nên mối quan hệ gắn bó, thân tình ấy.
Vài chục năm nay, một cán bộ nào đó vẫn “khoái” khi được giao việc ở các cơ quan khối chính quyền hơn là ở các cơ quan khối đảng; còn nếu như được đặt vào vị trí cán bộ khối dân thì lại cảm thấy “cái số” không may, huống chi làm cán bộ chuyên trách ở một hội xã hội - nghề nghiệp. Thế mà ông lại nhận việc ở hội làm vườn và làm việc ở đó một cách hiệu quả, toàn tâm toàn ý, người như ông chắc không nhiều.
Ngày mới thành lập, Hội Làm vườn Tân Kỳ rơi vào tình trạng lúng túng vì chưa xác định được mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Nhưng làm gì thì làm, Hội phải đáp ứng được 2 đòi hỏi đem lại lợi ích cho hội viên, qua đó để gắn bó hội viên với tổ chức, phải góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế ở mỗi xã và toàn huyện. Qua sự đóng góp đáng kể ấy mà khẳng định vị thế của Hội Làm vườn, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự hỗ trợ của chính quyền, sự quan tâm cần thiết của các tổ chức, các cơ quan liên quan dẫu là trực tiếp hay gián tiếp. Xác định được như vậy, Hội Làm vườn phải kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, các nguồn đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó phổ biến sâu rộng và hướng dẫn các hội cơ sở và hội viên biết và thực hiện. Nguồn ngân sách hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh, chăn nuôi đại gia súc hàng hóa, cho các chương trình trồng cây hòe, cây tiêu, cây mây, trồng keo lai, nuôi bò vỗ béo, mua máy nông nghiệp... đã đến với hội viên kịp thời, đúng đối tượng giúp hội viên có thêm nguồn lực để phát triển VAC, từ VAC gia đình đến VAC trang trại.
Tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung tâm ứng dụng KH-CN tỉnh, của Liên hiệp các hội khoa học tỉnh, huyện Hội đã tổ chức các chuyến đi học hỏi các mô hình tiên tiến ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó chuyển giao khoa học công nghệ làm VAC tiên tiến qua trình diễn mô hình, các lớp tập huấn cho đông đảo hội viên như: Chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ sinh học tạo và sử dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi lợn, mở hội thi bò, bê đẹp...
Nhờ hai nguồn lực này mà hội viên Hội Làm vườn có mức thu nhập gấp 2 - 2,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở cùng một xã. Từ đó hội viên càng gắn bó với tổ chức của mình. Cũng nhờ đó, hoạt động của Hội Làm vườn huyện đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của huyện. Lãnh đạo huyện, các ngành, các tổ chức cấp huyện, ngay từ đầu đã có sự quan tâm, hỗ trợ, liên kết cao hơn, chặt chẽ hơn.
Trong khi nhiều tổ chức Hội có tư tưởng lấy cái “Tầm quan trọng” của mình để yêu cầu tổ chức đảng, chính quyền cùng cấp quan tâm đến tổ chức của mình. Hội Làm vườn Tân Kỳ lại nghĩ khác và làm khác. Muốn cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và ngày càng nhiều hơn, cái chính là bản thân tổ chức hội phải hoạt động có hiệu quả, phải làm được việc. Hội lấy gương của Bác Hồ, cuốc đất trồng rau, trồng cây, chăm sóc cây ăn quả, nuôi cá, trồng hoa... để mọi hội viên noi theo làm theo vào chính ngay việc làm V.A.C của mình. Sự vận dụng năng động, sáng tạo ấy đã làm cho tấm gương đạo đức cao cả của Bác Hồ trở nên gần gũi, thiết thực mà bất cứ hội viên nào cũng có thể học được và nhất là có thể làm theo được trong nhận thức và hành động hàng ngày.
Để có kinh phí hoạt động, sau khi đã chọn được chương trình dự án phù hợp với chức năng và khả năng thực hiện, hội lập kế hoạch chi tiết đề nghị UBND huyện giao cho hội đảm nhiệm. Từ chương trình ban đầu hội làm có hiệu quả, nguồn tài chính được sử dụng đúng quy định, đúng mục đích, không để thất thoát, không chi sai mục đích nên được UBND huyện tin cậy tiếp tục giao cho hội các chương trình dự án tiếp theo. Với cách nghĩ và cách làm ấy, tính trung bình mỗi năm huyện hội có 500 - 700 triệu đồng để tổ chức các hoạt động, đồng thời đưa được chương trình dự án vào thực tế sản xuất, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Hội làm tốt vai trò thành viên của MTTQ huyện, quan hệ chặt chẽ với Hội Nông dân huyện, với các hội xã hội nghề nghiệp khác và cả với ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
Trong mối quan hệ ấy có việc hội làm vườn chủ trì và mời các cơ quan, tổ chức khác cùng làm với mình. Từ những mối quan hệ đó Hội Làm vườn huyện có thêm nhiều nguồn lực: Nguồn lực cán bộ, nguồn lực tri thức, nguồn lực chính sách, nguồn lực tài chính, nguồn lực tổ chức để cùng với nguồn lực nội tại của hội, tổ chức các hoạt động có hiệu quả. Hội đã tổng kết thành phương châm cơ bản cho tổ chức và hoạt động của hội: Lấy V.A.C gia đình làm trận địa, lấy chi hội làm pháo đài, lấy KHKT làm vũ khí, lấy chính sách khuyến khích, đầu tư hỗ trợ của đảng và Nhà nước làm điểm tựa; lấy mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương và nâng cao hiệu quả V.A.C của hội viên làm mục tiêu hoạt động, lấy tổ chức hội làm hạt nhân tập hợp và phát triển hội viên, làm hạt nhân liên kết với các ngành và các tổ chức liên quan.
Tất cả những gì mà Hội Làm vườn Tân Kỳ đạt được trong 20 năm qua có công không nhỏ của ông với trách nhiệm Ủy viên thường trực, cán bộ chuyên trách. Ở Tân Kỳ, nói đến hội làm vườn người ta nói về ông. Là một giáo viên nghỉ hưu nhưng 20 năm làm việc ở hội làm vườn, ông chưa 1 ngày “hưu”, nhất là đầu óc ông chưa một lúc nào ngừng suy nghĩ. Ông tận tụy với nhiệm vụ và chức trách của mình. Không còn là công chức nữa, nhưng ông thực sự là công chức mẫu mực. Tôi mạn phép gọi ông là “người vác tù và hàng huyện”.
Trương Công Anh