Trồng rễ hương nguyên liệu ở Quỳ Châu
(Baonghean) - Là người định cư lâu năm trên đất Quỳ Châu, lại có truyền thống làm hương trầm, ông Hồ Viết Thắng (khối 2, Thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu) hiểu rất rõ đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài cây này. Cây rễ hương là loài thảo mộc, có bộ rễ chùm dày, thường mọc thành từng bụi, hoặc từng đám lớn ven khe suối, vách đá, trên sườn đồi và dưới những tán lá rậm, ẩm mát. Bước đầu trồng thử nghiệm cây phát triển chậm, chất lượng hương thơm kém. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy cây rễ hương rất phù hợp với chất đất cằn sỏi đá vùng gần chân đồi, còn vùng đất pha cát thì rễ hương phát triển nhanh nhưng mùi hương không thơm lắm.
Nói về kỹ thuật trồng rễ hương, ông Thắng cho biết: "Đất trồng hương phải được cày xới kỹ để có độ tơi xốp, lượng phân bón vừa đủ. Mỗi mét vuông đất, chỉ nên trồng 9 cây, mỗi cây cách nhau 50cm, hàng cách hàng 50cm, sau 2 năm mới thu hoạch được". Hiện gia đình ông có gần 1 héc ta rễ hương cho thu hoạch ước đạt 18 tấn rễ hương. Với giá bán 47 nghìn đồng 1 kg rễ hương phơi khô, gia đình ông Thắng có thu nhập gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng cây rễ hương dưới những tán cây khác trong vườn. Thấy cây rễ hương phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, một số hộ dân trong vùng tìm đến ông Thắng để học hỏi, làm theo.
Vườn rễ hương 2 năm tuổi của ông Thắng
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của người trồng rễ hương là nguồn giống. Theo kinh nghiệm của ông Thắng, có 3 cách để tạo giống: Thứ nhất, là dùng hạt để ươm cây con, cách này cho cây con phát triển đều, tuy nhiên thời gian sinh trưởng kéo dài, giữ đất canh tác lâu. Thứ hai là, dâm cành, cách này phải chọn những cây đã có thời gian sinh trưởng 2 năm trở lên mới lấy cành. Nếu lấy cành những cây trồng dưới 2 năm, sẽ không nảy mầm và bị thối, tỷ lệ thành công thấp. Thứ ba, lấy chính cây rễ hương tận thu những rễ chùm xung quanh, sau đó để lại phần củ chính của cây đem trồng lại. Cách này có hiệu quả, cây phát triển nhanh nhưng giá thành lại cao hơn...
Cây rễ hương được coi là "báu vật" đất Qùy Châu, nhưng nó đang ngày một cạn kiệt. Mô hình trồng rễ hương làm nguyên liệu là phương án góp phần bảo tồn giống, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nghề làm hương, cũng như gìn giữ hương vị hồn quê trong mỗi búp hương trầm. Ông Ngô Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: "Huyện đang kết hợp với Sở Khoa học Công nghệ để bảo tồn và nhân giống cây rễ hương, đồng thời, có những chính sách khuyến khích người dân trồng cây rễ hương làm nguyên liệu".
Bài, ảnh: Nguyễn Lê