Trồng rừng không đạt chỉ tiêu

24/11/2011 14:33

(Baonghean.vn) Những năm trước đây, tỉnh ta luôn là địa phương tiêu biểu về công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, do các dự án trồng rừng đều thiếu vốn, khiến cho nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu trồng rừng nguyên liệu.

(Baonghean.vn) Những năm trước đây, tỉnh ta luôn là địa phương tiêu biểu về công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, do các dự án trồng rừng đều thiếu vốn, khiến cho nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu trồng rừng nguyên liệu.

Dân bản chờ… gạo trồng rừng

Ông Vi Xuân Quyết – Chủ tịch UBND xã Thạch Giám- Tương Dương, cho biết: Trong năm xã được giao trồng hơn 100 ha rừng nguyên liệu (gồm dự án trồng rừng thay thế nương rẫy và trồng rừng sản xuất). Chờ vốn từ các dự án trồng rừng không được, bà con đã tự xoay xở bỏ vốn ra trồng được trên 100 ha (tương đương đầu tư 300 triệu đồng). Chủ yếu là cây xoan, không trồng cây của dự án là keo lai, vì cây xoan khi thu hoạch đầu ra sẽ thuận lợi hơn. Ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, cho biết: “Năm nay, Ban được giao trồng 56 ha rừng nguyên liệu (dự án trồng rừng thay thế nương rẫy), nhưng hiện tại mới trồng được 40 ha. Theo quy định thì dự án trồng rừng thay thế nương rẫy được cấp gạo, không quá 700 kg/ha/năm. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích trên đến nay bà con vẫn chưa được cấp gạo”.



Cây giống keo lai ở Công ty Lâm nghiệp Con Cuông đã quá lứa.

Đối với dự án trồng rừng sản xuất, Ban được giao trồng 200 ha, theo kế hoạch được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Nhưng đến nay vẫn chưa có, UBND huyện Tương Dương đã phải bỏ ngân sách ra 157 triệu đồng hỗ trợ bà con trồng được hơn 68 ha rừng nguyên liệu. Hiện tại, Ban đang thừa trên 20.000 cây giống keo. Thấy được khó khăn từ nguồn vốn trồng rừng, nhiều bà con ở Tương Dương đã chủ động đưa cây xoan đâu vào trồng. Ông Lô Quốc Việt, 70 tuổi, ở bản Huồi Tố xã Mai Sơn, tâm sự: “Gia đình đã tự ươm được gần 1000 gốc xoan, trồng trên diện tích 1,2 ha, nếu chờ tiền dự án thì quá chậm”. Được biết toàn huyện Tương Dương hiện có trên 200 ha rừng chưa trồng được do thiếu vốn.

Chúng tôi về xã Đôn Phục huyện Con Cuông, anh Nguyễn Văn Thái – Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng phòng hộ trình bày: “Xã Đôn Phục cũng được giao trồng 100 ha rừng từ Dự án 147, nhưng bà con chỉ đăng ký và trồng được hơn 50% diện tích. Chưa có tiền hỗ trợ, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã mang cây keo lai phát cho bà con tự trồng”. Ông Lang Vi Trị ở bản Phục - Đôn Phục nói: “Gia đình đăng ký trồng 2 ha rừng, tự bỏ kinh phí ra trồng rừng, theo quy trình để đảm bảo chất lượng phải đầu tư từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha, nhưng gia đình tôi phải vay mượn chỉ đủ sức đầu tư 1,5 triệu đồng/ha rừng trồng”.

Ông Nguyễn Quang Vinh-Trưởng bản Hợp Thành xã Đôn Phục, cho hay: “Riêng bản Hợp Thành có khoảng gần 100 ha đất trống chưa trồng rừng, nguyên nhân ngoài việc thiếu vốn còn do nhiều diện tích cây nguyên liệu nơi đây vẫn chưa bán được”.

Công ty Lâm nghiệp Con Cuông được giao trồng 400 ha rừng nguyên liệu, trong đó 100 ha rừng trồng thay thế nương rẫy. Nhưng đến thời điểm này chỉ trồng đạt trên 50% khối lượng. Đặc biệt, tại bản Khe Nà, Khe Bu xã Châu Khê chủ yếu là người Đan Lai, cuộc sống đang rất khó khăn. Do không nhận được gạo từ dự án trồng rừng, nên có trên 100 ha rừng vẫn chưa trồng được. Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tương Dương, cho biết: Nếu dự án trồng rừng thay thế nương rẫy kịp thời cấp gạo thì bà con không phải lo mưu sinh, dễ vận động bà con trồng rừng. Trong năm nay, công ty đã ươm được 1,8 triệu cây giống các loại, trồng được 575 ha rừng nguyên liệu toàn huyện, nhưng chỉ xuất bán được 1 triệu cây giống, còn lại 800.000 cây giống đang nằm tại vườn ươm. Phần lớn những cây này đều bị “quá lứa” 3 tháng tuổi, không thể để đến mùa trồng rừng năm sau do đã hết tuổi sinh trưởng. Dự tính thiệt hại từ cây giống bị tồn là trên 400 triệu đồng.

Cần có sự hỗ trợ kịp thời

Ông Đặng Xuân Minh-Chi cục Phó Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho hay: Hiện nay toàn tỉnh đã trồng được 6.093 ha rừng thuộc chương trình hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, trong đó trồng rừng phòng hộ: 722,7 ha, diện tích có vốn hỗ trợ đã trồng: 524,6 ha/524,6 ha. Diện tích đã thẩm định trồng nhưng chưa có vốn hỗ trợ: 198,1 ha/208,1 ha (95,2%). Trồng rừng sản xuất 5.370,3 ha, trong đó Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy 409,5 ha/533,2 ha diện tích thẩm định đã có vốn (76,8%) còn lại trên 200 ha chưa trồng. Diện tích trồng rừng sản xuất 147 là 4.960,8 ha, trong đó diện tích thẩm định có vốn đã trồng 3.845,3 ha/4.160,2 ha (92,4%). Còn phải trồng 314,9 ha (Hạt Anh Sơn 268,5 ha, Ban Nam Đàn 30 ha và 16,4 ha của Hạt Kiểm lâm Quế Phong). Diện tích chưa có vốn trồng được: 1.115,5 ha gồm diện tích đã thẩm định trồng được 1.068,4 ha/1.384,13ha (77%) diện tích đã thẩm định. Còn lại 315,7 ha. Diện tích chưa thẩm định của Pù Huống đã trồng 47,1 ha.

Khó khăn của công tác trồng rừng năm 2011 là tình trạng giao đất, giao rừng chậm, trách nhiệm của UBND các huyện, thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, không thuộc thẩm quyền của Sở NN & PTNT.

Chính sách đầu tư thấp chưa tương xứng với thực tế sản xuất, cụ thể một số hạng mục cơ bản: đối với trồng rừng phòng hộ, mức hỗ trợ từ vốn Ngân sách Trung ương tối đa là 15 triệu đồng/ha (bao gồm trồng và chăm sóc rừng 3 năm tiếp theo). Trồng rừng sản xuất hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha. Khoanh nuôi, bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm. Đường lâm nghiệp vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/km (bao gồm cả cầu, ngầm, đập, tràn). Hiện trường trồng rừng phòng hộ chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, địa hình chia cắt, manh mún. Trình độ dân trí thấp, chủ yếu là người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người tham gia trồng rừng.

Năm 2011, Ngân sách Trung ương cấp 20.000 triệu đồng, số vốn này đã cấp phát đủ các diện tích trồng rừng và các hạng mục khác cho người dân tham gia trồng rừng. Do kinh phí khó khăn nên UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn vốn tồn ngân Dự án 5 triệu ha rừng giai đoạn 2006-2010 và nguồn vốn do thu phạt Lâm sản và thuế Tài nguyên tổng cộng là 8.811 triệu đồng.Như vậy, tổng cộng nguồn vốn năm 2011: 29.736 triệu đồng đã hỗ trợ và cấp đủ cho người dân hết diện tích rừng đã trồng.

Riêng vốn trợ cấp gạo cho Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy hiện chưa cấp được cho người dân, trước tình hình này, Sở Nông nghiệp tiếp tục trình UBND tỉnh cho phépứng trước vốn kế hoạch năm 2012 để chi trả cho bà con tham gia Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy vào cuối năm 2011 này.


Văn Trường

Mới nhất
x
Trồng rừng không đạt chỉ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO