Trồng rừng nguyên liệu - những bất cập trong quản lý

15/04/2014 10:33

(Baonghean) - Người trồng keo đang gặp khó khăn do  keo rớt giá trong vài năm trở lại đây, thậm chí có nơi chẳng ai hỏi mua, nhiều người đã phải chặt keo non.  Bên cạnh đó, khai thác rừng trồng đang tự do mặc dù theo quy định, hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền sở tại và các ngành liên quan, sau đó mới được phép khai thác.

(Baonghean) - Người trồng keo đang gặp khó khăn do keo rớt giá trong vài năm trở lại đây, thậm chí có nơi chẳng ai hỏi mua, nhiều người đã phải chặt keo non. Bên cạnh đó, khai thác rừng trồng đang tự do mặc dù theo quy định, hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền sở tại và các ngành liên quan, sau đó mới được phép khai thác.

Keo rớt giá

Trên đường vào Bồng Khê - Đôn Phục - Con Cuông, keo được tấp từng đống lớn ven vệ đường. Bà Vi Thị Định ở bản Thanh Đào - Bồng Khê buồn bã nói: Chúng tôi cứ chặt và bóc tách vỏ bỏ bên vệ đường để chờ thương lái đến lấy nhưng cả mấy tuần nay không thấy xe ô tô vào mua keo. Keo phơi mưa nắng đã chuyển sang màu đen rồi nên phải chuyển keo về để làm củi đun. Theo bà Định thì “Giá keo năm nay vừa quá rẻ, vừa khó tiêu thụ. Chủ yếu các thương lái “mua quạ” tính ra chỉ được 530.000 đồng/tấn keo, được 20 triệu đồng/ha. Gia đình tôi có 3 ha keo nhưng mới bán được hơn 1 ha, còn lại chưa bán được do giá quá rẻ”. Chị Hà Thị Niệm ở bản Thanh Đào cho hay: “Làm 4 ha keo, bỏ công sức đầu tư, chăm sóc 5 - 6 năm mới có thu hoạch mà thương lái vào trả giá có hơn 400.000 đồng/tấn, mỗi ha keo chỉ được 15 - 16 triệu đồng tính ra còn thua lỗ”. Ông Hoàng Văn Thám - Trưởng bản Thanh Đào cho biết: Bản Thanh Đào có 124 hộ dân trồng trên 180 ha keo, hiện còn trên 60 ha keo chưa bán được do giá quá rẻ. Ngoài việc nhiều hộ chặt về làm củi đun thì một số hộ còn chẻ keo thành từng bó củi để bán, mỗi bó 7.000-10.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Long ở bản Thống Nhất, xã Mậu Đức chia sẻ: “Gia đình tôi trồng trên 30ha keo, nhiều nhất xã, được bao nhiêu vốn liếng đều dốc vào cây keo, những tưởng đến kỳ thu hoạch sẽ “đổi đời” ai ngờ keo không bán được. Hiện tại chỉ mới bán được gần 10 ha keo với giá rẻ mạt, bình quân 12-14 triệu đồng/ha còn trên 20 ha keo đã đến tuổi thu hoạch nhưng không bán được”. Ông Long nói thêm: Giá nhân công và giá vận chuyển keo cao, thuê nhân công chặt và bốc vác keo 120.000 đồng/ngày, tiền cước xe 300.000 đồng/tấn, mỗi xe keo thuê 4-5 triệu đồng tiền cước… nên tính ra trồng keo thua lỗ nặng, sắp tới chúng tôi phải tính trồng cây khác để thay thế cây keo. Xã Mậu Đức hiện có trên 600 ha keo trong đó keo ở độ tuổi khai thác trên 200 ha, hiện còn trên 130 ha keo chưa bán được. Khó khăn đặt ra hiện nay là do đường nguyên liệu trồng keo chưa có, phải bốc vác và chở “tăng bo” ra đường lớn nên chi phí rất cao, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng bà con bị “tư thương” ép giá. Do trồng keo thua lỗ nên xã Mậu Đức cũng đã quy hoạch một số diện tích sau khi thu hoạch keo để chuyển sang trồng mét và xoan đâu. Con Cuông đang còn khoảng trên 1.000 ha keo lai trong giai đoạn thu hoạch, bà con đang phải xót xa bán tống, bán tháo với giá rẻ như cho.

Người dân ở Tam Quang (Tương Dương) chặt keo làm củi.
Người dân ở Tam Quang (Tương Dương) chặt keo làm củi.

Đi dọc lên xã Tam Quang - Tương Dương thấy cảnh keo lai tấp bên vệ đường chủ yếu được người dân chặt phơi làm củi đun. Ông Nguyễn Thao ở bản Bãi Xa -Tam Quang tâm sự: Gia đình hiện có hơn 10 ha keo đến độ tuổi khai thác nhưng mấy tuần nay chẳng thấy xe ô tô lên thu mua. Có mấy “tư thương” lên trả giá 350.000 - 400.000 đồng/m3 gỗ, nhưng với điều kiện gỗ phải đạt “vanh” to để đủ chống hầm lò khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó là gia đình anh Nguyễn Đình Hùng ở bản Khe Bố có gần 20 ha keo đến tuổi thu hoạch nhưng tính ra thua lỗ nên vẫn đang gắng “nằm” chờ giá. Xã Tam Quang hiện có trên 300 ha keo trong giai đoạn thu hoạch, nhưng hiện chỉ mới chặt bán được trên 80 ha keo, còn lại chưa tiêu thụ được. Được biết để đối phó với tình trạng trồng keo không hiệu quả, dăm năm trở lại nay Tam Quang đã mạnh dạn chuyển đất trồng keo sang trồng trên 500 ha xoan. Xã đang vận động bà con chuyển đổi để trồng xoan mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn huyện Tương Dương hiện còn khoảng trên 800 ha keo lai đang trong giai đoạn thu hoạch tập trung, chủ yếu ở các xã Tam Quang, Thạch Giám, Nga My, Tam Đình, Tam Thái, Xiêng My…

Về nguyên nhân giá keo rẻ, ông Đậu Ngọc Bình người thu mua keo ở bản Thống Nhất xã Mậu Đức - Con Cuông cho biết: Chúng tôi thu mua keo chủ yếu bán cho các nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Nam Cấm và căn cứ giá tại đây để trả cho bà con trồng rừng. Giá bán tại nhà máy là 920.000 đồng/tấn, giá mua của bà con tại gốc giảm 50% so với giá tại nhà máy vì chi phí vận chuyển cao.

Khai thác rừng trồng chưa được quản lý

Trong khi câu chuyện đầu ra cho cây keo đang khó khăn, thì vấn đề quản lý khai thác rừng trồng lại được đặt ra. Có thể nói rằng lâu nay ngành chức năng chỉ chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng (chống chặt phá vận chuyển lâm sản trái phép) rất ít chú trọng đến công tác quản lý rừng trồng. Theo Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT thì hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền địa phương, các cấp, ngành, sau đó mới được phép khai thác, Nghị định 157/NĐ – CP/ 2013 quy định xử phạt hành chính về công tác quản lý rừng (trong đó quản lý rừng trồng). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân tự trồng, tự khai thác ồ ạt để bán, và ngành chức năng chưa hề xử lý hành chính khai thác rừng trồng.

Rừng trồng khai thác bừa bãi bị “cạo trọc” cũng chính là nguyên nhân gây xói mòn đất đai, mất cân bằng sinh thái. Ngay như tại khu vực Khe Lá - Nghĩa Dũng - Tân Kỳ có trên 1.000 ha rừng phòng hộ (giáp ranh với Yên Thành) đã được chuyển sang đất rừng sản xuất. Lâu nay do tranh chấp người ta đã phá rừng phòng hộ để trồng keo, đến mùa thu hoạch keo người ta khai thác cuốn chiếu, chặt trọc trụi khiến cho cả vùng rừng mất khả năng phòng hộ. Nhiều người dân phản ánh tại khu vực Khe Lá do khai thác bừa bãi khiến rừng trồng chưa kịp che phủ, nên ở đây vào mùa khô khe suối cạn kiệt, đảo lộn cuộc sống của bà con nơi đây. Ông Đinh Văn Hải, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho biết: Diện tích trên mặc dù đã được điều chỉnh rà soát giao cho địa phương sử dụng rừng sản xuất, nhưng để tăng tính chất phòng hộ cần trồng rừng xen dắm thành nhiều lớp, trong quá trình khai thác theo lô, khoảnh, để đảm bảo chức năng phòng hộ.

Khai thác keo ở bản Mét, xã Lục Dạ (Con Cuông).
Khai thác keo ở bản Mét, xã Lục Dạ (Con Cuông).

Bà Vi Thị Tý ở bản Mét, xã Lục Dạ - Con Cuông đang thuê hơn 10 lao động đốn chặt hơn 2 ha keo. Khi hỏi về thủ tục khai thác thì bà Tý nói rằng: Lâu nay khai thác keo chẳng có ai báo với chính quyền địa phương, mà cũng chẳng có ai đến kiểm tra, mà keo nhà mình trồng thì cứ có người mua là chặt. Sang các bản Kẻ Trằng, Thống Nhất - Đôn Phục thấy người dân đang đốn hạ keo ngổn ngang bên vệ đường. Ông Vi Văn Tình làm 2 ha keo kể: Chúng tôi cũng chỉ mới nghe qua họp xóm là khi khai thác phải làm thủ tục qua xã, qua kiểm lâm mới được khai thác, nhưng thực tế khi khai thác keo cũng chẳng thấy ai kiểm tra. Ông Lô Thật - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức chia sẻ: Chúng tôi đã tiếp cận được Thông tư 35, Nghị định 157… tuy nhiên xã chỉ mới tổ chức tuyên truyền qua các cuộc họp xóm, lâu nay cũng chưa có hộ dân nào đến xã để làm thủ tục mới khai thác keo. Xã cũng chưa làm “căng” vì lâu nay giá keo quá rẻ, việc tiêu thụ khó khăn nên vẫn tạo điều kiện để bà con tiêu thụ. Tuy nhiên, theo tôi việc người trồng rừng thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT là việc cần làm, vì trong quá trình khai thác xã nắm chính xác được diện tích, thiết kế khai thác, để từ đó có quy hoạch trồng rừng hợp lý, trồng xen dắm theo lô, khoảnh tránh tình trạng khai thác bừa bãi ảnh hưởng môi trường sinh thái. Do khai thác tự do nên người dân hầu hết bán keo cho thương lái chủ yếu bán “quạ” bán keo cả quả đồi theo ước lượng, có những đồi keo không đo diện tích mà bán 20-50 triệu đồng, tính ra thiệt hại cho người trồng keo.

Ông Lê Quang Hợp - Hạt trưởng Kiểm lâm Con Cuông trao đổi: Đối với khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng nguồn vốn ngân sách (diện tích gỗ rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông) khi khai thác chủ rừng đều làm thủ tục gửi về UBND huyện, tờ trình đề nghị, bản thuyết minh thiết kế khai thác… Còn lại diện tích rừng do dân trồng hầu như chưa làm thủ tục khai thác theo Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng phát triển rừng số 157/NĐ-CP ngày 11/11/2013, Điều 13, vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng kiểm lâm bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với các trường hợp khai thác gỗ rừng trồng khi khai thác chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế lực lượng kiểm lâm chưa xử phạt trường hợp nào đối với gỗ rừng trồng. Lý do là nghị định mới được ban hành bà con chưa hiểu biết, hơn nữa do gỗ rừng trồng khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, chủ yếu lực lượng kiểm lâm đang tập trung công tác tuyên truyền là chính. Tìm hiểu được biết hầu hết các huyện có diện tích gỗ rừng trồng như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Tân Kỳ… hầu hết bà con chưa chấp hành thực hiện Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà tự do khai thác.

Ông Lê Cao Bính - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lý giải: Để quản lý tốt rừng trồng thì cần phải tập trung tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT, có thể thực hiện từ các mô hình, sau đó nhân rộng. Tuyên truyền bà con không chặt phá keo non bán, khuyến cáo chặt phá keo non vừa giảm giá trị kinh tế, vừa ảnh hưởng môi trường sinh thái. Ông Bính cũng cho biết thêm, tuy đã có chế tài xử lý đối với khai thác rừng trồng nhưng rất khó khăn trong xử lý, thực tế từ ngày thực hiện Nghị định 157, lực lượng kiểm lâm chưa xử lý trường hợp nào. Nhiều người cho rằng rừng của mình tự bỏ vốn trồng trên đất nhà mình thì tự do khai thác.

Văn Trường

Mới nhất

x
Trồng rừng nguyên liệu - những bất cập trong quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO