Trung Á trở thành "cái rốn" của thế giới!

12/07/2015 07:43

(Baonghean) - Tuần qua tiếp tục là một tuần có nhiều diễn biến trong trục quan hệ quốc tế với tâm điểm là Trung Á. Trong khi Iran tiếp tục là “điểm nóng” với bàn đàm phán chưa có hồi kết với phương Tây thì cụm các quốc gia thuộc Liên bang Xô viết lại trở thành điểm đến chung trên đường đua châu Á giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ muốn “mở đường” sang Trung Á

Thứ Hai, ngày 6/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến công du ở Trung Á với mục đích mở rộng ảnh hưởng và hình ảnh của Ấn Độ trên trường quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) diễn ra tại Oufa, Nga tuần qua cũng là một nước đi quan trọng trên bàn cờ của ông Modi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Điều đáng chú ý trước nhất: đây là lần đầu tiên lãnh đạo Ấn Độ đến thăm Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kirghizistan và Tadjikistan. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, sự quan tâm của Ấn Độ đối với khu vực này cũng giảm đi đáng kể, nhường vị trí ưu tiên cho nền kinh tế đang lên của bản thân quốc gia này. Tiếp sau đó, ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ được dành cho Mỹ, thể hiện rõ nét nhất bắt đầu từ năm 2000 khi đảng nhân dân Ấn Độ BJP của ông Modi lên nắm quyền. Phải chăng việc “tái thiết lập” quan hệ với 5 quốc gia Trung Á nói trên là bước đi tất yếu tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc - đối thủ của Ấn Độ tại châu Á - cũng không bỏ lỡ khu vực này. Hiện kinh ngạch thương mại giữa Trung Quốc với khu vực trên đã đạt đến ngưỡng 50 tỷ USD, bỏ xa mức 1,4 tỷ USD của Ấn Độ.

Thứ Ba, ngày 7/7, ông Modi đã đến Uzbekistan - đất nước đông dân nhất Trung Á với 31 triệu người và tiếp sau đó, thứ Tư ngày 8/7, đến Kazakhstan - quốc gia giàu có nhất (GDP/người đạt 13.600 USD) và cũng gần rộng lớn bằng Ấn Độ. Tại hai quốc gia này, ông Modi đề cập đến vấn đề an ninh như là lý do để cùng nhau sát cánh, thắt chặt mối quan hệ hợp tác: “Chúng ta sống ở biên giới của sự bất ổn, ngay cạnh cái nôi của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Đó là lý do vì sao chúng ta nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố bằng sức mạnh của hệ giá trị chung mà chúng ta chia sẻ”. Hiển nhiên, ông đang gợi nhắc đến tình hình ở Afghanistan và Pakistan, hai quốc gia ngăn cách về mặt địa lý Ấn Độ và Trung Á.

Ông cũng nhấn mạnh những điểm chung về mặt văn hoá mà Trung Á và Ấn Độ cùng chia sẻ như là các giá trị “sự hiểu biết, đức hiếu thảo, lòng trắc ẩn, tình yêu, lòng thành tâm, sự bài xich đối với chủ nghĩa cực đoan”. Tại Trường Đại học Astana của Kazakhstan, ông tuyên bố: “Trung Á có sức ảnh hướng đối với các nền văn minh Ấn Độ và Hồi giáo”. Điều đáng ngạc nhiên là một người vốn dĩ được dạy dỗ từ trong lòng chủ nghĩa quốc gia Hindu như ông lại viện đến “di sản Hồi giáo” để thể hiện mong muốn xích lại gần với các quốc gia Đông Á. Nói thêm một chút về mặt lịch sử, đây cũng là nơi xuất xứ của những tiểu vương Moghols từng trị vì Ấn Độ trong vòng hơn 300 năm, cho đến khi người Anh đến chinh phục thuộc địa.

Không chỉ bằng lời nói, ông Modi đã thể hiện mong muốn trên bằng những hành động cụ thể như là ký kết với Tổng thống Kazakhstan Noursoultan Nazarbaiev một thoả thuận khung dự kiến về những trao đổi song phương trong lĩnh vực thông tin; nhiều phương thức hợp tác trong đào tào quân đội và cùng tham gia vào các chiến dịch bảo vệ hoà bình của Liên Hợp quốc. Đồng thời, hai bên cũng trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân và năng lượng chất đốt - thế mạnh của một khu vực nhiều tài nguyên như Trung Á.

Thậm chí, New Delhi còn muốn đi một bước xa hơn nữa, là tham gia vào hiệp định Achgabat - dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan, qua Iran và đến vịnh Oman. Điều này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng với chiến lược cảng mà Ấn Độ ấp ủ từ 20 năm, cho phép tiến vào Trung Á mà không cần đi qua lãnh thổ của nước thù địch Pakistan. Nhưng đó vẫn chỉ là chiến lược ở tương lai gần, còn ở tầm nhìn vĩ mô hơn, điều mà Ấn Độ thực sự hướng đến là cạnh tranh với Trung Quốc - vốn đang tích cực bành trướng sức ảnh hưởng trên thế giới và Trung Á cũng không ngoại lệ.

Iran và P5+1 lại gia hạn cho thoả thuận cuối cùng

Như vậy là hạn định 10/7 cho thoả thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran đã bị bỏ lỡ, được gia hạn đến ngày 13/7. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với rủi ro gặp thêm chướng ngại trên tiến trình đạt được thoả thuận, từ Nghị viện Mỹ chẳng hạn.

Các đại diện đàm phán của Iran và nhóm P5+1 trong một cuộc họp tại Thủ đô Vienna (Áo) ngày 7/7.
Các đại diện đàm phán của Iran và nhóm P5+1 trong một cuộc họp tại Thủ đô Vienna (Áo) ngày 7/7.

Thứ Năm, ngày 9/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ và các nước đối tác thuộc nhóm P5+1 không có ý định thoả hiệp để đạt được một thoả thuận mà trong đó các nước này phải nhượng bộ trước Iran. Đổi lại, một cố vấn cấp cao của lãnh đạo tối cao Iran cũng nhấn mạnh rằng “các vạch đỏ” của Iran phải được tôn trọng.

Trên lý thuyết, hạn định cuối cùng để đạt thoả thuận là 12 giờ đêm ngày 10/7. Nhưng nếu quá 6 giờ sáng mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng, Nghị viện Mỹ do Đảng Cộng hoà chiếm đa số sẽ có đến 60 ngày để xem xét bản thoả thuận được đệ trình, thay vì chỉ có 30 ngày như trước. Chính quyền của ông Obama hoàn toàn có lý do để e ngại rằng việc nhân đôi thời hạn phê duyệt có thể lật đổ toàn bộ thoả thuận.

Trong khi các đối tác đàm phán Mỹ đang đứng trước thời hạn giờ chót thì phía Iran vẫn giữ thái độ tương đối cứng rắn, thông qua tuyên bố của cố vấn cấp cao Ali Akbar được hãng thông tấn Iran Tasnim trích dẫn. Theo đó, Iran cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra những lời bình luận góp phần vào “cuộc chiến tranh tâm lý của Mỹ chống lại Iran”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Chúng tôi ở đây vì nghĩ rằng sẽ thực sự đạt được những bước tiến tích cực. Chúng tôi sẽ không vội vàng và cũng chẳng chịu bất cứ áp lực nào”. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng Nghị viện xem xét nhanh thoả thuận trong vòng 30 ngày gần như là không thể, và đối mặt với kịch bản đó, lòng kiên nhẫn Washington sẽ chịu thử thách, nhưng không phải là vô thời hạn. “Nếu những quyết định quan trọng không được đưa ra, chúng tôi hoàn toàn sẵn lòng từ bỏ tiến trình đàm phán”, cụ thể thời gian chờ đợi đó là bao lâu thì ông Kerry không nêu rõ.

Có vẻ như “không vội vã” là cụm từ thường xuyên được hai bên dùng để khẳng định vị trí của mình trên bàn đàm phán - một cách để “giữ thế” với bên còn lại? Trên Twitter của mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố gần như tương tự: “Chúng tôi làm việc hết sức nỗ lực, nhưng không phải với tâm thế bằng mọi giá phải đạt được thoả thuận”. Một quan chức cấp cao giấu tên của Iran còn tiết lộ với báo giới rằng đến phút chót, chính phương Tây chịu trách nhiệm chính cho việc không đạt được thoả thuận đúng thời hạn: “Bỗng nhiên, mỗi nước lại đặt ra những vạch đỏ giới nghiêm riêng của mình. Anh có yêu cầu của Anh, Mỹ có yêu cầu của Mỹ, rồi cả Pháp, Đức,…”

Dù vậy, trong những tuyên bố mới đây nhất, các nhà lãnh đạo phương Tây không ngừng đưa ra những tuyên bố tích cực về tiến trình đàm phán và bày tỏ sự tin tưởng vào một thoả thuận sẽ đạt được trong những ngày tới. Có lẽ đó là điều mà họ nên nỗ lực để cùng nhau đạt được, bởi vì trong vòng 2 tuần, Iran và P5+1 đã hơn một lần gia hạn - điều khiến cho niềm tin của cộng đồng quốc tế vào một tiến trình đàm phán thành công trọn vẹn ngày một suy giảm. Và nếu như có đạt được, có chắc rằng dư luận sẽ không đặt ra nghi vấn về hiệu lực của thoả thuận “hiếm muộn” này?

Thục Anh

(Theo Le monde)

Trung Á trở thành "cái rốn" của thế giới!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO