Trưng cầu ý dân ở Thái Lan: Cuộc thử nghiệm chính trị mới

06/08/2016 08:13

(Baonghean) - Cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan được tổ chức ngày 7/8 được coi là một cuộc thử nghiệm chính trị tại nước này. Tuy vậy, theo dự đoán, dù kết quả bỏ phiếu như thế nào thì tương lai chính trường Thái Lan vẫn rất khó lường và Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), hiện đang nắm quyền sẽ phải đối mặt với sức ép lớn.

Ảnh 1: Hàng nghìn người dân Bangkok tham gia chiến dịch kêu gọi người dân đi bỏ phiếu ngày 7/8 tới. Ảnh: Straits Times.
Hàng nghìn người dân Bangkok tham gia chiến dịch kêu gọi người dân đi bỏ phiếu ngày 7/8 tới. Ảnh: Straits Times.

Sửa đổi hiến pháp thực ra là bắt buộc đối với chính quyền quân sự của Thái Lan. Kể từ năm 1932 cho tới nay, cứ mỗi lần xảy ra đảo chính quân sự thành công thì nước này lại sửa đổi hoặc thay đổi hiến pháp. Bản Hiến pháp hiện hành là hiến pháp lâm thời sau cuộc đảo chính năm 2014, thay thế bản Hiến pháp 2007 cũng được thông qua bằng cuộc trưng cầu ý dân.

Những thay đổi gây tranh cãi

Được công bố vào tháng 3 năm nay, bản Dự thảo hiến pháp sửa đổi được xem là một sắc lệnh chống lại “căn bệnh” tham nhũng ở Thái Lan. Cụm từ “tham nhũng” được nhắc tới không dưới 46 lần trong bản dự thảo với những tuyên bố mạnh mẽ nhằm “ngăn chặn, bài trừ tham nhũng và sự quản lý yếu kém”.

Văn kiện dài hơn 100 trang này cũng bao gồm các điều khoản được quy định chặt chẽ về y tế và giáo dục. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc thông qua bản dự thảo Hiến pháp này sẽ củng cố quyền lực của chính quyền dân sự.

Ảnh 2: Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp của Thái Lan Meechai Ruchupan và bản dự thảo hiến pháp mới. Ảnh Reuters.
Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp của Thái Lan Meechai Ruchupan và bản dự thảo hiến pháp mới. Ảnh Reuters.

Vấn đề chính trong dự thảo bị chỉ trích nhiều nhất là việc NCPO được phép thành lập Thượng viện với 250 ghế trong giai đoạn chuyển giao. Theo đó, dự thảo hiến pháp quy định Hạ viện gồm 500 thành viên và Thượng viện gồm 250 thành viên. Lưỡng viện Quốc hội sẽ bầu thủ tướng, chứ không phải do đảng chiếm đa số trong Hạ viện bầu ra. Theo một số nhà phân tích, việc cho phép các thượng nghị sĩ do NCPO chỉ định được lựa chọn thủ tướng có thể coi là “thực hiện đảo chính” không dùng vũ lực.

Một điểm gây tranh cãi nữa là điều khoản liên quan tới thủ tướng. Dự thảo hiến pháp mới tạo ra khả năng những người không phải là nghị sĩ cũng có thể đảm nhận vị trí thủ tướng, đồng thời cho phép các liên minh thương lượng để lựa chọn 1 người không phải là chính trị gia, thậm chí là một sĩ quan quân đội, làm ứng cử viên. Một số người cho rằng, điều này có thể “bật đèn xanh” để Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, được quân đội hậu thuẫn, kéo dài nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, hình phạt đối với các chính trị gia cũng mạnh tay hơn trong bản dự thảo hiến pháp lần này. Những người đã bị luận tội, hoặc bị kết tội gian lận bầu cử, sẽ bị cấm tham gia chính trường suốt đời, không phải 5 năm như hiện nay.

Tất cả những thay đổi trong dự thảo hiến pháp mới đã gây nên tranh cãi và những đợt “sóng ngầm” trên chính trường Thái Lan suốt nhiều tháng qua. Các nhà đối lập cho rằng bản dự thảo sẽ không đưa đất nước Thái Lan tới dân chủ, vì nó được tạo ra bởi những người lãnh đạo đảo chính và các đồng sự.

Họ cho rằng người dân không được tham gia vào quá trình soạn thảo, do đó bản Hiến pháp rõ ràng không dân chủ và cần bị bác bỏ. Thậm chí phe Áo đỏ còn thành lập hẳn những trung tâm nhằm giám sát cuộc trưng cầu này, đồng thời nỗ lực tác động để cử tri bỏ phiếu chống lại dự thảo hiến pháp.

Tương lai khó đoán

Chính vì 1 văn kiện gây ra nhiều tranh cãi và mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị nên chắc chắn dù kết quả cuộc trưng cầu sắp tới ra sao thì những bất ổn trên chính trường Thái Lan cũng khó tránh khỏi. Theo lộ trình thì cuộc bầu cử dân sự sẽ diễn ra vào năm 2017 bất chấp việc bản dự thảo Hiến pháp có được phê chuẩn hay không.

Từ nay đến đó chỉ còn 1 năm. Nếu bản dự thảo hiến pháp mới không được thông qua, nó sẽ phải được xây dựng lại. Khoảng thời gian này sẽ kéo dài tới 8 tháng. Chính quyền quân sự hoặc tự soạn thảo hiến pháp mới hoặc chỉ định 1 ủy ban mới. Điều này đồng nghĩa rằng thời gian để chọn ra chính phủ mới sẽ rất ngắn. Và tất nhiên, việc chuẩn bị không kỹ càng khiến nguy cơ bất ổn gia tăng.

Ảnh 3:  Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đối mặt nhiều thách thức với cuộc trưng cầu về dự thảo hiến pháp. Ảnh Reuters.
Ảnh 3: Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đối mặt nhiều thách thức với cuộc trưng cầu về dự thảo hiến pháp. Ảnh Reuters.

Đó là chưa kể những người vốn phản đối dự thảo hiến pháp do quân đội hậu thuẫn sẽ tận dụng thời cơ huy động sự ủng hộ để lật đổ tướng Prayuth. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng khó có thể khiến ông Prayuth từ bỏ quyền lực. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo NCPO có thể sử dụng sức mạnh sâu rộng của họ để kiểm soát các phong trào chính trị phản kháng, và điều này sẽ càng “đun sôi” tình trạng bất ổn chính trị ở Thái Lan.

Nếu dự thảo hiến pháp được thông qua, mọi thứ sẽ trở nên “êm ả” phù hợp với lộ trình chính trị mà NCPO đã vạch ra. Theo kịch bản này, quân đội vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước cho tới khi một chính phủ mới được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử vào giữa năm sau. Tuy vậy, khoảng thời gian 1 năm tới sẽ không hề suôn sẻ với giới cầm quyền hiện nay.

Theo các nhà phân tích, mặc dù không đảng phái nào có thể làm gián đoạn tiến trình phê chuẩn hiến pháp sau cuộc trưng cầu ý dân nhưng độ tin cậy của bộ luật tối cao này sẽ bị hoài nghi. Các chính đảng lớn gần đây như Đảng Vì nước Thái hay Đảng Dân chủ với quan điểm không tán thành dự thảo hiến pháp có thể tiếp tục giữ vững quan điểm của họ và thách thức tính hợp pháp của bản hiến pháp trong các chiến dịch vận động trước tổng tuyển cử. Và rất có thể, một số đảng phái chính trị sử dụng cơ hội này châm ngòi cho các cuộc biểu tình chính trị.

Rõ ràng, tiến trình hậu trưng cầu ý dân còn không ít trở ngại và tiềm ẩn nhiều bất ổn với chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, mức độ bất ổn sẽ phụ thuộc vào những gì mà chính phủ hiện nay thực hiện quản lý và kiểm soát tình hình.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Trưng cầu ý dân ở Thái Lan: Cuộc thử nghiệm chính trị mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO