Trung Đông “nóng” vì khủng hoảng hạt nhân Iran

Một cuộc tấn công quân sự vào Iran lúc này sẽ chỉ làm xói mòn sự đồng thuận của quốc tế và đẩy Trung Đông đến bờ vực khủng hoảng.

Khủng hoảng hạt nhân Iran đang có chiều hướng sâu sắc thêm, sau khi có thông tin về khả năng phát triển hạt nhân của nước này và các động thái cùng các ngôn từ mạnh mẽ từ phía Israel về khả năng một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran.

Song, liệu Mỹ và phương Tây có sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu quân sự mới tại khu vực Trung Đông vốn đã đầy bất ổn? Không ít ý kiến cho rằng, nếu điều này xảy ra sẽ là một thảm hoạ cho cả khu vực.

Sự vận động ráo riết cho một hành động quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran đang gia tăng từ phía Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, sau khi các nguồn tin quân sự Israel cho biết, Iran có khả năng chuyển urani được làm giàu từ mức 20% lên mức 60%, giai đoạn cuối trước khi tiến tới urani được làm giàu ở mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Còn các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, đến mùa xuân năm 2012, Iran sẽ sản xuất được 2 - 4 quả bom hạt nhân và có khả năng tiến hành thử hạt nhân.

 Học sinh Iran với dòng chữ ghi trên lòng bàn tay phản đối cuộc chiến nhằm vào

quốc gia Hồi giáo này

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết ngày 8/11 sẽ công bố một báo cáo, theo đó, Iran vẫn tiếp tục làm giàu urani ở mức 20% và đã sản xuất được 70,8kg loại nhiên liệu này. IAEA cũng không đảm bảo mọi nhiên liệu hạt nhân của Iran được dùng vào mục đích hòa bình. Ngoài ra, lượng urani được làm giàu ở mức thấp của Iran, theo IAEA, đã lên tới 4.543kg, đủ để chế tạo 4 vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Iran nhiều lần khẳng định, chương trình hạt nhân của nước này phục vụ cho các mục đích dân sự, song đến nay, việc kiểm chứng vẫn khó khăn và khủng hoảng lòng tin giữa Iran và phương Tây ngày càng sâu sắc. Bởi vậy, những thông tin từ tình báo và báo cáo của IAEA đã dẫn tới những ngôn từ mạnh mẽ từ phía Israel, Mỹ, Anh.

Ngày 2/11, Mỹ cảnh cáo Iran về cuộc tấn công có thể trở thành sự thật nếu Iran không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, trong phát biểu trước Quốc hội, nhấn mạnh: “Một Iran có vũ khí hạt nhân là nguy cơ chết người tại Trung Đông và toàn thế giới và là nguy cơ trực tiếp đối với Israel”.

Tổng thống Israel Shimon Peres tối 5/11, trong phát biểu trên Kênh 2 đài truyền hình tư nhân Israel tuyên bố, “ngày càng nhiều khả năng” Israel và các nước khác tiến hành “một cuộc tấn công nhằm vào Iran”. Các nước mà ông Shimon Peres nói ở đây là Anh. Tờ The Guardian (Anh) ngày 2/11 tiết lộ rằng, lực lượng vũ trang của Anh đang tăng cường lập kế hoạch khẩn cấp để hậu thuẫn cho hành động quân sự của Mỹ chống Iran.

Bầu không khí căng thẳng được bổ sung bằng những hoạt động của Israel. Ngày 2/11, Israel tiến hành thử nghiệm thành công một hệ thống tên lửa đẩy có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn 7.000km. Tiếp sau đó là việc không quân Isrel tập trận chung với không quân Italy nhằm làm quen với chiến thuật của NATO. Sự kiện tiếp theo là việc Bộ Tư lệnh hậu phương Israel tập báo động chống tên lửa ở Tel Aviv và cuối cùng là việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak thăm Anh - chuyến thăm nhằm thúc đẩy kế hoạch chuẩn bị cho cuộc tấn công Iran do Mỹ dẫn đầu.

Những diễn biến nói trên khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran thêm sâu sắc và mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng khu vực không phải không có cơ sở. Còn nhớ, chiến dịch “Opera” hồi tháng 6/1981 nhằm phá huỷ chương trình hạt nhân mà Iraq đã bí mật phát triển trong hơn 7 năm, đã làm biến đổi Trung Đông trong suốt hơn 25 năm. Các cuộc tấn công chặn trước Iran lần này chắc chắn còn gây nên thảm hoạ tồi tệ hơn bởi Iran không phải là Iraq. Những cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác khắp đất nước, một số nằm ở những khu vực đông dân cư, một số được đặt sâu trong lòng đất mà để phá huỷ có thể phải dùng đến vũ khí hạt nhân.

Iran đã từng cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào nước này. Tên lửa Shabah-3 của Iran có tầm bắn tới Israel và Iran có thể sử dụng loại tên lửa đạn đạo này để tấn công các thành phố và nơi đặt lò phản ứng hạt nhân của Israel. Mặt khác, việc Iran bị tấn công cũng có thể châm ngòi cho một làn sóng bạo lực mới khi mà các nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ như Hezbollah, Hamas và Jihad sẵn sàng trả đũa.

Chính bởi vậy, một cuộc tấn công quân sự không phải là sự lựa chọn ưu tiên của phương Tây. Ngay cả Mỹ, mặc dù lên tiếng cảnh báo Iran, song đến nay Washington chưa có dấu hiệu muốn từ bỏ việc sử dụng chiến lược ngoại giao, các biện pháp trừng phạt, các hoạt động ngầm và chiến tranh mạng (như đã từng làm hồi năm ngoái) để làm chậm chương trình hạt nhân của Iran.

Pháp cũng không ủng hộ tấn công Iran. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, trong phát biểu trên kênh “Châu Âu I” ngày 6/11, nói rằng, các cuộc tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran có thể gây mất ổn định cho toàn bộ khu vực và cho biết Paris sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tuyên bố không có ý định can thiệp quân sự vào Iran. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO ủng hộ các nỗ lực quốc tế theo đuổi các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề Iran, đồng thời kêu gọi Teheran tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân.

Pakistan - một nước láng giềng với Iran và là một trong các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - cũng tuyên bố phản đối mọi hình thức sử dụng vũ lực chống Iran, mong muốn mọi vấn đề được giải quyết một cách hòa bình để tránh gây mất ổn định khu vực.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran đang trở nên trầm trọng. Một Iran chế tạo được vũ khí hạt nhân sẽ khuyến khích cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực và làm thay đổi cán cân quân sự tại Trung Đông. Tuy nhiên, một cuộc tấn công quân sự vào Iran lúc này sẽ chỉ làm xói mòn sự đồng thuận của quốc tế về vấn đề hạt nhân của Iran và đẩy Trung Đông đến bờ vực khủng hoảng.

Theo VOV

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.