Trung - Mỹ “đua” máy bay quân sự không người lái
Sự thành công của Mỹ trong lĩnh vực máy bay quân sự không người lái đang gây ra một cuộc chạy đua trên toàn cầu về loại máy bay này. Trung Quốc đang có kế hoạch lập hẳn một “đội quân” máy bay không người lái để cạnh tranh với Mỹ.
Trong những năm gần đây, hơn 50 nước đã mua máy bay do thám không người lái hoặc bắt đầu theo đuổi chương trình phát triển loại máy bay này cho riêng mình nhằm củng cố khả năng quân sự.
Mặc dù Trung Quốc chỉ mới trình làng chiếc máy bay không người lái đầu tiên tại một triển lãm hàng không cách đây 5 năm nhưng nước này đang tiến rất nhanh trên con đường phát triển những chiếc máy bay không người lái có khả năng cạnh tranh với công nghệ của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự cho biết, máy bay quân sự không người lái của Mỹ sở hữu những đặc tính như dễ sử dụng, khả năng do thám tốt và được trang bị vũ khí rẻ. Đây là những đặc tính có thể khiến cho máy bay của Mỹ trở thành máy bay tiêu chuẩn cho nhiều phiên bản của các nước khác.
Hiện tại, không có quốc gia nào xuất khẩu máy bay không người lái được vũ khí hóa ngoài Mỹ nhưng Mỹ cũng chỉ bán loại máy bay này cho các nước đồng minh thân thiết. Vì thế, Trung Quốc đang tìm kiếm một phần thị trường trong lĩnh vực này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã giới thiệu cùng lúc 25 chiếc máy bay không người lái tại triển lãm hàng không Zhuhai, phía nam Trung Quốc. Đây là những chiếc máy bay do Tập đoàn Công nghệ ASN Technology Group hợp tác sản xuất cùng với Tập đoàn Công nghiệp-Khoa học hàng không Trung Quốc và Tập đoàn Công nghệ-Khoa học hàng không Trung Quốc.
Tại triển lãm trên, một đám đông đã vây xung quanh một mô hình máy bay không người lái được gọi là WJ-600. Tại đây, người ta đã chiếu một cuốn băng video minh họa chiếc máy bay WJ-600 phát hiện ra một nhóm tàu sân bay Mỹ đang ở gần Vùng lãnh thổ Đài Loan. Chiếc máy bay này đã chuyển các thông tin và dữ liệu của mục tiêu về bờ cho một cuộc tấn công ngay sau đó.
Các loại máy bay không người lái khác của Trung Quốc được thiết kế để bắn hạ tên lửa. Trong số này có một loại máy bay chạy bằng động cơ phản lực có khả năng bay nhanh hơn cả sát thủ bầu trời Predator và máy bay Reaper mà Mỹ đang sử dụng cho các nhiệm vụ ở Iraq, Afghanistan và Pakistan.
Việc Trung Quốc trình làng một lúc 25 chiếc máy bay không người lái là một kỷ lục đối với một quốc gia mà cho đến gần đây vẫn còn chưa bắt tay vào phát triển máy bay quân sự không người lái.
Theo nhận định của các chuyên gia hàng không và quân sự được đưa ra trên tờ Nhật báo Phố Wall vào thời điểm cuối năm ngoái, mặc dù máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc đang tụt hậu sau của Mỹ nhiều năm nhưng Trung Quốc đang trên đà phát triển nhanh để bắt kịp với Mỹ.
Ông David A. Deptula, một Trung tướng nghỉ hưu cũng là một cựu Phó Tư lệnh Không quân phụ trách lĩnh vực tình báo, do thám của Mỹ, cho biết: “Chúng ta đã vượt xa các nước khác trong lĩnh vực máy bay không người lái nhưng khả năng của các nước khác cũng đang phát triển không ngừng”.
Ngành công nghiệp sản xuất máy bay không người lái được cho là sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới. Theo một nghiên cứu thị trường năm 2011 của Tập đoàn Teal Group ở Fairfax, chi tiêu đổ vào máy bay không người lái được cho là sẽ tăng gấp đôi lên con số 94 tỉ USD vào năm 2021.
Mặc dù Trung Quốc đã “khoe” máy bay không người lái của nước này nhưng phần lớn tiến bộ của họ trong lĩnh vực này vẫn đang là một bí mật. Người ta vẫn chưa biết, trong 25 chiếc máy bay được trưng bày hồi năm ngoái đã có chiếc nào được đưa vào hoạt động chính thức hay chưa.
Tuy nhiên, tờ Nhật báo phố Wall xác nhận Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã triển khai ít nhất hai chiếc máy bay không người lái chạy bằng động cơ cánh quạt.
Ông Zhang Qiaoliang, đại diện của Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Chengdu cho biết: “Mỹ không xuất khẩu nhiều máy bay tấn công không người lái, vì thế, chúng tôi đang lợi dụng lỗ hổng này trên thị trường”. Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Chengdu là nơi sản sinh ra nhiều loại máy bay quân sự tối tân của PLA.
Sự quan ngại của Mỹ đối với máy bay không người lái của Trung Quốc được thể hiện trong một bản báo cáo của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ-Trung hồi năm ngoái. Bản báo cáo này cho biết, “PLA đã triển khai nhiều loại máy bay không người lái cả cho mục đích do thám và chiến đấu”. Bản báo cáo trích nguồn từ Lâu Năm Góc cho biết thêm: “Trung Quốc đang phát triển một loạt máy bay không người lái tầm xa có thể hoạt động ở độ cao tầm trung và tầm cao. Những chiếc máy bay này khi được triển khai sẽ mở rộng khả năng của Không lực PLA trong việc tiến hành các hoạt động do thám và tấn công tầm xa”.
Máy bay không người lái đang được xem như là một lựa chọn thay thế hiệu quả, rẻ tiền cho những chiếc máy bay có người lái. Predator B hay MQ9-Reaper của Mỹ chì có giá khoảng 10,5 triệu USD. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với giá 150 triệu USD của một chiếc chiến đấu cơ F-22. Chính vì những ưu điểm trên, nhiều nước khác cũng đang tham gia vào cuộc đua sản xuất máy bay không người lái. Israel là nước sản xuất máy bay không người lái nhiều thứ hai sau Mỹ. Ngoài Israel, Nga và Ấn Độ cũng đang phát triển máy bay không người lái. Trong khi đó, Pakistan có ý định nhập loại máy bay này của Trung Quốc.
Theo VnMedia