Trung Quốc - Đi, nghe và thấy

15/04/2012 15:00

(Baonghean) - Không chỉ hấp dẫn khách du lịch bằng nền văn hóa lâu đời, những di tích lịch sử nghìn năm, vẻ đẹp của những khu phố cổ mà Trung Quốc còn để lại ấn tượng sâu sắc trong du khách bởi quy hoạch giao thông đô thị, xây dựng tuyến phố xanh-sạch đẹp. Trung Quốc xứng đáng là đất nước văn minh, hiện đại....

(Baonghean) - Không chỉ hấp dẫn khách du lịch bằng nền văn hóa lâu đời, những di tích lịch sử nghìn năm, vẻ đẹp của những khu phố cổ mà Trung Quốc còn để lại ấn tượng sâu sắc trong du khách bởi quy hoạch giao thông đô thị, xây dựng tuyến phố xanh-sạch đẹp. Trung Quốc xứng đáng là đất nước văn minh, hiện đại....

Ấn tượng quy hoạch giao thông

Trên quãng đường dài hơn 20 km từ sân bay quốc tế Bắc Kinh vào trung tâm thủ đô, xe chúng tôi ít khi phải dừng bởi các nút cắt và hệ thống đèn tín hiệu nhờ hệ thống đường vành đai.Qua tìm hiểu, được biết việc quy hoạch giao thông đô thị của Bắc Kinh được chuẩn bị rất kỹ, khảo sát tuyến kỹ lưỡng trước khi quyết định xây dựng và có những lộ trình thích hợp với từng vành đai. Vành đai 1 là đường chung quanh thành nội, có từ những thập niên giữa thế kỷ XX. Vành đai 2 có từ những năm 60. Vành đai 3 được xây dựng những năm 70, cùng với sự phân bố có quy hoạch các khu dân cư, nhà hàng, khách sạn, trường học trên tuyến vành đai này. Đường vành đai 4 hoàn thành vào những năm cuối thế kỷ XX được xây dựng theo các tiêu chuẩn đường cao tốc. Các đường vành đai 5 và vành đai 6 thuộc hệ giao thông của thế kỷ XXI được đưa vào sử dụng năm 2008.



Đường vượt với nhiều làn xe ở thành phố Thượng Hải.


“Bắc Kinh có hơn 15 triệu dân, là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, lượng phương tiện giao thông ở các thành phố khác đổ về đây họp hành, làm việc rất nhiều. Chính quyền Thành phố Bắc Kinh đã rất nỗ lực trong việc lựa chọn các giải pháp để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống đường vành đai, đường ngầm với lộ trình phù hợp, chính quyền thành phố còn có các phương án như: áp dụng một mức giá rẻ hơn nhiều cho các chủ xe đỗ xe dưới hầm thay vì trên mặt đất; xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng; vận động người dân sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin mới, bao gồm họp trực tuyến và liên lạc nhóm từ xa, nhằm giảm thiểu việc đi lại hay tập chung quá đông tại một điểm...”. - Hướng dẫn viên du lịch Trương Vĩnh Tam cho biết thêm.

Đến Bắc Kinh, dễ nhận thấy một thành phố đông dân hầu như không có xe máy. Ba loại phương tiện giao thông chính trong các thành phố này là tàu điện ngầm, ôtô (gồm cả xe bus) và xe đạp. Không riêng Bắc Kinh, ở các thành phố khác như Quảng Châu, Thẩm Quyến, Thượng Hải, Hàng Châu, xe máy đều bị cấm đi vào trung tâm thành phố. Riêng ở Bắc Kinh và Thượng Hải thì xe máy bị cấm trong phạm vi toàn thành phố, không giới hạn khu trung tâm. Được biết, ở Bắc Kinh vẫn duy trì một loại biển xe cho phép được sử dụng xe gắn máy ở một số vùng vành đai ngoài thành phố (vành đai 4). Vì loại biển xe đặc biệt này đã ngưng cấp từ những năm 1990 nên hiện nay, một số người đã dùng nó để… mua bán quyền sử dụng xe gắn máy trong thành phố! Giá của một biển này hiện được chào bán tới 12 ngàn tệ (khoảng hơn 40 triệu đồng), và mức giá này tăng khá nhanh qua từng năm. Do lượng “giấy thông hành” này có giới hạn, số lượng xe máy xuất hiện ở đường phố Bắc Kinh (mà chỉ ở đường vành đai hoặc trong hẻm) rất hạn chế. Vì bị cấm sử dụng xe gắn máy nên những người thích đi xe hai bánh chuyển sang xe đạp và xe đạp điện.

Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015, Bắc Kinh sẽ xây dựng khoảng 1.000 điểm cho mượn xe đạp, với hơn 50.000 chiếc sẽ sớm đi vào hoạt động tại các lối lên xuống ga tàu điện ngầm tại một số tuyến phố. Việc dẹp xe gắn máy ở Bắc Kinh có tác động tích cực ngay tới môi trường đô thị, đặc biệt là giảm mạnh được tiếng ồn. Người Trung Quốc vẫn nổi tiếng thế giới là “ăn to, nói lớn”, nhưng trên đường phố, trong các con hẻm của Bắc Kinh đông đặc người xe lại ít ồn hơn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì không còn tiếng xe máy; không nghe thấy tiếng rú ga bất thình lình khiến nhiều người phải thót tim. Taxi ở Bắc Kinh không được phép đậu chờ khách nên để bắt taxi, khách cứ đứng chờ, thấy xe nào chạy mà bật đèn đỏ (dấu hiệu không có khách) thì vẫy. Khi xe tạt vào thì khách phải lên ngay vì thời gian xe dừng trên đường tối đa chỉ 2 phút. Trên nhiều tuyến phố, vỉa hè được lát đá, gạch rộng từ 6 - 8m dành cho người đi bộ, dưới lòng đường đều làm các hàng rào ngăn cách đường dành cho xe máy, xe đạp và đường dành cho ô tô, các phương tiện giao thông không được phép đi lấn sang phần đường của nhau. Tại các ngã tư, ngã năm đều có cầu vượt và hầm đường bộ, băng chuyền dành cho người già, tàn tật qua đường một cách dễ dàng...

Ở Trung Quốc, cũng rất hiếm khi bắt gặp hình ảnh cảnh sát giao thông đứng chốt chặn trên đường phố. Các vụ va chạm giao thông nhỏ, lái xe tự chụp ảnh rồi lên xe đi tiếp. “Tất cả đã có camera theo dõi và có biên bản xử lý chính xác, chỉ những vụ tai nạn nghiêm trọng mới có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông” -Hướng dẫn viên du lịch cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc còn nổi tiếng thế giới bởi cơ sở hạ tầng giao thông với các công trình: Tuyến đường sắt Bắc Kinh đi Tây Tạng cao và dài nhất thế giới; cây cầu vượt biển chạy qua vịnh Giao Châu được xem là dài nhất thế giới; đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải…

Bảo vệ môi trường và những kiểu xử phạt

Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải với những tòa nhà cao chọc trời, chằng chịt những cầu vượt nhưng không hề có cảm giác ngột ngạt, bức bối. Sạch sẽ, thoáng mát là cảm giác mà bất cứ ai khi đến những thành phố lớn ở Trung Quốc đều cảm nhận được.

Ở các khu nhà cao tầng đều có các công viên nhỏ, được trồng rất nhiều cây xanh vừa để tạo cảnh quan, vừa để lấy bóng mát. Ở các nút giao thông là những thảm cỏ xanh mơn mởn. Tại những chân cầu vượt cũng được trồng dây leo xum xuê, trên những dải phân cách là nhiều loại cây xanh tốt, hoa nở rực rỡ.

Ấn tượng nhất ở Hàng Châu, Tô Châu là mật độ cây xanh khá dày, trung bình mỗi người có đến 112 cây xanh. Trên các đường phố ở Tô Châu, Hàng Châu trồng một loại cây ngô đồng, loại cây ít rụng lá và tán rộng, tạo nên “điểm nhấn”, nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, ở nhiều tuyến đường, người ta trồng xen kẽ cây dương liễu và cây đào tạo thành những hàng dài rất đẹp mắt. “Người dân Hàng Châu cho rằng, có thể chấp nhận một thành phố không có khách sạn 5 sao, nhưng không thể chấp nhận một thành phố trần trụi, không có cây xanh. Một thành phố không (hay ít) cây xanh, công viên, vườn hoa, vườn dạo chơi bị coi là thành phố thiếu sức sống, không có “hồn” và hơn cả là thiếu không gian văn hoá...” - Hướng dẫn viên Lâm Tuyết Kiều cho biết. Cây, hoa trên các đường phố ở Trung Quốc được chăm sóc khá kỹ lưỡng: hàng ngày có tưới nước, định kỳ cắt tỉa theo quy định, vào mùa đông người ta cắt bỏ những cành khô, những cành quá khổ, lá vàng và tạo dáng cho cây; ở phần thân cây phía dưới (khoảng 1m) được bảo vệ bởi một “áo giáp” bằng rơm khô quấn vòng quanh.

Trên các tuyến đường đều sạch, không có tình trạng xả rác bừa bãi, rất khó để tìm thấy vỏ bánh, kẹo, thuốc lá hay túi bóng trên các đường phố. Ở các khu trung tâm mua sắm, khoảng 10m người ta lại đặt một thùng rác công cộng với 3 ngăn chứa khác nhau để phân loại rác: rác thải rắn, rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ. Xe quét rác lưu động hoạt động thường xuyên. “Cái quan trọng là ý thức người dân, đường phố sạch đẹp, thùng rác được đặt khá nhiều nên người ta không nỡ vứt một mẩu rác xuống đường. Ý thức về bảo vệ môi trường được đưa vào chương trình giáo dục ở bậc học mầm non, chế tài xử phạt và việc sử dụng chất thải vào sản xuất phân bón, tạo thành năng lượng... đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc.” - Anh Nguyễn Minh Quang, người dẫn đoàn của Công ty lữ hành du lịch Hòn Gai cho biết.

Tại các điểm du lịch, khi bạn lỡ tay vứt một mẩu rác xuống thì đã có lao công đi ngay sau nhặt bỏ vào thùng. Trung bình mỗi điểm du lịch có khoảng 10-15 lao công chuyên đi nhặt rác do du khách sơ ý. Đặc biệt, ở các khu vệ sinh công cộng đều có người cầm chổi lau túc trực. Sau khi khách “giải quyết vấn đề” xong, họ sẽ kiểm tra và lau dọn. Do đó, dù lượng khách đông nhưng các khu vệ sinh công cộng đảm bảo sạch sẽ, không có mùi hôi. Việc làm của những người lao công hay những nhân viên dọn vệ sinh ở các khu vực công cộng vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời gửi đến du khách một thông điệp:“Bạn vứt rác bừa bãi, người khác nhặt rác ngay trước mắt bạn, chỉ vì vô ý, bạn đã làm người khác phải nhọc công. Vậy thử hỏi bạn đủ “can đảm” để vô ý thức thêm lần nữa?” .

Lý thú nhất là các kiểu xử phạt về hành vi vô ý thức ở các khu công cộng của người Trung Quốc. Ở những nơi treo biển “Cấm hút thuốc”, nếu bạn vô ý không đọc biển cấm, “lỡ” hút thuốc thì họ không phạt bạn tiền mà bắt bạn đứng đó tìm ra người hút thuốc thứ hai mới được tha, còn nếu không “chỉ ra” được người nào hút thuốc thì bạn buộc phải “chôn chân tại chỗ”. Tất nhiên, với du khách, khi đến các điểm tham quan đã được nhắc nhở trước, được hướng dẫn viên quán triệt kỹ. Do đó, ở khu vực công cộng, rất khó tìm thấy người hút thuốc lá; còn ở các nhà hàng lớn có khu vực dành riêng cho người hút thuốc.

Còn nếu bạn xả rác hoặc tiểu tiện không đúng nơi quy định, bạn không bị phạt tiền, bạn bị nhắc nhở và bạn buộc phải nhặt rác lên, tự tay đi xách nước và lau dọn sạch chỗ mình vừa “tè bậy”...

Những điều “đi, nghe, thấy” từ một cường quốc đứng thứ 4 trên thế giới kể lại không nhằm để so sánh, bởi mọi sự so sánh đều là khập khiễng! Chỉ mong học hỏi bạn từ những cái nhỏ nhất, thì sẽ dễ dàng “áp dụng” được ngay thôi!


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Trung Quốc - Đi, nghe và thấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO