Trung Quốc diễu binh ở Nga: Tâm điểm của giới quan sát quốc tế

10/05/2015 14:47

Trung Quốc có nguyên thủ và quân đội tham dự lễ duyệt binh chào mừng 70 năm ngày Chiến thắng Phát xít tại Nga gây chú ý đặc biệt.

Theo tạp chí CSM, cả Trung Quốc và Nga đều đang chia sẻ những lợi ích và tầm nhìn chung trong nhiều vấn đề trên thế giới. Tuy nhiên, liệu việc ông Tập Cận Bình đến Nga có mang lại những gì mà Tổng thống Nga Putin mong đợi?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin dự lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh AFP)

Nồng ấm?

Khi Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh nhau trên lễ đài ở Quảng trường Đỏ để tham dự lễ duyệt binh chào mừng 70 năm ngày Chiến thắng Phát xít tại Nga, cả hai lãnh đạo đã chia sẻ với nhau những nụ cười và những cái bắt tay nồng nhiệt.

Việc Chủ tịch Trung Quốc tham dự buổi lễ là niềm khích lệ lớn đối với Nga trong bối cảnh lãnh đạo nhiều nước phương Tây không có mặt tại sự kiện trọng đại này.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình không đem lại điều mà ông Putin mong muốn nhất, đó là Nga- Trung Quốc sẽ cùng đoàn kết chống lại phương Tây.

Ông Sergey Lukonin, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Toàn cầu, nhận định, với việc mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, ông Putin hẳn nhiên là muốn Trung Quốc ủng hộ Nga để đối đầu với Mỹ”.

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, vốn chỉ nhắm vào lợi ích thương mại và nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của Nga, đây có thể là “một kỳ vọng khó có thể đáp ứng ngay lập tức”.

Ông Li Xing, Giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Quan hệ Nga- Trung không phải là quan hệ đồng minh về quân sự và chính trị nhằm vào một bên thứ 3 nào. Trung Quốc liên kết với nga không phải để chống một nước nào mà chỉ vì lợi ích quốc gia”.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Trung Quốc khẳng định, mối quan hệ Nga- Trung đang rất nồng ấm và Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng rất thân thiết với nhau. Cả Trung Quốc và Nga đang làm hết sức mình để tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược.

Lợi ích chung

Nga và Trung Quốc hiện chia sẻ rất nhiều những lợi ích chung. Nga là nguồn cung cấp trang thiết bị lớn thứ 2 của Trung Quốc và là nguồn cung khí đốt và dầu mỏ lớn thứ 3 của nước này.

Hải quân Nga- Trung sẽ tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên Biển Địa Trung hải vào cuối tháng 5 này.

Ngoài ra, hai nước cũng là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và chia sẽ nhiều mối quan tâm chung, trong đó có cả sự bất bình với việc Mỹ dính líu tới quá nhiều sự vụ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông David Zweig, giảng viên về quan hệ Trung Quốc tại Đại học Hong Kong nhận định, trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Bắc Kinh đã tỏ ra rất thận trọng để không làm phức tạp hóa mối quan hệ với Washington một cách không cần thiết trong khi không làm Moscow phật ý.

“Họ không ủng hộ quan điểm của Nga nhưng cũng không thách thức quan điểm đó”, ông Zweig chỉ rõ. Bắc kinh đã cố đừng ngoài cuộc trong cuộc chiến về ngoại giao và cả các lệnh cấm vận được Nga, Mỹ và EU áp đặt lẫn nhau.

Ông Michael Swaine, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, khẳng định: “Trung Quốc luôn sẵn sàng tạo ra các mối quan hệ vì lợi ích chiến lược của mình với Nga nhằm thể hiện rằng họ thân thiết với Nga hơn là thực tế với hy vọng rằng Mỹ và phương Tây sẽ phải e dè”.

“Trong khi đó, Bắc Kinh lại không coi Nga là đối tác chiến lược và quan trọng thực sự”, ông Swaine nói thêm.

Ẩn sau những nụ cười thân thiện đó, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã từng “mặc cả từng đồng” để mua khí đốt và đầu mỏ của Nga để rồi “khó chịu ra mặt” khi giá dầu hạ ở mức chóng mặt.

“Mối quan hệ thương mại Nga- Trung dự trên các nguyên tắc của thị trường. Nga và Trung Quốc có những lợi ích khác nhau và các công ty của Trung Quốc luôn độc lập với chính phủ”, ông Li Ziguo, một nhà phân tích về mối quan hệ với Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc nhận định.

Tháng 9/2014, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào mỏ dầu Vankor lớn nhất của Nga do tập đoàn Rosneft quản lý.

“Nhìn chung, chúng tôi rất thận trọng trong việc kêu gọi đầu tư từ đối tác nước ngoài, nhưng với các bạn Trung Quốc chúng tôi không đặt ra một giới hạn nào”, ông Putin khẳng định.

Tuy nhiên, đến nay, cả Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) đều không ký kết được một thỏa thuận nào.

Mặc dù vậy, năng lượng vẫn được coi là cột trụ quan trọng nhất trong mối quan hệ Nga- Trung. Một báo cáo gần đây của BP dự doán, đến năm 2035, Nga sẽ là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nước nhập khầu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

“Nga đang tìm cách xuất khẩu sang thị trường châu Á và việc hợp tác với Trung Quốc đang được tiến hành với những dự án và toan tính cụ thể. Mối quan hệ Nga- Trung là mối quan hệ đan xen giữa lợi ích và cạnh tranh và còn lâu mới có thể được coi là lý tưởng”, ông Dmitry Orlov nói.

Sự cạnh tranh ấy là rõ ràng nhất tại Trung Á, nơi Bắc Kinh đang lôi kéo nhiều quốc gia hậu Xô Viết và thách thức tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga.

Trung Quốc đang triển khai dự án “Một vành đai, một con đường” nhằm giúp phát triển cơ sở hạ tầng kết nối châu Á và châu Âu.

Ông Sergey Lukonin , một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Toàn cầu, nhận định, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra trong dự án này chủ yếu sẽ được dùng để thuê các doanh nghiệp của Trung Quốc và điều này cho thấy Trung Quốc đang giành được vị thế hàng đầu tại khu vực mà các doanh nghiệp Nga từng là số một.

Tuy nhiên, Nga không có nhiều lựa chọn khi làm ăn với Trung Quốc, ông Lukonin khẳng định: “Khi Trung Quốc là một quốc gia đanh phát triển, chúng ta có thể gây sức ép lên họ. Giờ chúng ta không thể làm thế được bởi Trung Quốc có tiền còn Nga thì không”./.

Theo VOV

Mới nhất
x
Trung Quốc diễu binh ở Nga: Tâm điểm của giới quan sát quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO