Trung Quốc "tăng cường tiếp cận cộng đồng quốc tế"?

05/09/2015 14:08

(Baonghean) - Tuần qua, mọi sự chú ý của dư luận quốc tế dường như đều hướng về sự kiện ngày 3/9 Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2. Tại Thiên An Môn, Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 300.000 quân. Điều này có liên quan gì tới việc quân đội Trung Quốc sẽ tham gia tập trận với Australia, Malaysia và Mỹ tại eo biển Malacca vào thời gian tới?

Giảm quân để tăng lòng tin

Không phải ngẫu nhiên mà trước 30 nguyên thủ quốc gia tới dự lễ duyệt binh, 19 đại diện chính phủ các nước tham dự lễ duyệt binh trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2 mà ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố cắt giảm 300.000 quân. Dù ông Tập không nói rõ mục đích cắt giảm quân số, nhưng có thể ngầm hiểu rằng, tuyên bố này “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Trước hết, theo cách hiểu “chính quy” nhất, thì đây là việc làm bình thường theo lộ trình “hiện đại hóa” quân đội Trung Quốc theo hướng tinh gọn: giảm số lượng, tăng về chất lượng. Trên thực tế, đây là lần thứ 3 Trung Quốc cắt giảm quân số: Lần 1 năm 1980, lần 2 năm 1997. Lần này, ông Tập Cận Bình tuyên bố giảm 13%, trong tổng số quân hiện có khoảng 2,3 triệu quân, có nghĩa là tương đương 300.000 quân. Về đối nội, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang sa sút, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong cơn lao đao, tuyên bố như vậy ít nhiều có ý nghĩa “an dân” bởi dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2015 đạt mức 144 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2014.

Tuy nhiên, dư luận có thể hiểu rằng tuyên bố của ông Tập có ý nghĩa đối ngoại nhiều hơn. Tuyên bố giảm quân số, ông Tập muốn tăng lòng tin của các nước đối với quốc gia này sau hàng loạt những hoạt động Trung Quốc gây ra sự quan ngại đối với láng giềng, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Lòng tin của cộng đồng quốc tế đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau những động thái Trung Quốc “hiện thực hóa” chính sách “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông một cách bất chấp. Hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đẩy nhanh việc cải tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo Trung Quốc chiếm trái phép của Việt Nam đã và đang gây ra sự phản ứng đồng loạt của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hơn thế, ngày 26/5/2015 vừa qua, khi Trung Quốc ban hành Sách trắng Quốc phòng “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, những nội dung của chính sách này trực tiếp và gián tiếp tạo ra những căng thẳng mới với những tuyên bố cứng rắn như: “Chúng ta sẽ không tấn công trước trừ phi bị tấn công, và một khi bị tấn công, chúng ta sẽ đáp trả”. Cùng với đó, chính sách này cũng cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường 4 “lĩnh vực an ninh quan trọng”, bao gồm: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân. Trọng tâm là chuyển đổi chiến lược của Hải quân Trung Quốc từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” và “bảo vệ trên các đại dương” để đối phó với “mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Do đó, cắt giảm quân số, có thể Trung Quốc mong muốn sẽ củng cố niềm tin đối với cộng đồng quốc tế. Muốn là vậy, nhưng đạt được hay không lại là chuyện khác.

Binh sĩ Trung Quốc tập luyện chim ưng để đảm bảo an toàn hàng không.Ảnh: Inernet
Binh sĩ Trung Quốc tập luyện chim ưng để đảm bảo an toàn hàng không. Ảnh: Inernet

Tập trận để tiếp cận

Theo kế hoạch, thời gian tới Trung Quốc sẽ mang 1.160 quân nhân và 2 tàu chiến, cùng với trực thăng và máy bay vận tải để tập trận với Mỹ, Australia, Malaysia tại eo biển Malacca. Nội dung tập trận được xác định là tập trung vào cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn và các kịch bản bị cướp tàu. Không những thế, một cuộc tập trận riêng giữa Trung Quốc với Australia cũng được tiến hành từ 20-28/9 với tên gọi “Panda Kanggaroo” (tạm gọi là “Gấu trúc Chuột túi”), với nội dung tập huấn kỹ năng sinh tồn, đi xuồng và leo núi.

Vì sao Trung Quốc lại hướng tới những cuộc tập trận có nội dung mang màu sắc dân sự như vậy? Theo giới nghiên cứu, việc quân đội Trung Quốc thể hiện “lập trường cứng rắn trong thời gian gần đây tại các vùng tranh chấp trái pháp luật đã khiến cộng đồng quốc tế “cảnh giác” với quân đội Trung Quốc, thậm chí coi đó là mối đe dọa tới an ninh khu vực. Điều đó chắc chắn sẽ gây bất lợi, trở ngại cho Trung Quốc, cả về quân sự, chính trị và kinh tế.

Do đó, Trung Quốc cần có các biện pháp để giảm bớt hoài nghi và tăng cường tham gia các cuộc tập trận mang màu sắc “dân sự” là một trong số những biện pháp nhằm mục đích đó. Ông Pang Zhongying - Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Tôn Dật Tiên - nhận định: “Những cuộc tập trận chung này là một phần nỗ lực của Bắc Kinh để quân đội của họ tiếp cận với cộng đồng quốc tế”. Đó được coi là nhận định xác đáng.

Trong thời gian gần đây, xã hội Trung Quốc gặp không ít những vấn đề xáo trộn. Những vụ nổ hóa chất gây thiệt hại về người lần lượt diễn ra ở Thiên Tân, ở Sơn Đông; đồng nhân dân tệ bất ngờ giảm giá sâu; cú “rơi tự do” của thị trường chứng khoán; giới đầu tư và nhà giàu tại Trung Quốc đang tìm cách “chuyển hướng”... thực sự đang tạo ra những biến động lớn. Đó là chưa kể việc phát hiện và thanh trừng những nhân vật quan chức “cộm cán” dính líu đến tham nhũng, “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng”, đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính giới Trung Quốc. Nhìn xa hơn, nền kinh tế Trung Quốc sau thời gian dài “tăng trưởng nóng” và vươn đến vị trí cường quốc số 2 thế giới, hiện tại đang chững lại, đi xuống và chưa có cách nào để “lấy lại phong độ”, cũng đang là vấn đề lớn. Vì thế, tại buổi lễ trọng ngày 3/9, Trung Quốc không chỉ biểu dương lực lượng, mà còn muốn củng cố lại diện mạo mới. Muốn vậy, Trung Quốc không thể không củng cố lòng tin trong nước và cộng đồng quốc tế, cải thiện và tiếp cận lại các mối quan hệ trên nhiều phương diện. Trong lộ trình ấy, tuyên bố cắt giảm quân số và tổ chức các cuộc tập trận với các nước có thể xem là những bước đi ban đầu.

Chí Linh Sơn

Mới nhất

x
Trung Quốc "tăng cường tiếp cận cộng đồng quốc tế"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO