Trung Quốc- thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới
Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới lớn trong quý I/2012, nhờ sự tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia.
Theo thống kê, trong năm 2011 tổng doanh thu tiền bán vé xem phim tại tất cả các rạp chiếu bóng ở Trung Quốc đã tăng 33,3% lên 13,15 tỷ NDT (2,08 tỷ USD) và giá trị thị trường của ngành công nghiệp điện ảnh đạt 17,25 tỷ NDT.
Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, Mike Ellis, cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện ảnh Trung Quốc còn thể hiện ở số rạp chiếu bóng tại đây tăng vọt, từ 4.753 rạp năm 2006 lên 10.700 rạp năm 2011, trong đó tính trung bình trong năm 2011 mỗi ngày Trung Quốc có thêm 8 rạp hay phòng chiếu phim - một tốc độ mở rộng không quốc gia nào trên thế giới đạt được.
Theo ông Mike Ellis, ngành điện ảnh Mỹ hầu như không tăng trưởng, song rất thành công trên các thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Doanh thu tiền vé xem phim ở Mỹ và Canađa năm 2011 chỉ đạt 10,2 tỷ USD, giảm 4%, song tỷ trọng của phim ảnh Mỹ trên thị trường quốc tế lại tăng từ 57,3% năm 2010 lên 58,4% năm 2011.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2/2012 của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đồng ý cho phép tăng số phim nước ngoài được nhập khẩu vào thị trường nước này hàng năm thêm 14 bộ, và tỷ lệ lợi nhuận của các công ty điện ảnh nước ngoài tại các phòng bán vé cũng được nâng từ 13% lên 25% .
Tuy nhiên, ông Mike Ellis lưu ý rằng mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, song ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc phần lớn vẫn chưa được khai thác khi mỗi người dân Trung Quốc trung bình chỉ đến rạp chiếu phim 0,3 lần/năm, so với 5 lần/năm ở Aixơlen - nước đang dẫn đầu thế giới về tiêu chí này. Ngoài ra sự phụ thuộc của ngành vào các phòng bán vé vẫn còn quá lớn.
Hiện các phòng bán vé tại đây chiếm tới 90% lợi nhuận từ đầu tư, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 30% và 70% còn lại đến từ việc bán bản quyền cho các công ty DVD, truyền hình cáp và mạng lưới truyền hình quốc gia. Ở Trung Quốc tình trạng ăn cắp nội dung và vi phạm bản quyền tràn lan đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh thu của ngành điện ảnh. Nếu giảm được sự phụ thuộc vào các phòng vé xuống mức tương tự như ở Mỹ thì thị trường điện ảnh Trung Quốc có thể tăng gấp 4 lần lên 6,66 tỷ USD.
Trong khi đó, Charles Zhang-nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Sohu.com, một cổng web lớn ở Trung Quốc, cho biết ngành công nghiệp truyền hình Trung Quốc trải qua một sự bùng nổ như các trang web video, thúc đẩy nhu cầu sản xuất các bộ phim truyền hình dài tập một cách chuyên nghiệp. Cách đây ba năm, một nhà sản xuất phim truyền hình sẽ vui mừng nếu một tập có thể bán được với giá 1.000 NDT, thì hiện một tập của một bộ phim truyền hình nổi tiếng có thể được bán với giá 1 triệu NDT/tập. Nhưng phim nhựa lại không giống truyền hình, khi chi phí cho mỗi bộ phim là rất lớn, chưa kể đến quảng cáo. Hơn nữa, sự nở rộ của các trang web video cũng góp phần thu hẹp quy mô khán giả của ngành công nghiệp điện ảnh. Các fan hâm mộ phim ảnh Trung Quốc rất dễ dàng tải về hay sao chép lậu ngay cả những bộ phim mới nhất vừa phát hành.
Phó chủ tịch hãng phim truyền hình tư nhân Huayi Brothers lớn nhất ở Trung Quốc, Hu Ming, thừa nhận hãng phải chấp nhận nạn sao chép lậu và vi phạm quyền sở hữu trong lĩnh vực điện ảnh, cũng như khả năng tình trạng này còn kéo dài ở Trung Quốc, để tìm cách đối phó nhằm có thể tồn tại được. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc và Mỹ, và các nhà làm phim Trung Quốc sẽ còn phải đối mặt lâu dài với thách thức này.
Theo Tintức