Trung quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không và hậu quả

06/12/2013 11:26

1.Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không.

Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông có hiệu lực từ 23/11/2013.

Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố (ADIZ) bao phủ không phận quần đảo Senkaku hiện Nhật Bản đang quản lý mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố hôm 23/11/2013 cũng lấn vào không phận Hàn Quốc tại phía Tây đảo Jejie, đảo Iaodo và một bãi đá ngầm Tây Nam bán đảo Triều Tiên. Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố lấn sâu vào không phận Hàn Quốc khoảng 2.300km2.

Nhà đương cục Trung Quốc yêu cầu các máy bay nước ngoài bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phải cung cấp kế hoạch bay và quốc tịch, đồng thời phải duy trì liên lạc radio hai chiều để có các phản hồi kịp thời và chính xác từ phía cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Tức là không phải xin phép, nhưng khi bay qua ADIZ máy bay nước ngoài phải khai báo đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đe dọa là “quân đội sẽ biện pháp khẩn cấp” nếu máy bay nước ngoài không đáp ứng yêu sách phi lý, phi pháp của họ (không nói rõ các biện pháp cụ thể).

Theo Tân Hoa xã (TQ), ngày 23.11.2013, Quân đội Trung Quốc đã cho hai máy bay trinh sát (có các máy bay cảnh báo sớm cùng máy bay chiến đấu tháp tùng yểm trợ) tiến hành chuyến tuần tra đầu tiên trên ADIZ được thiết lập.

Để lý giải và bảo vệ việc thiết lập ADIZ, ngày 23/11/2013, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã giải thích: 1. Vùng nhận dạng phòng không được thiết lập để cảnh báo sớm nguy cơ hàng không và nằm ngoài không phận quốc gia; 2. Vùng ADIZ được thiết lập phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế; 3. Không phận của vùng này được xác định theo nhu cầu phòng không và bảo đảm các chuyến bay ở Trung Quốc; 4. Khi máy bay nước ngoài vào vùng ADIZ không khai báo theo yêu cầu của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp dân dụng, giám sát, kiểm soát và xử lý (?); 5. Trung Quốc sẽ thiết lập thêm nhiều vùng nhận dạng phòng không nữa vào lúc thích hợp (?)!

Đó là lý sự của Trung Quốc. Thực tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, hệ thống luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế không cho phép Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên không phận của Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng, các nước khác nói chung. Vì thế dư luận thế giới bất bình và phản đối việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ một cách phi pháp.

2.Phản ứng của quốc tế.

- Ngày 26.11.2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng về thái độ của Nhật Bản. Sau cuộc họp, phát ngôn viên của Thủ tướng đã chỉ trích Trung Quốc “sử dụng vũ lực và có hành động đơn phương” nhằm thay đổi cấu trúc quyền lực trong khu vực. Tổng thư ký nội các (tương đương Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) Yoshihide Suga tuyên bố: “Cùng với cộng đồng quốc tế, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cân nhắc và có những quyết định đúng đắn”. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Akihiro Ota khẳng định tuyên bố về vùng ADIZ của Trung Quốc là “hoàn toàn vô giá trị” và kêu gọi các hãng hàng không chấp hành yêu cầu phi lý của Trung Quốc.

Ngày 25/11/2013, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc ở Tokyo để trao đổi Công hàm phản đối của Chính phủ Nhật Bản. Ngay chiều 23/11/2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cho máy bay chiến đấu bay trên biển Hoa Đông.

- Là đồng minh thân cận nhất và lớn nhất của Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ không thể làm ngơ trước đòi hỏi phi lý, phi pháp của Trung Quốc. Ngoại trưởng John Kerry ngày 23/11/2013, từ Geneva (Thụy sĩ) tuyên bố: Mỹ lo lắng sâu sắc việc Trung Quốc thiết lập ADIZ và yêu cầu Trung Quốc phải “thận trọng và kiềm chế” và “chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không tiến hành đe dọa đối với các máy bay không nhận dạng hay không tuân theo hướng dẫn phát đi từ phía Trung Quốc”. Ngoại trưởng John Kerry nhận định: quyết định ADIZ đơn phương của Trung Quốc là toan tính nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hage chỉ rõ: Hơn 70.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không công nhận vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc áp đặt phi lý và “Tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không sẽ làm thay đổi cách Mỹ triển khai các chiến dịch quân sự tại khu vực này”. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hage khẳng định; Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý nằm trong sự điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản ký 1960. Nghĩa là Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản nếu vùng này bị tấn công.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf

Không chỉ có nói miệng. Vào lúc 6 giờ sáng (giờ Bắc Kinh) ngày 26/11/2013, hai máy bay ném bom B - 52 đã cất cánh từ đảo Guam và hơn một giờ sau bay vào vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập mà không thông báo cho phía Trung Quốc (không làm theo yêu cầu của Trung Quốc).

Việc Mỹ đưa máy bay B52 vào vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố nói lên điều gì? Theo bình luận viên quân sự Trung Quốc Lý Vĩ, Mỹ muốn gửi hai thông điệp đến Trung Quốc và các đồng minh trong khu vực của Hoa Kỳ: 1.Trung Quốc chưa đủ sức áp đặt luật chơi ở khu vực này và Mỹ sẽ không chấp nhận áp đặt phi pháp của Trung Quốc; 2. Các đồng minh (Nhật, Hàn) hãy yên tâm, chưa đến lúc Trung Quốc muốn làm gì thì làm, Mỹ vẫn ở đây cơ mà!.

- Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố phản đối và chỉ trích việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không một cách phi pháp và chồng lên không phận của Hàn Quốc hơn 2.000km2. Hai hãng hàng không Hàn Quốc là korea Air và Asiana Airlineo tuyên bố sẽ không thông báo cho phía Trung Quốc biết lịch trình các chuyến bay đi qua khu vực ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố.

- Ngày 26/11/2013, Bộ Ngoại giao Australia đã triệu Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ quan điểm phản đối của Australia. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tuyên bố: “Australia mạnh mẽ phản đối mọi hành động đơn phương hoặc áp đặt nhằm thay đổi tình hình trên biển Hoa Đông”.

- Dư luận Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách “bên miệng hố chiến tranh” và đe dọa sự ổn định ở khu vực.

- Chính phủ Đức cho rằng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không “Đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang giữa nước này và Nhật Bản”. Đức là trụ cột của châu Âu mà châu Âu là đồng minh của Mỹ. Có thể vì lợi ích kinh tế và những vấn đề tế nhị khác mà các cường quốc thuộc EU (Pháp, Anh, Ý…) không công khai phản đối Trung Quốc, nhưng chắc chắn họ cho rằng việc thiết lập vùng ADIZ của Trung Quốc là hành động gây hấn với các nước trong khu vực Đông Á.

- Canada và các nước Mỹ Latinh, các nước Trung Đông, Trung Á, Nam Á, có lẽ có cùng tâm trạng như các cường quốc thuộc EU: không đồng tình, thậm chí ngầm phản đối hành động của Trung Quốc, nhưng không tuyên bố công khai.

Chiều 4/12, tại Washington DC, chỉ sau ít giờ diễn ra cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại Bắc Kinh, Phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf đã sử dụng những ngôn từ khá mạnh mẽ đối với vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập. Mỹ không công nhận vùng ADIZ này và cho rằng hành động của Trung Quốc là đơn phương, thiếu sự phối hợp, và một số yêu cầu mà Bắc Kinh đưa ra liên quan tới ADIZ không phù hợp với quy chuẩn hàng không quốc tế.

Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không chưa biết sẽ thu được lợi ích gì, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với bất bình, phản ứng và phê phán của cộng đồng quốc tế.

3. Mục đích, hậu quả và xu hướng

- Không ai biết chắc Trung Quốc muốn gì khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Các quan chức, học giả thế giới chỉ có thể phán đoán.

Mục đích trước mắt có thể là thử xem phản ứng của Nhật Bản, của Hàn Quốc, đặc biệt là của Mỹ thế nào, cũng là phép thử hiệu lực thực sự của Hiệp ước An ninh Mỹ Nhật 1960 (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật). Rộng ra là để xem phản ứng quốc tế đối với việc Trung Quốc thiết lập ADIZ.

Với mục đích này (không phải là mục đích chính) thì họ (TQ) đã đạt được: Trung Quốc thấy rõ sự phản ứng của Nhật, Hàn, Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Có lẽ, mục đích chính là chuẩn bị bước đầu cho việc tạo cớ vu cáo Nhật Bản xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc từ đó tiến hành các hành động quân sự (hạn chế) để hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sẽ không có chiến tranh lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Có thể Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật đánh chớp nhoáng làm chủ Senkaku/Điếu Ngư, đặt chuyện đã rồi mà Mỹ, Nhật Bản không kịp trở tay, sau đó mọi chuyện trở lại “bình thường”!

Tất nhiên các hành động quân sự để chiếm Senkaku/Điếu Ngư sẽ diễn ra vào lúc nào, diễn ra như thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong nước, ngoài nước.

Xét trên mọi phương diện, nhất là trên lĩnh vực đối ngoại, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không chồng lên không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm mất uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Nói chung, dư luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đã gây hấn với các nước láng giềng và chắc chắn lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương “phát triển hòa bình” của Trung Quốc bị suy giảm, thậm chí mất lòng tin đối với Trung Quốc.

Đây là hậu quả lớn nhất, là tổn thất lớn nhất của Trung Quốc sau vụ viêc này. Thông thường, vượt qua khủng hoảng kinh tế không khó bằng vượt qua khủng hoảng lòng tin. Với việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không phi pháp, Trung Quốc đã bắt đầu rơi vào khủng hoảng niềm tin của cộng đồng quốc tế. Đó là hậu quả, là cái giá đắt mà Trung Quốc phải trả cho hành động gây hấn của mình.

- Diễn biến tiếp theo sẽ thế nào?

Có ba kịch bản có thể xảy ra:

Một là, Trung Quốc rút lại việc quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không hoặc thu hẹp để không chồng lên không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì lòng tự trọng và danh dự của “Thiên triều”, lệnh vua đã ban không thể rút lại, Trung Quốc sẽ không từ bỏ vùng nhận dạng phòng không đã tuyên bố.

Hai là, Hệ thống rada của Trung Quốc hoạt động liên tục, máy bay trình sát, máy bay cảnh báo sớm, kể cả máy bay chiến đấu, vẫn bay giám sát, cảnh giới không thường xuyên liên tục (thực ra Trung Quốc cũng không đủ khả năng để thực hiện việc giám sát 24/24h), và sẽ có cảnh cáo các máy bay nước ngoài bay vào vùng ADIZ mà không thực hiện yêu cầu của nhà đương cục Trung Quốc, nhưng không đe dọa, không nổ súng.

Có thể xem đây là kịch bản tối ưu và có lợi nhất cho Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Với kịch bản này, sẽ không ai thắng, mà cũng không ai thua, lại giữ được thể diện nước lớn.

Ba là, Trung Quốc sẽ có các hành động cưỡng chế, thậm chí nổ súng, phóng tên lửa vào các máy bay nước ngoài khi bay trong vùng ADIZ mà không làm theo yêu cầu của nhà đương cục Trung Quốc. Xung đột quân sự sẽ xảy ra.

Nếu kịch bản này xảy ra, có thể Trung Quốc sẽ thắng tiểu trận nhưng thua đại trận, được một đĩa nhưng mất cả mâm! Bắn hạ một số máy bay trong vùng ADIZ là một việc không khó và thu được cái “oai phong”, cái sức mạnh cơ bắp của nước lớn, qua đó gửi thông điệp đến các nước hãy coi chừng! Cái mất lớn nhất và khó lấy lại nhất là cộng đồng quốc tế không tin Trung Quốc phát triển hòa bình.

Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc chưa đủ sức đương đầu với Mỹ, làm sao mà đương đầu với cả cộng đồng quốc tế! Thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc đủ thông minh và bản lĩnh chính trị để kiềm chế và không xảy ra kịch bản thứ ba. Tất nhiên, đối với Trung Quốc, mọi điều vẫn có thể xảy ra, kể cả những điều tồi tệ nhất. Đây chỉ là dự báo. Cần theo sát tình hình, cập nhật thông tin để tránh bị động bất ngờ.

Lê Văn Cương

Mới nhất

x
Trung quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không và hậu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO