Trung Quốc 'vung tiền' để tìm miền đất hứa tại Hy Lạp
(Baonghean) - Chỉ vài ngày sau Hội chợ Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp lại Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis lần thứ hai trong chuyến công du kéo dài 3 ngày đến quốc gia châu Âu từ ngày 10 - 12/11.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến Hy Lạp trong 11 năm qua. Những cuộc gặp và chuyến thăm con thoi giữa lãnh đạo 2 nước dường như đang báo hiệu những bước phát triển mạnh mẽ giữa Bắc Kinh và Athens, trong bối cảnh cả hai đều tìm thấy những lợi ích chiến lược từ đối phương!
Kẻ có tiền - người có đất
Chẳng phải ngẫu nhiên mà báo chí Hy Lạp những ngày qua đã không tiếc lời kỳ vọng về những bước phát triển đột phá, những “cơn sốt thỏa thuận” giữa 2 nước trong chuyến công du Trung Quốc lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhìn lại ngay trong cuộc gặp tại hội chợ diễn ra ở Thượng Hải vừa qua, dư luận hẳn còn nhớ một đề xuất đáng chú ý của ông Tập Cận Bình, đó là ý tưởng biến Hy Lạp trở thành một “trung tâm hậu cần” có nhiệm vụ xử lý lượng hàng hóa của Trung Quốc đang hàng ngày, hàng giờ xuất khẩu sang châu Âu. Bởi thế, dự kiến trong chuyến công du lần này, Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm cảng Piraeus - cảng biển nằm trên biển Địa Trung Hải thuộc sở hữu của Hy Lạp nhưng do phía Trung Quốc điều hành, quản lý. Đồng thời, ông Tập Cận Bình cũng sẽ chứng kiến việc Ngân hàng Trung Quốc mở một chi nhánh tại Athens - một bước đi quan trọng để tạo thuận lợi cho lộ trình thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào Hy Lạp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đang có chuyến thăm Hy Lạp lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua. Ảnh: Xinhua |
Trong khi đó với Hy Lạp, Thủ tướng Mitsotakis vốn vừa đắc cử hồi tháng 7 vừa qua, đã đặt ra mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm đầu tư nước ngoài, một nền kinh tế đứng đầu về xuất khẩu trong khu vực. Rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đang trong tình cảnh lao đao sau nhiều năm khủng hoảng, mục tiêu này chỉ có thể thành hiện thực nếu Hy Lạp tìm kiếm được những nguồn hỗ trợ tài chính khổng lồ. Và ai cũng hiểu, Bắc Kinh là một đối tác luôn sẵn sàng mang tiền để hỗ trợ cũng như đánh đổi các mục tiêu chiến lược của nước này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã không ngần ngại khẳng định rằng, quan hệ với Trung Quốc là một ưu tiên đối với nước này và ngược lại. Theo ông Dendias, trong những giai đoạn khó khăn nhất khi Athens khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh vẫn không ngại rủi ro đầu tư vào nước này. Dự kiến trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ tiếp tục ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, vận tải biển và năng lượng…
Riêng các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ euro vào lĩnh vực bất động sản của Hy Lạp.
Thực tế chưa cần đến chuyến công du lần này, thời gian qua, dư luận đã chứng kiến sự bùng nổ các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc tại Hy Lạp. Nguyên nhân là do chương trình “Thị thực vàng” Hy Lạp ra mắt năm 2013 đã tạo điều kiện không thể dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ cần đầu tư khoảng 275.000 USD vào bất động sản, các nhà đầu tư đã có được thị thực vàng và cứ gia hạn 5 năm một lần với điều kiện còn sở hữu bất động sản. Và sau 7 năm đầu tư và sinh sống, các nhà đầu tư có thể sở hữu quốc tịch Hy Lạp, trở thành một công dân châu Âu.
Vì thế, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, chương trình “Thị thực vàng” đã kích thích thị trường nhà đất vốn ảm đạm của nước này nhiều năm qua. Đến nay, riêng các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ euro vào lĩnh vực bất động sản của Hy Lạp. Thậm chí, các “khu phố Tàu” cũng đã xuất hiện tại Hy Lạp ngay tại thủ đô Athens và một số vùng ngoại ô lân cận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Hội chợ Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc hôm 4/11/2019. Ảnh: Xinhua |
EU, Mỹ bồn chồn
Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis nhấn mạnh, Athens tăng cường hợp tác với Trung Quốc, tìm kiếm các lợi ích về kinh tế nhưng sẽ không làm đảo lộn hay làm ảnh hưởng đến quan hệ với các đồng minh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông Mitsotakis cũng trấn an các đồng minh phương Tây rằng, Hy Lạp rất biết những tính toán của Trung Quốc cũng như hiểu sự lo lắng của các nước châu Âu. Và rằng, chính quyền Hy Lạp sẽ biết cách để cân bằng việc hợp tác về kinh tế - thương mại với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng kiểm soát việc Bắc Kinh thúc đẩy lợi ích địa chiến lược khác tại Đông Âu.
Thế nhưng, có vẻ như Liên minh châu Âu và Mỹ lo lắng là không thừa khi Trung Quốc bất ngờ bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến đồng minh Hy Lạp. Đặc biệt là khi Bắc Kinh sẵn lòng mở cửa để Athens tham gia sâu rộng và có vai trò hơn nữa trong cơ chế hợp tác 17+1 do Bắc Kinh khởi xướng và dẫn đầu gồm các nước Đông và Đông Nam Âu, gồm cả các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU). Cần nhắc lại, Hy Lạp đã chính thức tham gia cơ chế này từ đầu năm nay với sự động viên không ngừng của Trung Quốc. Cũng bởi, nhiều quốc gia khác trong khu vực vốn lại chưa mặn mà với cơ chế này do chưa nhìn thấy những lợi ích và tiềm năng lớn về kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo rằng, nếu không cẩn trọng, Hy Lạp có thể sẽ dính vào “bẫy nợ” do Trung Quốc đặt ra.
Mặc dù vậy, giới chức EU vẫn cáo buộc rằng, sáng kiến của Trung Quốc đang nhằm mục tiêu chia rẽ nội khối, làm ảnh hưởng đến tiến trình đoàn kết của khối này. Chưa hết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo rằng, nếu không cẩn trọng, Hy Lạp có thể sẽ dính vào “bẫy nợ” do Trung Quốc đặt ra. Đây chẳng phải là chiến lược mới, khi Bắc Kinh đã “rải tiền” ở nhiều nơi, sử dụng các điều khoản về kinh tế để ép các nước đối tác nhận hỗ trợ phải tham gia các thỏa thuận cho lợi cho Trung Quốc.
Cảng Piraeus - cảng bận rộn bậc nhất của Hy Lạp tại Địa Trung Hải hiện phần lớn nằm dưới quyền kiểm soát, điều hành của Tập đoàn Cosco, Trung Quốc. Ảnh: New York Times |
Điển hình là cho đến nay, Hy Lạp mới chỉ nhận được chưa tới 1% tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu, nhưng đổi lại là việc để phía Bắc Kinh kiểm soát và mở rộng cảng biển Piraeus quan trọng hàng đầu tại Địa Trung Hải. Đến tháng 10 vừa qua, Athens đã phê duyệt và thông qua 2/3 kế hoạch mở rộng cảng với các khoản đầu tư trị giá 670 triệu USD vào các dự án bao gồm 1 cảng du lịch mới, 4 khách sạn và cả 1 nhà ga ô tô. Mặc dù 1/3 kế hoạch mở rộng còn đang được xem xét nhưng dự kiến cũng sẽ có những gợi mở để thông qua trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bất chấp những lo ngại của các đồng minh, về phần mình, Thủ tướng Mitsotakis lại coi những thỏa thuận với Bắc Kinh là một nền tảng và chỗ dựa quan trọng để Hy Lạp gia tăng vị thế và tiếng nói trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Âu và Tây Balkan. Cần nhắc lại, Hy Lạp cũng đã ký kết dự án “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Trước những lợi ích kinh tế khổng lồ mà Trung Quốc mang lại, thậm chí Hy Lạp còn cảnh báo, những quan ngại của EU không được làm tổn hại đến các thỏa thuận hợp tác giữa nước này với Bắc Kinh. Trong bối cảnh như vậy, vừa giữ gìn quan hệ đồng minh với châu Âu vừa hợp tác một cách cân bằng với Bắc Kinh, chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ với Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis khi Chủ tịch Trung Quốc ghé thăm lần này!