Trung Quốc xả gấp đôi lượng nước thông thường xuống Mekong
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, phía Trung Quốc đã chấp thuận xả gấp đôi lượng nước xuống lưu vực sông Mekong so với cùng kỳ hàng năm.
Ông Lê Hải Bình. Ảnh Zing |
Ông Lê Hải Bình cho biết thông qua kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam nhằm khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. "Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 16/3, Đại diện Bộ thủy lợi Trung Quốc đã gặp đại diện Đại sứ quán Việt Nam, thông báo lưu lượng nước xả đạt 2.190 m3/s, tăng gấp đôi so với trung bình các năm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/3.
Người phát ngôn cho hay, cơ quan chức năng đã tính toán kỹ lưỡng nhằm đưa ra đề nghị phù hợp nhất, giúp khắc phục tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đánh giá chính thức về tác động từ hoạt động xả nước của Trung Quốc cần được các cơ quan chức năng liên quan đánh giá để có thể công bố cụ thể và chi tiết hơn.
"Hiện tại, Bộ Ngoại giao đang tích cực trao đổi với Trung Quốc và các nước sông Mekong chảy qua để sử dụng tốt nguồn nước, đảm bảo lợi ích của các quốc gia liên quan cũng như người dân sống trong khu vực này", ông Lê Hải Bình nói.
Trước việc truyền thông Campuchia và Singapore cho biết Thái Lan đang hút lượng nước lớn ở Mekong để đưa vào hồ chứa cũng như xây thêm các hồ trữ nước để phục vụ nông nghiệp, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam nhiều lần nêu lập trường về sử dụng nguồn nước sông Mekong. Chúng tôi cho rằng, các nước liên quan phải có trách nhiệm với nguồn nước, đảm bảo các công trình thủy điện, thủy lợi không làm ảnh hưởng tới môi trường dòng sông cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và người dân sống trong khu vực".
Trong cuộc họp của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong tại Cần Thơ từ ngày 15 đến 17/3, Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước thông tin về việc làm của Thái Lan cũng như đề nghị nước bạn sớm cung cấp thông tin. Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong bao gồm các thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar từ chối tham gia Ủy hội trong vai trò thành viên mà chỉ dừng lại ở mức đối tác.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, cho biết nước này bắt đầu xả lũ ở đập Thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 và quá trình kéo dài đến ngày 10/4. Qua đó, "Trung Quốc hy vọng sẽ giúp khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam".
Đập thủy điện Cảnh Hồng ( Trung Quốc) |
Trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở miền Tây. Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan.
Đây là đợt thiên tai khốc liệt, hạn hán nghiêm trọng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng cao hơn 10-20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mekong về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20-40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Theo Zing