Trung Sơn năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng
(Baonghean) - Về xã Trung Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) mùa này, lúa chín vàng rộ khắp các cánh đồng. Dưa hấu đã qua mùa thu hoạch lớn, diện tích dưa mới giờ đang được bà con tập trung chăm bón, số diện tích sớm hơn bắt đầu những quả bói đầu. Mênh mông cánh đồng dưa chuột quả nặng trĩu… Mấy năm gần đây Trung Sơn đã có bước phát triển bền vững nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Chị Nguyễn Thị Hải (xóm 7, Trung Sơn) không giấu nổi nỗi niềm phấn khởi vì một mùa lúa bội thu, hiện chị đang dành thời gian chăm sóc cánh đồng 2 ha dưa hấu, bí, dưa chuột, mướp đắng. Chị cho hay, số diện tích này trước đây canh tác mỗi năm 2 vụ lúa xuân và lúa hè. Từ năm 2006, gia đình chị chuyển đổi 2ha này canh tác theo chu kỳ gặt lúa thì làm dưa hấu, thu hoạch xong trồng dưa chuột, trồng bí, mướp đắng. Nhờ vậy có thu hoạch quanh năm, dưa hấu đã góp phần tăng thu nhập. Chị tính, nếu trừ các chi phí thì chuyển sang trồng dưa và hoa màu hiệu quả kinh tế tăng gấp 5 lần so với làm lúa trước đó.
Dưa hấu Trung Sơn hứu hẹn vụ mùa lớn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Quyền (Trưởng Ban Khuyến nông xã), cho hay: quỹ đất Trung Sơn có trên 220 ha (chiếm tỷ lệ 2/3 diện tích đất tự nhiên) được dùng trong canh tác nông nghiệp. Trong đó có 60 ha đất màu, 120 ha đất hai lúa, còn lại rất ít diện tích đất sâu trũng. Chất đất thuộc loại cát pha, đầu xã mang tính thịt nhẹ, phù hợp với cây trồng chuyển đổi. Bên cạnh đó Trung Sơn hoàn toàn chủ động được nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp nhờ vào hệ thống 2 trạm bơm ở hai đầu xã là trạm số 1 ở Tiên Cung và trạm số 2 ở Đồng Côi, hai trạm bơm này đảm bảo nguồn nước tưới từ sông Lam phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trên 2800 lao động thuần nông trên địa bàn xã rất có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tuy nhiên, khó khăn của Trung Sơn là sự không đồng đều trong việc bố trí và ổn đinh tổ chức sản xuất từ trước tới nay. Cụ thể tại những vùng đủ điều kiện canh tác cây trồng chuyển đổi như đất đai, thuỷ lợi, trình độ kỹ thuật thâm canh cây trồng như xóm 1, 2, 4, 5, 6, 7 thì không có nhân lực lao động làm, hay tại các xóm còn lại có nhân lực thì điều kiện canh tác cây trồng không đảm bảo. Đất đai ở đây được bàn giao cho từng hộ theo tinh thần nghị định 02/CP, đi vào thực tế khó cho việc quy tụ các cánh đồng để tập trung đầu tư và thâm canh sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hải đang chăm sóc cánh đồng thu nhập cao của mình
Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn này, từ năm 2005 Trung Sơn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây dưa hấu. Đảng uỷ xã đưa vào Nghị quyết đại hội đảng bộ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng là khâu mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Chính quyền xã cử người đi học các mô hình có thu nhập cao trong và ngoài tỉnh. Theo đó, xã có những chính sách hỗ trợ bà con nông dân từ 3 đến 5 triệu đồng/ha chuyển đổi mới dưa từ lúa. Cùng với đó, bố trí công thức canh tác để phát huy hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Sáu năm thực hiện chuyển đổi, hiện có tất cả 6/8 xóm trên địa bàn Trung Sơn đã hình thành được cánh đồng thu nhập cao về dưa hấu với quy mô diện tích ổn định trên 40 ha. Theo tính từ khi bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bình quân thu nhập của người nông dân đạt từ 60-220 triệu đồng/ha chuyển đổi, lãi ròng trên 60 triệu đồng/ha cây trồng thu nhập cao. Nhờ thực hiện chuyển đổi đúng hướng, phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bình quân thu nhập theo đầu người của bà con nông dân Trung Sơn được nâng lên từ 12 triệu đồng (năm 2005) đến nay đạt 17 triệu đồng/người/năm. Sự chuyển biến đó đã đưa Trung Sơn vào tốp một trong những xã có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất huyện Đô Lương trong nhiệm kỳ qua.
Lương Mai