Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An gặp khó trong đào tạo nghệ sĩ kế cận
Với độ tuổi trung bình ngoài 40, việc bổ sung nhân sự là những nghệ sĩ trẻ hội đủ thanh sắc đang là yêu cầu bức thiết đối với Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh Nghệ An. Thế nhưng vì nhiều lý do, hàng chục năm nay, công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực trẻ đang gặp khó.
Cần gương mặt mới, trẻ
Trong buổi báo cáo chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” phục vụ sự kiện chính trị, phục vụ nhân dân trong năm 2025, rất nhiều nghệ sĩ thuộc trung tâm đã đảm nhiệm nhiều vai trò từ hát đối ca, hợp ca lại vừa múa phụ họa. Họ đã thể hiện xuất sắc những vị trí mình đảm nhiệm. Chương trình cũng đã để lại nhiều dư vị khó quên về sự đổi mới sáng tạo trong các ca khúc, tổ hợp dân ca, nhận được nhiều phản hồi tích cực của Hội đồng nghệ thuật. Khán giả đến xem cũng thấy nức lòng vì nhiều cảnh trí bắt mắt, nhiều màn dàn dựng công phu của tập thể anh chị em Trung tâm.
.jpg)
Thế nhưng đây đó vẫn có nhiều ý kiến chưa thỏa mãn, đó là thiếu sự tươi mới, là nét hấp dẫn đến từ diễn viên tham gia. Trong các tiết mục như “Bình minh chốn làng quê”, “Nhớ tiếng mõ trâu” hay “Hội làng”, hay các phần múa phụ họa của các tiết mục đối ca, giá như có thêm lực lượng trẻ, có thêm vài gương mặt mới chắc hẳn chương trình sẽ tăng phần hấp dẫn lên bội phần.
.jpg)
Lại nhớ có lần Trung tâm phối hợp với đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh dựng vở diễn lên án về tệ nạn buôn bán người có tên “Món hàng tội lỗi”, trong vở diễn có nhân vật nữ là học sinh bị bọn buôn người lừa đảo bán qua biên giới. Nhân vật nữ sinh này chỉ vào độ tuổi 14 – 15, nhưng trung tâm không tìm đâu ra người trẻ để có thể đảm nhận vai diễn này. Và thế là nghệ sĩ nữ sinh năm 1978 của đoàn phải đảm đương. Dù vai diễn lột tả xuất sắc tâm lý nhân vật, nhưng người xem và cả ê kíp chương trình vẫn cảm thấy hơi tiếc nuối vì nhân vật nữ không đạt được “độ trẻ” theo yêu cầu kịch bản.
Khi nhận xét vở diễn đạo diễn Bùi Như Lai nói rằng: “Tôi muốn nhân vật nữ phải trẻ được tầm 10 tuổi nữa nhưng cả Trung tâm không có ai đạt được độ tuổi đó, để phù hợp vai diễn”.

NSND Minh Tuệ - diễn viên gạo cội của Trung tâm, từng tham gia những vở diễn nức tiếng một thời cho biết: Hiện nay, diễn viên trẻ nhất của kịch hát dân ca tại đơn vị là 38 tuổi (cũng chỉ có 3 người), còn lại là 42 tuổi trở lên... Vì thế, lâu nay các vở kịch hát của trung tâm chỉ có những diễn viên ở độ tuổi 40 mà phải vào vai những cô gái, chàng trai xuân sắc ở độ mười tám, đôi mươi trong các vở kịch hát. Thế nên hiệu ứng vở diễn tất nhiên rất khó đạt như mong muốn.
.jpg)
NSND Minh Tuệ cũng bày tỏ, những năm 80, 90 và những năm đầu thế kỷ XXI, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh luôn là đối thủ đáng gờm của các nhà hát trên địa bàn toàn quốc. Bởi trung tâm từng sở hữu những gương mặt thanh sắc và tài năng. Thế nhưng đã từ rất lâu trung tâm không tuyển được gương mặt trẻ nào. Không phải thiếu đội ngũ trẻ tài năng, thế nhưng các em không mặn mà với sân khấu chuyên nghiệp. “Ngày xưa khi chúng tôi về các miền quê để tuyển sinh thì có rất đông thí sinh đến dự tuyển và trong số đó có không ít những hạt nhân được tuyển. Thế nhưng sau này chúng tôi không tuyển được ai nữa vì các em có năng khiếu đa phần tham gia vào các trường tuyển dụng giáo viên mầm non hoặc những ngành nghề khác chứ không theo đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp”, NSND Minh Tuệ cho biết.

Theo thông tin từ các nghệ sĩ gạo cội của Trung tâm, từ lâu chế độ lương thưởng đối với diễn viên, ca sĩ quá thấp. Một buổi công tập của diễn viên chỉ từ 60 - 80 ngàn đồng, diễn viên chính cũng chỉ được 200 ngàn đồng, nhưng lại không được quá 5 diễn viên chính. Bên cạnh đó, nhiều diễn viên vào trung tâm đã lâu, có tài sắc vẹn toàn nhưng vẫn chưa được biên chế. Trung tâm có tới 6 diễn viên được phong NSƯT, nhưng trong đó có tới 4 NSƯT vẫn chỉ được hưởng lương diễn viên hạng 4. Thế nên việc thu hút các tài năng trẻ hoặc những học sinh, sinh viên có năng khiếu vào đoàn rất khó.
Nhạc sĩ Quốc Chung – Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực đặc thù về năng khiếu, tuổi nghề ngắn, thời gian đào tạo dài và rất tốn kém, có nhiều chuyên ngành đào tạo từ 12 tuổi và tham gia biểu diễn từ 16 tuổi, trong khi chưa có chính sách đặc thù về tuổi nghỉ hưu cho lĩnh vực này. Với nữ khoảng 40 tuổi, nam khoảng 45 tuổi đã bắt đầu sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Như vậy, việc không có được cơ chế, chính sách đặc thù cho nghề thì không thể được phép tuyển dụng đội ngũ trẻ chứ chưa nói đến thu hút.
Đề xuất cơ chế
Thời gian gần đây công tác đào tạo để nâng cao trình độ cho nghệ sĩ đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ theo Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, nhưng cuối năm 2025 nghị quyết này cũng hết hiệu lực. Theo mức hỗ trợ cũng mới chỉ được một phần kinh phí nhỏ so với chi phí tham gia một lớp đại học hệ vừa làm, vừa học. Bên cạnh đó, lực lượng nghệ sĩ tại đơn vị đang thiếu trầm trọng nên theo Ban Giám đốc Trung tâm nếu cử diễn viên đi học sẽ không đủ nhân lực để đơn vị thực hiện kế hoạch chuyên môn.
Nhạc sĩ Quốc Chung cũng tiếc nuối khi kể lại rằng, năm 2015, trung tâm từng phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật để mở 4 lớp, mỗi lớp đào tạo 15 học viên dân ca, kịch hát. Thế nhưng đến nay không giữ được người nào ở lại hoạt động tại đơn vị.
“Nếu như cơ chế về nhân sự vẫn giữ nguyên như hiện nay, khoảng 5 năm sau ở sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể sẽ không thể đáp ứng để xây dựng các chương trình nghệ thuật đảm bảo chất lượng chuyên môn cao. Ở mảng sân khấu kịch hát dân ca ví, giặm nếu như trong 1-2 năm tới không có cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực thì 5 năm sau bộ môn này sẽ không thể tồn tại vì không có nhân lực để hoạt động”, nhạc sĩ Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm cho hay.
Hiện Trung tâm có 58 diễn viên ca, múa, kịch hát và nhạc công. Trong đó đoàn ví, giặm có 21 diễn viên kịch hát, 8 nhạc công. Đoàn ca múa nhạc dân tộc có 9 diễn viên ca, 13 diễn viên múa, 7 nhạc công. Dù nhìn vào tổng số thì không phải là thiếu, nhưng nếu nhìn vào độ tuổi trung bình thì đó là con số đáng báo động. Lực lượng diễn viên đã nhiều người suýt soát hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Nhiều bạn trẻ có năng lực đủ đam mê làm nghề thì bằng cấp lại không đảm bảo (chỉ có trình độ trung cấp hoặc học truyền nghề). Nếu hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn lại trái quy định.
Để có hướng mở trong việc đào tạo đội ngũ kế cận cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Nhạc sĩ Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm đề xuất: “Trước mắt chúng tôi mong muốn được tuyển dụng đủ số lượng so với chỉ tiêu biên chế được giao; Được phép sử dụng 10 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền lương cho số lao động hợp đồng này; Được hỗ trợ kinh phí đào tạo tạo nguồn tại chỗ để tuyển chọn lực lượng kế cận gửi đào tạo các cơ sở đào tạo chính quy”.
Bên cạnh đó, đoàn cũng cần cơ chế cho việc xã hội hóa nguồn nhân lực trong các chương trình quan trọng phục vụ sự kiện chính trị, phục vụ nhân dân trong các ngày lễ lớn, nhằm trẻ hóa đội ngũ.
Về vấn đề này trong một cuộc họp, đại diện Sở Văn hoá và Thể thao cho biết: “Sở cũng đã có những kiến nghị đề xuất đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội trong việc điều chỉnh một số quy định trong việc tuyển dụng, thu hút nhân lực đầu quân cho đơn vị đặc thù là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Có như vậy mới mong có đội ngũ trẻ kế cận, mới có những diễn viên trẻ tài năng cho các lĩnh vực nghệ thuật thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh”.