Trưởng Ban Nội chính Trung ương: 'Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao như vừa qua'
Sự quyết tâm, quyết liệt đó thể hiện thời gian vừa qua đã kiên quyết xử lý 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 37 cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo Trung ương) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Kết quả trên đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nhân dịp này, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung này.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. |
P.V: Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến rất mạnh, đạt được những kết quả toàn diện, đồng bộ và như Tổng Bí thư đã khẳng định đã trở thành phong trào, xu thế. Theo ông, đâu là yếu tố để có những kết quả như vậy?
Ông Phan Đình Trạc: Để đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai là sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành.
Thứ ba là sự nỗ lực cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương.
Thứ tư là sự kế thừa, tiếp nối của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.
Thứ năm là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tôi xin nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo, của nhân dân, báo chí. Sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó là vai trò to lớn của nhân dân, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của nhân dân, không có gì mà nhân dân không biết, không có gì có thể qua mắt được nhân dân. Sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi” làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy.
P.V: Có ý kiến cho rằng, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Phan Đình Trạc: Đó là một bài học rất quý và chúng ta rút ra trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua. Sự quyết tâm, quyết liệt ấy của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo.
Sự quyết tâm, quyết liệt đó thể hiện ở thời gian vừa qua, chúng ta đã kiên quyết xử lý 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 37 cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang và cán bộ đương chức, cán bộ nghỉ hưu.
Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao như vừa qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, rất đau xót khi xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ cho nên buộc phải làm. Và đây là quyết tâm rất lớn của Tổng Bí thư, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước vừa qua trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.
P.V: Trong công tác này cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của nhiều cơ quan, Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo như thế nào để góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thời gian qua, thưa ông?
Ông Phan Đình Trạc: Thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan Thường trực, cơ quan tham mưu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để làm các việc chính.
Một là, chủ động tham mưu, đề xuất và đôn đốc, giám sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo chọn những việc khó, những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều vướng mắc, những lĩnh vực trọng tâm, đột phá để tập trung chỉ đạo.
Hai là, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đi kiểm tra ở các lĩnh vực trọng điểm.
Ba là, tham mưu nhiều cơ chế để nâng cao hiệu quả chỉ đạo công tác phối hợp của Ban Chỉ đạo, ví dụ như cơ chế đưa vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; cơ chế chỉ đạo 5 bước của Ban Chỉ đạo đối với các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn, vướng mắc và cơ chế phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Bốn là, Ban Nội chính đã chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Năm là, với vai trò là cơ quan thường trực, chúng tôi phối hợp, điều hòa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao hiệu quả hơn nữa cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.
P.V: Sắp tới, công tác phối hợp giữa các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào để khắc phục tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, thưa ông?
Ông Phan Đình Trạc: Trong thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo nhiều cơ chế chỉ đạo phối hợp như đã trình bày ở trên; kịp thời theo dõi, giám sát, điều hòa phối hợp, đôn đốc việc thực hiện đúng các cơ chế đó theo quy định đã ban hành và đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Cụ thể là phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ với nhau. Trong thực thi nhiệm vụ phải hết sức gương mẫu, phối hợp rất chặt chẽ, công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh và đặc biệt là với động cơ rất trong sạch. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các cơ quan ngồi với nhau để bàn bạc, trao đổi, thảo luận trên tinh thần đồng chí anh em và trên cơ sở quy định của pháp luật, quy định của Đảng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, "quyền anh, quyền tôi", “cua cậy càng, cá cậy vây”.
Đây là tư tưởng chỉ đạo, là quan điểm chỉ đạo và cũng là phương châm hành động của sự phối hợp giữa Ban Nội chính với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
PV:Xin cảm ơn ông./.