Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không thay xe, sửa văn phòng khi lên chức cũng là nêu gương

Hà Thanh 24/11/2018 09:15

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc nhỏ mà nêu gương cũng có tác động lớn. Lối sống giản dị, không thay xe, sửa văn phòng khi được đề bạt cũng là nêu gương.

Ngày 23/11/2018, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng.

Ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu, quán triệt Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu, quán triệt Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương.

Một ý nghĩa quan trọng của Quy định là tạo sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Quy định lần này nhấn mạnh, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm, trách nhiệm, chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực, uy tín thực hiện nhiệm vụ.

Dẫn ví dụ ở cơ quan, một hành động dù nhỏ của người đứng đầu như quan sát tắt điện, nước, cửa… trước khi ra về cũng thể hiện sự nêu gương. Hành động rất nhỏ nhưng tác động lớn. Việc nhỏ nếu biết nêu gương thì sẽ nêu gương ở những việc lớn, khi đó, sức ảnh hưởng càng lớn.

“Việc nêu gương cũng thể hiện ở lối sống giản dị, tiết kiệm. Không thay đổi xe, sửa sang văn phòng khi được đề bạt. Hay như trước đây trong chiến tranh, cấp trên nhường áo may ô, nhường cá khô, lốp xe… cho cấp dưới. Những hành động rất đơn giản, bình dị, nhưng thể hiện sự nêu gương rất sâu sắc của lãnh đạo với cấp dưới”, ông Phạm Minh Chính dẫn chứng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, trong quy định nêu gương lần này, Trung ương yêu cầu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc có hại cho dân phải hết sức tránh; lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; chủ động hành động quyết liệt, mạnh mẽ không đắn đo, do dự trong khi chỉ đạo triển khai những công việc vì lợi ích chung, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân. Quy định nêu gương lần này là cụ thể hóa Cương lĩnh và Hiến pháp của ta về mối quan hệ của Đảng với nhân dân.

Quy định 08 cũng nhấn mạnh về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương trong phong cách lãnh đạo, hạt nhân đoàn kết, sự tâm huyết, tận tụy, sáng tạo, đổi mới, phân cấp phân quyền, kiểm soát quyền lực, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, vì công việc chung, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Với vai trò là người đứng đầu các địa phương, cơ quan đơn vị, lãnh đạo cấp cao phải có trách nhiệm xây dựng củng cố sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.

Ông Chính chia sẻ, trong thực tế, nếu đoàn kết thì kết quả không được lúc này cũng được lúc khác, không được người này thì được người khác, không được ít thì được nhiều, nhưng mất đoàn kết là mất tất cả. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là then chốt của thành công, các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho biết, việc thực hiện Quy định nêu gương sẽ được gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ.

Quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay. Thực hiện trách nhiệm nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của các đồng chí Ủy viên Trung ương đối với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Đồng thời, thực hiện tốt Quy định nêu gương là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp sống văn hóa của đảng viên trong hệ thống chính trị./.

Theo vov.vn
Copy Link
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không thay xe, sửa văn phòng khi lên chức cũng là nêu gương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO