Truông Bồn xanh những tri ân
(Baonghean) - Đã chẳng thể nhớ rõ bao lần về với Truông Bồn trong ngày cuối tháng Mười tưởng niệm? Vậy mà mỗi dịp trở lại, vẫn cứ ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi mảnh đất một thời được mệnh danh là “túi bom”, “tọa độ lửa”. Có một “Truông Bồn đỏ” trong sử vàng dân tộc, gắn liền với chiến công, sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sỹ TNXP, thì sau hơn nửa thế kỷ, đã hiện hữu một “Truông Bồn xanh” trong những tri ân.
Toàn cảnh khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Thành Cường |
Kiến thiết "xanh" bên chứng tích hố bom
Ngay cạnh bên khu mộ chung của 13 anh hùng liệt sỹ TNXP Truông Bồn, có những chiếc hố bom không được san lấp. Những hố bom sâu hoắm, khoét nham nhở vào lòng đất nâu, im lìm qua nắng, qua mưa, như chứng tích vô thanh mà dữ dội. Sự tồn tại của chúng chẳng phải là một điều vô ý, mà trái lại, là dụng tâm của những người kiến thiết khu di tích lịch sử này, nhằm gửi gắm thông điệp về sự khốc liệt của chiến tranh, sự hiểm nguy nơi “tọa độ lửa” Truông Bồn.
Những năm gần đây, xung quanh chứng tích hố bom ấy xuất hiện nhiều hàng cây cao vút. Sắc xanh tàng cây dần phủ bóng xuống lòng hố bom nâu thẫm, sự “quy hoạch” tưởng chừng như đối lập, thật ra lại chính là một điều hữu ý nữa mà khi trò chuyện với các cán bộ, nhân viên nơi đây, càng thêm thấm thía những trăn trở dựng xây.
Du khách tham quan hệ thống cây xanh tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Phước Anh |
Anh Trần Tuấn Anh - cán bộ phụ trách cây xanh tại Khu di tích Truông Bồn cho biết, hiện trên tổng diện tích hơn 210.000 m2 khu di tích có khoảng gần 800 cây to các loài, chưa tính các loài cây, bồn hoa nhỏ khác.
“Quá trình kiến thiết các hạng mục cho khu di tích, chủ đầu tư và ban quản lý đều hướng tới hài hòa mục đích vừa lưu giữ chứng tích lịch sử, vừa tạo không gian xanh để nơi đây không chỉ là điểm đến tri ân, uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là nơi chốn tham quan, thu hút khách du lịch.” - anh Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Việc kiến tạo không gian xanh tại khu di tích lịch sử Truông Bồn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngày 20/5/2015, Tỉnh ủy Nghệ An có Công văn số 4279 về việc phát động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, với ý nghĩa cao đẹp nhớ ơn Bác Hồ và các liệt sỹ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Hưởng ứng chủ trương này, suốt 4 năm nay, hàng trăm tổ chức, cá nhân… đã đồng lòng, góp sức phủ xanh “tọa độ lửa” Truông Bồn bằng những loài cây xanh hiếm, quý. Không chỉ trong tỉnh, chủ trương đúng đắn ấy còn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo nhân dân ngoại tỉnh. Và vượt lên tất thảy những định kiến, nghi ngại về hoạt động trồng cây theo “phong trào”, gần 800 cây xanh sừng sững sinh trưởng ở Truông Bồn hôm nay đã minh chứng rõ nhất cho việc làm ý nghĩa ấy.
Công nhân chăm sóc cây xanh tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Phước Anh |
Tản bộ trong không gian khoáng đạt của khu di tích, dường như chẳng thể dừng bước khám phá, trầm trồ ngắm nghía những loài cây đủ chủng loại, hình thế, sắc hoa muôn hồng ngàn tía. Nào lộc vừng đỏ thắm, nào mận quân tím thẫm, nào ban đỏ Tây bắc, nào mận trắng biên cương…Có nhiều loài cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Ấn tượng hơn cả, trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Truông Bồn có những loài cây có đường kính vòng ôm hơn 1,5m.
Số hóa bản đồ cây xanh
Anh Trần Tuấn Anh - cán bộ khu di tích nói vui rằng, chuyện về cây xanh ở đây thì nói cả ngày không hết. Mỗi cây có một “lịch sử” riêng, có những cây được chở về từ Tây Bắc xa xôi, có những cây phải xin chiết cành từ xa vời Nam bộ… Chẳng biết có phải nhờ khí thiêng Truông Bồn hay không, mà tỷ lệ gần như 100% các mầm xanh gieo vào lòng đất nơi đây đều sinh trưởng tốt, kể cả những loài cây mà khi vừa chở đến, có bao người “quở” rằng sợ khó trồng trên đất lạ! Thế mà chỉ vừa qua một đợt mưa xuân, chồi non đã nhú nõn nà; và thêm dăm ba mùa Tết trồng cây nữa, thì ngay những loài cây “khó” ấy cũng trổ hoa.
Số lượng cây xanh được các cơ quan, đơn vị đăng ký trồng tăng nhanh, đòi hỏi phải có sự bố trí, quy hoạch phân khu khoa học. Năm 2016, ban quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn áp dụng số hóa bản đồ cây xanh, đánh dấu số hiệu lô, thửa, loại cây, đơn vị trồng và thời gian trồng… Nhờ cách làm này, khi các cơ quan, đơn vị muốn về thăm cây sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn.
Loanh quanh chuyện cây, chuyện hoa ở Truông Bồn, chúng tôi được các thuyết minh viên khu di tích chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động. Rằng có những đoàn cựu chiến binh, cựu nữ thanh niên xung phong khi đến dâng hương, dâng hoa lên anh linh 13 anh hùng liệt sĩ, không quên mang theo những chùm bồ kết đen nhưng nhức, một đôi lược gỗ, một mảnh gương soi… Họ đặt lên khu mộ chung của các chị, các anh. Và lặng lẽ khóc…
Truông Bồn - Khu Di tích lịch sử Quốc gia mãi là biểu tượng về sức mạnh quật cường, dũng cảm của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Huy Thư |
Họ bảo, nhớ lắm một thời thanh xuân trong lửa đạn, thèm vô cùng một nhúm bồ kết gội đầu mà chẳng có, xót xa nhìn mái tóc của mình, của bạn rụng dần đi vì những cơn sốt rét rừng. Rồi họ đứng quanh những tàng cây bồ kết bên khu mộ chung, thì thầm kể cho nhau nghe chuyện xưa, chuyện nay, người còn, người mất… Ở khu di tích lịch sử Truông Bồn có hàng chục cây bồ kết, cây cao nhất đã gần 10m và mấy năm lại nay bắt đầu cho quả. Loài cây gắn liền với những nữ TNXP một thuở này gợi bao xúc cảm cho du khách khi đến nơi đây.
Cách đây mấy ngày, đoàn thanh niên của một cơ quan ngoài Hà Nội đã vào Truông Bồn trồng một cánh đồng hoa mua. Sim, mua là loài cây quen thuộc ở Truông Bồn, thân thuộc, gắn liền với từng khoảnh rừng, ngọn đồi quanh truông. Hôm chúng tôi đến thăm, cánh đồng hoa chưa đến mùa nở rộ, hẳn là cữ đầu hạ sang năm sẽ bạt ngàn sắc tím. Cây xanh, hoa tím, nụ vàng… Truông Bồn cứ dần tươi lên như thế, hồi sinh trong những tri ân của lớp lớp thế hệ hôm nay.