Trường nghề chục tỷ hoạt động cầm chừng

06/07/2017 15:43

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh có hệ thống các trường nghề nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, do đang có nhiều khó khăn, bất cập và thiếu hợp lý khiến công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, dẫn đến lãng phí cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.

Trường nghề “chục tỷ” hoạt động cầm chừng

Được thành lập từ năm 2008, nhưng đến năm học 2010 - 2011, Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An mới bắt đầu tuyển sinh. Trường đặt tại xã Bồng Khê (Con Cuông), được kỳ vọng sẽ là cái nôi đào tạo nghề cho con em các huyện Tây Nam của tỉnh.

Tuy nhiên, “những năm học đầu, tuyển được 100 em, nhưng đến khi tốt nghiệp thì “rơi rụng” hết, chỉ còn hơn 40 em ra trường” - ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Thời điểm ấy, đội ngũ giáo viên và cán bộ của trường có gần 40 người, tương đương gần như 1 học sinh được 1 giáo viên dạy học.

Năm học 2015 - 2016, tuyển được 405 học sinh; nhưng sau 9 tháng học, chỉ còn 260 em. Việc học sinh bỏ học diễn ra hàng tuần. Theo thống kê, năm nhiều nhất, trường nghề này cũng chỉ cho “ra lò” được hơn 100 học viên.

Dạy nghề ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: Tiến Hùng
Dạy nghề ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng theo ông Bình, hiện nay trường có 38 cán bộ và giáo viên, mỗi năm được cấp 4 tỷ đồng từ ngân sách để phục vụ việc dạy. Ngoài hệ trung cấp, trường còn đào tạo trình độ sơ cấp ngắn hạn. Quá trình dạy sơ cấp, nhà trường phải vận chuyển máy móc, thiết bị đến tận xã để dạy. Những học viên này chủ yếu “học cho biết”. Đào tạo cầm chừng, nhưng cơ sở hạ tầng lại được đầu tư rất khang trang.

Thời điểm mới thành lập trường được đầu tư gần 60 tỷ đồng chưa kể tiền giải phóng mặt bằng. Trong đó, hơn 33 tỷ đồng dùng để mua sắm thiết bị. Đến năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới nhiều cơ sở hạ tầng tại ngôi trường này như tòa nhà đa năng, 2 nhà xưởng, nhà nội trú, thư viện… Số công trình này hiện vẫn trong quá trình xây dựng.

Tại huyện Tương Dương, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đây trở thành nơi đào tạo và sát hạch bằng lái xe máy vì không có học viên học.

Về nhiệm vụ chuyên môn, trong 7 năm qua, mỗi năm trung tâm đào tạo được vài lớp sơ cấp ngắn hạn. Nhưng vì học viên chủ yếu là nông dân nên đội ngũ giảng dạy phải xuống tận thôn bản. Điều này đồng nghĩa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư hàng chục tỷ đồng dường như không cần dùng đến.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc trung tâm HN&DN Tương Dương cho hay: “Chúng tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ, chỉ tiêu giao bao nhiêu, cấp tiền về bao nhiêu thì chúng tôi đào tạo số học viên tương đương với số tiền. Như năm 2016, tỉnh cấp 200 triệu đồng thì chúng tôi chi đào tạo chừng đó”.

Trên thực tế, nếu mở rộng quy mô đào tạo thì trung tâm cũng không đáp ứng được bởi đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường chỉ có 7 người, trong đó chỉ có 3 giáo viên. Mỗi lần mở lớp đào tạo, trung tâm phải mời các giáo viên từ những trường nghề khác.

Từ khi thành lập đến nay, trung tâm này cũng chỉ mới đào tạo được chưa đến 1.000 học viên.

Đông nhưng chưa…vui!

Với 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trước đây gọi là các trường nghề), hàng năm Nghệ An có khoảng 18.000 chỉ tiêu tuyển sinh (ở cả hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Cũng theo thống kê, hiện mỗi năm trung bình Nghệ An có trên 20.000 học sinh ở cả bậc THCS và THPT không học lên cấp III hoặc đại học, mà được định hướng theo học nghề.

Căn cứ theo lý thuyết, cơ hội đang nghiêng nhiều hơn cho các trường nghề khi nguồn cung luôn dồi dào. Tuy vậy, quá trình thực hiện, ngoài một số trường có thương hiệu, phần lớn các trường còn lại công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề  huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà
Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Ngay như ở TP. Vinh, nhiều đơn vị dù là có bề dày trong công tác đào tạo cũng rơi vào hoàn cảnh này. Tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Vinh, mặc dù mỗi năm chỉ có vài trăm chỉ tiêu, nhưng để tuyển đủ học viên ban lãnh đạo nhà trường từ Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng phòng Đào tạo đều phải trực tiếp xuống cơ sở để tư vấn, hướng nghiệp cho học trò. Địa bàn cũng phải mở rộng đến các huyện vùng cao như Tương Dương, Con Cuông.

Đối với Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật miền Tây đóng tại TX. Thái Hòa, ông Phạm Nam Hải, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: năm học này trường có hơn 1.000 chỉ tiêu, trong đó 350 chỉ tiêu là trung cấp. Hiện tại, số học sinh đăng ký vào trường đạt khoảng 70 - 80% nhưng Ban Giám hiệu nhà trường không chắc chắn vào kết quả vì “không biết các em có học hay không”.

Theo ông Hải, vì có nhiều cơ hội học nghề nên học sinh đăng ký vào trường nghề họ “yêu cầu” rất cao như “phải xuống xem trường có đẹp hay không, có ký túc xá cho sinh viên hay không”. Với diện tích nhà trường chỉ 3.500m2 và đang phải học “tạm” tại trung tâm hướng nghiệp của thị xã, thì đó là một đòi hỏi khó. Nhưng vì đời sống của 60 cán bộ, giáo viên phụ thuộc vào “chỉ tiêu tuyển sinh trên từng đầu người”, nên nhà trường vẫn phải tìm đủ cách để “chiều” học trò.

Do tuyển sinh quá khó khăn, nên nguồn sống của các trường đào tạo nghề chủ yếu phụ thuộc vào đối tượng sơ cấp, ngắn hạn, về trực tiếp tại các địa phương để phối hợp mở liên kết. Tuy nhiên, hình thức đào tạo này chỉ giải được bài toán về số lượng, còn chất lượng thì khó đảm bảo và lãng phí tiền của.

Đơn giản, với học nghề, thực hành chiếm 2/3 chương trình học. Vậy nhưng, nếu kết hợp đào tạo ở cơ sở thì liệu máy móc, trang thiết bị dạy học có đảm bảo? Trường THPT Nghi Lộc 5 là một trong những trường đầu tiên thực hiện thí điểm việc dạy nghề kết hợp với dạy văn hóa; qua gần 3 năm thực hiện, bên cạnh tạo thuận lợi hơn cho học sinh, các em sớm được định hướng nghề nghiệp thì theo ông Đặng Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường, cũng có những bất cập bởi khi học nghề ở trường thì các điều kiện để học sinh thực hành không đảm bảo như: nguồn điện để lắp máy không đủ để vận hành, không có phòng học rộng để làm xưởng thực hành, việc di chuyển máy móc cồng kềnh, tốn kém...

Ông Võ Văn Ân - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Nghi Lộc cho biết: Năm 2016 trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc để mở hai lớp hàn và lớp nấu ăn cho học sinh. Thế nhưng sau một năm học, số học sinh còn lại chưa đến 50%, vì các em không hứng thú với chương trình đào tạo…

Đánh giá về hiệu quả công tác đào tạo nghề, ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận. Dù số lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng quy mô còn nhỏ. Nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề yêu cầu ngày càng lớn, nhưng nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nhà xưởng, trang thiết bị...

Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng, chính sách tiền lương của giáo viên giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nghề công lập còn bất cập, nên chưa thu hút được giáo viên giỏi có trình độ tay nghề cao vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh. Rất nhiều cơ sở dạy nghề không có giáo viên phải hợp đồng giáo viên thời vụ khiến cho việc đào tạo chưa mang lại hiệu quả và chưa tạo được sức hút đối với học trò.

Mỹ Hà - Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Trường nghề chục tỷ hoạt động cầm chừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO