Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Truyền thống yêu nước được hun đúc từ Xô viết Nghệ Tĩnh của gia đình liệt sĩ Lê Ngọc Đức

Lê Ngọc Thịnh - Phó Giám Đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 01/11/2024 06:35

Cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc. Trong giai đoạn đó, đồng chí Lê Ngọc Đức bị giặc bắn, anh ngã xuống trong cuộc biểu tình khi mới 27 tuổi.

Xã Thanh Thịnh (trước đây là Thanh Nha) là mảnh đất có truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Thanh Chương (Nghệ An). Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ mảnh đất này, nhiều người con ưu tú đã anh dũng đứng lên đấu tranh, ghi tên mình vào trang sử vàng của Đảng với những đóng góp cho cách mạng quê hương, trong đó tiêu biểu có liệt sĩ Lê Ngọc Đức.

Liệt sĩ Lê Ngọc Đức sinh năm 1903, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Thanh Nha, tổng Võ Liệt (nay là xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là Lê Ngọc Mãn, thân mẫu là Phạm Thị Mạn, hai ông bà đều là những nông dân cần cù, chịu khó làm ăn và có tinh thần yêu nước. Lê Ngọc Đức là hậu duệ đời thứ 12 của họ Lê Ngọc, xã Thanh Thịnh. Ông nội của Lê Ngọc Đức là Tú tài - Huấn đạo Lê Ngọc Khải.

Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa
Nhiều chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ảnh minh họa

Sau khi đặt chân xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã dựng lên bộ máy cai trị để bóc lột Nhân dân ta tàn bạo. Nghệ An thuộc xứ bảo hộ Trung Kỳ, chúng lập tòa Khâm sứ để trực tiếp chỉ đạo hệ thống chính quyền của phong kiến Nam Triều từ tỉnh, huyện đến các làng, xã. Toàn huyện Thanh Chương chúng lập ra 5 tổng và 78 làng, xã để quản lý và cai trị. Tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, đồn Thanh Quả được xây dựng lên do một sĩ quan Pháp chỉ huy đội lính khố xanh để bảo vệ huyện đường Võ Liệt và đàn áp những cuộc nổi dậy của Nhân dân.

Thủa nhỏ, Lê Ngọc Đức thông minh, nhanh nhẹn, lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, hàng ngày chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột bất công tàn nhẫn của bọn thực dân phong kiến trên chính quê hương của mình nên anh đã sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc sâu sắc.

Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung Kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn (nay thuộc xã Thanh Long) vào ngày 20/3/1930. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương. Hội nghị đã quyết định chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng bộ huyện Thanh Chương ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho phong trào yêu nước của Nhân dân toàn huyện. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương – Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, một tổ chức cách mạng chân chính đứng ra đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo Nhân dân toàn huyện vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Sau hội nghị, Huyện ủy Thanh Chương đã phân công cán bộ về để tuyên truyền, gây dựng cơ sở Đảng ở các địa phương. Lúc này, các làng như Thượng Thọ, Thanh Nha, Ba Sơn (nay là xã Thanh Thịnh) ở gần trung tâm huyện lỵ, lại khá an toàn nên sớm được các đồng chí trong Huyện ủy về giác ngộ.

Ngày 13 tháng 7 năm 1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Xuân Giai, Chi bộ Đảng Giáp Tứ được thành lập. Chi bộ có 7 đảng viên, do đồng chí Phan Trọng Liên làm Bí thư. Kể từ đây, làng Thượng Thọ bước sang giai đoạn mới. Sau khi Chi bộ Đảng Giáp Tứ ra đời và vận động Nhân dân tham gia vào các tổ chức quần chúng, Lê Ngọc Đức bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Giáp Tứ, nông dân các làng Thượng Thọ, Thanh Nha, Ba Sơn cùng các vùng khác như Cát Ngạn, Đạo Ngạn, Thổ Sơn, Văn Ba, Hạnh Lâm, Di Luân, Đại Đồng, Võ Liệt, Hòa Quân… tổ chức biểu dương lực lượng trấn áp bọn phản cách mạng và có sự tham gia tích cực của đồng chí Lê Ngọc Đức.

Trong thời gian này, các phong trào đấu tranh của Nhân dân Thanh Chương phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu như cuộc biểu tình toàn huyện vào ngày 01/9/1930. Từ đêm 31/8/1930, các đội Tự vệ đỏ đã canh gác mọi ngả đường, bến đò để cô lập huyện đường Thanh Chương với các làng, xã. Truyền đơn được rải ở nhiều địa điểm tập trung đông người, cờ đỏ được cắm trên nóc các đình, đền, cây và đỉnh núi cao.
Một giờ sáng 01 tháng 9 năm 1930, sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, trên núi Tiến (xã Võ Liệt), rú Nguộc (xã Ngọc Sơn) và núi Sừng Bò (xã Thanh Hương)… , cả huyện Thanh Chương náo động tiếng chiêng, mõ tre và tiếng hò reo của Nhân dân tiến về huyện đường. Theo sự hướng dẫn của chi bộ và nông hội, quần chúng từ các địa điểm tập trung đã được quy định, tổ chức thành đội ngũ, đi đầu là những người cầm cờ, biểu ngữ. Tự vệ đỏ có trang bị vũ khí thô sơ được bố trí hai bên để bảo vệ đoàn biểu tình và ngăn chặn bọn địch chui vào hàng ngũ.

Đồng chí Lê Ngọc Đức tích cực tham gia trong đoàn biểu tình góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh khiến chính quyền địch tan rã. Chính quyền Xô viết được hình thành hầu khắp các làng, xã ở huyện Thanh Chương. Cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc.

Để bảo vệ chính quyền Xô viết, các tổ chức quần chúng không ngừng được củng cố và tăng cường. Chính quyền thực dân phong kiến vô cùng hoảng sợ, hòng dập tắt phong trào cách mạng, chúng điên cuồng đàn áp rất dã man.

Cũng như vùng Vinh – Bến Thủy, thực dân Pháp đặt Thanh Chương trong tình trạng thiết quân luật. Chính quyền thực dân, phong kiến đã tiến hành thiết lập hệ thống bang tá từ huyện đến tổng và làng, xã. Chúng thường kéo về làng bắn giết, bắt bớ tràn lan, đốt nhà, cướp của.

Ngày 06 tháng 10 năm 1930, lính lê dương ở đồn Thanh Quả sục vào làng Ngọc Lâm bắt người, cướp của, lập tức trống mõ nổi lên, hàng ngàn quần chúng các tổng Võ Liệt, Cát Ngạn, Đại Đồng kéo đến bao vây, áp đảo kẻ thù.

Hoảng sợ, thực dân Pháp đã bắn xả vào quần chúng nhân dân làm 103 người chết, trong đó có đồng chí Lê Ngọc Đức. Sau đó, chúng kéo quân về phủ Thanh Nha. Tại đây, nhiều tên lính đồn đã tra tấn dã man những chiến sĩ cách mạng và những người chúng nghi là cộng sản.

Anh dũng chiến đấu và ngã xuống trong cuộc biểu tình khi mới 27 tuổi, sự hy sinh của đồng chí Lê Ngọc Đức là mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương cho anh em, đồng chí, nhân dân và gia đình.

Để ghi nhận công lao của đồng chí, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 23/7/2008 cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho liệt sĩ Lê Ngọc Đức - cán bộ hoạt động cách mạng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc.

Theo bước chân người cha Lê Ngọc Đức, con trai đồng chí là Lê Ngọc Thám xung phong lên đường nhập ngũ, mong góp sức mình bảo vệ đất nước, tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình vào ngày 22 tháng 01 năm 1952.

Ngày 03 tháng 01 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 10/QĐ-TTg cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho Liệt sĩ Lê Ngọc Thám chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 14/12/2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2806/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho bà Trần Thị Ký (vợ của liệt sĩ Lê Ngọc Đức và mẹ của liệt sĩ Lê Ngọc Thám) đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của liệt sĩ Lê Ngọc Đức, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tên tuổi của đồng chí được khắc trên văn bia Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931 tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (số thứ tự 1008).

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-sy-le-ngoc-duc
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-sy-le-ngoc-duc
Truyền thống yêu nước được hun đúc từ Xô viết Nghệ Tĩnh của gia đình liệt sĩ Lê Ngọc Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh