Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Liệt sĩ Hoàng Vân, Hoàng Bổng - Hai tấm gương tiêu biểu của huyện Yên Thành trong Xô viết Nghệ Tĩnh

Đặng Huyền Trang - Bảo tàng XVNT 29/10/2024 12:42

Hai anh em Hoàng Vân và Hoàng Bổng sớm giác ngộ cách mạng và có nhiều đóng góp trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931.

Xã Đô Thành trước năm 1945 thuộc tổng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, là vùng đất giàu truyền thống hiếu học và yêu nước. Anh em đồng chí Hoàng Vân và Hoàng Bổng sinh ra tại làng Xuân Lai, tổng Quỳ Trạch (nay là xóm Xuân Lai, xã Đô Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là hậu duệ của dòng họ Hoàng ở Xuân Lai. Theo nhiều tài liệu cổ còn lưu lại, họ Hoàng là một trong những dòng họ đầu tiên đến khai cơ, lập ấp tại vùng đất này.

Đồng chí Hoàng Vân (1900-1931) và em trai Hoàng Bổng (1908-1931) sinh ra trong một gia đình phú nông có của ăn, của để. Do đó, ngay từ thuở nhỏ, hai anh em đồng chí Hoàng Vân - Hoàng Bổng đã được gia đình cho theo học các lớp chữ Nho, chữ quốc ngữ và lễ nghĩa. Vốn có tư chất thông minh, lại được cha mẹ cho ăn học, đồng chí Hoàng Vân đã sớm tiếp thu thơ văn yêu nước, tư tưởng yêu nước thương dân tiến bộ.

Cuối năm 1926, sau khi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu về nước, đồng chí Võ Mai[1] đã bắt tay vào việc thành lập các tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn.

Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở nhiều vùng miền.

Năm 1927, tại Xuân Lai, những thanh niên nhạy bén với thời cuộc của làng như Hoàng Vân, Hồ Lạc, Luyện Nhận cũng đã lập ra một nhóm thanh niên yêu nước cùng hội họp và bí mật truyền tay nhau những sách báo, tài liệu tiến bộ. Đến cuối năm 1927, thông qua Bùi Xuân Nam[2], nhóm đã được đồng chí Võ Mai liên hệ, tập hợp và lập ra tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tổng Quỳ Trạch”.

Thực hiện tôn chỉ mục đích nhằm đoàn kết các lực lượng tiến bộ yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành tự do cho dân tộc, đồng chí Hoàng Vân cùng các hội viên đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, giác ngộ anh em, quần chúng làng Xuân Lai. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, số hội viên của tổ chức này từ 7 người đã tăng lên 20 người.

Được sự tuyên truyền vận động của anh trai, đồng chí Hoàng Bổng đã hăng hái tham gia và trở thành một trong những thành viên tích cực của Hội. Bên cạnh việc tuyên truyền giác ngộ cách mạng, Hoàng Vân, Hoàng Bổng cùng các đồng chí “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tổng Quỳ Trạch” đã vận động bà con và tổ chức thành công nhiều cuộc “vay thóc” của địa chủ Luyện Tần, Cửu Cơ, bang Duẩn, Vũ Mân... để cứu đói cho nhân dân trên quy mô toàn tổng Quỳ Trạch.

Năm 1930, phong trào cách mạng ở trong tỉnh phát triển mạnh. Để phát triển cơ sở và phong trào cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An ra quyết định cử một số cán bộ chủ chốt như Nguyễn Hữu Bình, Tôn Thị Quế... tăng cường cho Yên Thành, Diễn Châu. Nhờ sự hướng dẫn của các đồng chí, phong trào cách mạng của nhân dân Yên Thành nói chung và của Xuân Lai nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Giữa tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc trực tiếp về tổng Quỳ Trạch tổ chức các cuộc hội họp nhằm phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy. Tại cuộc họp được tổ chức tại nhà Lê Cổn ở làng Yên Định, các đồng chí gồm có Hoàng Bổng, Hồ Lạc, Lê Cổn... đã bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 7/11/1930, nhằm biểu dương lực lượng quần chúng, đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối để quốc phong kiến đàn áp công nhân Vinh Bến Thủy và nông dân Hưng Nguyên...

Thực hiện kế hoạch, đồng chí Hoàng Vân – Hoàng Bổng đã tích cực tham gia vào công tác vận động bà con nhân dân thông qua các hoạt động rải truyền đơn và diễn thuyết. Như kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 7/11/1930, tiếng trống, tiếng mõ vang lên thúc giục rộn rã. Đoàn biểu tình ở hạ huyện gồm nhân dân các làng Xuân Lai, Đại Lộ, Gia Mỹ do các đồng chí Luyện Nhận, Hồ Lạc, Hoàng Vân – Hoàng Bổng, Bùi Xuân Nam dẫn đầu kéo đã đến điểm tập trung. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh, vừa tung truyền đơn, ở hai bên là tự vệ mang theo vũ khí thô sơ bảo vệ.

Dọc đường đi, quần chúng các làng khác từ các ngả đường kéo ra nhập vào đoàn biểu tình ngày một đông. Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, chính quyền phong kiến tay sai địa phương đã co lại cố thủ trong nhà, không dám manh nha hành động. Khi đoàn biểu tình đi đến địa phận cầu Muống (thuộc làng Tường Lai) thì chỉ huy đồn Diễn Châu đã kịp phái lính khố xanh, lính lê dương lên đàn áp. Tên đội Tây đã lệnh cho lính bắn thẳng vào những người đi đầu khiến ông Ngô Cương, Nguyễn Đợt, Hoàng Ước hy sinh và một số người bị thương. Để bảo toàn lực lượng, các đồng chí đã hướng dẫn nhân dân tạm rút lui.

Tối 9/11/1930, các đồng chí Luyện Nhận, Hoàng Vân – Hoàng Bổng... đã huy động hơn 1.000 nhân dân các làng Xuân Lai, Đại Độ, Gia Mỹ, Phú Tăng tập trung về Cồn Diệc (Thọ Thành) để mít tinh, biểu dương lực lượng và làm lễ truy điệu cho những người hi sinh trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930.

Ngày 10/11/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các tổng để phát triển chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng. Tại Xuân Lai, sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 và tối 9/11/1930, bộ máy chính quyền tay sai bị tê liệt không còn dám nhũng nhiễu dân làng như trước. Đồng chí Hoàng Vân, Hoàng Bổng tham gia tổ chức Xã bộ nông Xuân Lai (Nông hội đỏ) đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho chính quyền tay sai. Các đồng chí đã công khai tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công để chia cho nhân dân, phá bỏ tệ “phụ thu, lạm bổ”...

Tháng 12/1930, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy cũng như hoạt động tích cực của các đồng chí Huyện ủy, chi bộ ghép Quỳ Trạch – Quan Hóa được ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng Xuân Lai. Được sự lãnh đạo của chi bộ tổng Quỳ Trạch, đồng chí Hoàng Vân – Hoàng Bổng và các đồng chí trong Nông hội đỏ đã vận động, hướng dẫn nhân dân Xuân Lai tổ chức nhiều cuộc đấu tranh như: cuộc đấu tranh ngày 17/2/1931 của nhân dân toàn tổng Quỳ Trạch mít tinh thị uy, diễn thuyết vạch trần tội ác của đế quốc đô hộ; ngày 24/2/1931, nhân dân làng Xuân Lai phối hợp với nhân dân làng Gia Mỹ, Phú Vinh tiến hành cuộc đấu tranh lấy thóc chia cho người nghèo cứu đói tại nhà địa chủ Vũ Mân...

Để ngăn chặn làn sóng cách mạng đang ngày một dâng cao ở Nghệ An nói chung và Yên Thành nói riêng, thực dân Pháp đã điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về tiến hành rình rập, bắt bớ. Biết anh em đồng chí Hoàng Vân, Hoàng Bổng là thành viên Nông hội đỏ tiêu biểu nên kẻ địch đã tiến hành theo dõi ráo riết. Tháng 5/1931, hai đồng chí bị địch bắt đưa về nhà giam ở đồn Trụ Pháp.

Ngày 17/5/1931, lính đồn Trụ Pháp đã tiến hành xử bắn anh em đồng chí Hoàng Vân – Hoàng Bổng cùng 70 chiến sỹ và quần chúng cách mạng của quê hương Xuân Lai tại khe Đập Làng (Trụ Pháp).

Trong suốt thời gian bị giam, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn như tra tấn, thậm chí dùng tính mạng của cha mẹ già để uy hiếp, dụ dỗ, lừa phỉnh nhưng hai đồng chí vẫn một lòng giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Đài Liệt sỹ Tràng Kè.

Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, hai đồng chí Hoàng Vân - Hoàng Bổng đã được Thủ Tướng Phan Văn Khải truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” cho theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2000.

Năm 1988, tại di tích Tràng Kè, nơi thực dân Pháp xử bắn hai đồng chí Hoàng Vân - Hoàng Bổng và 70 chiến sỹ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh khác, thể theo nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Yên Thành phối hợp cùng chính quyền và nhân dân xã Mỹ Thành đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng tượng đài liệt sĩ và bia ghi danh các liệt sĩ đã hi sinh tại đây.

Di tích Tràng Kè là địa chỉ Đỏ đã diễn ra nhiều hoạt động tri ân như: nói chuyện truyền thống, cắm trại, tổ chức cho bà con nhân dân trong vùng và các cháu thiếu niên, nhi đồng đến dâng hương, dâng hoa... Tên tuổi, những cống hiến, hi sinh của liệt sỹ Hoàng Vân - Hoàng Bổng nói riêng và của những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh nói chung sẽ sống mãi trong trang sử vàng của dân tộc, trở thành tấm gương sáng góp phần hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

-----

Chú thích:

[1] Đồng chí Võ Mai (1891-1985) quê ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

[2] Đồng chí Bùi Xuân Nam (bí danh Nho Nôm): quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, ), tỉnh Nghệ An lấy vợ và ở rể tại làng Xuân Lai.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia, Năm 2010.

- Lịch sử Đảng bộ xã Đô Thành (1930-1975), NXB Chính trị Quốc gia, Năm 2013.

- Tài liệu do gia đình đồng chí Hoàng Vân, Hoàng Bổng cung cấp.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-sy-hoang-van-hoang-bong-hai-tam-guong-tieu-bieu-cua-huyen-yen-thanh-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-sy-hoang-van-hoang-bong-hai-tam-guong-tieu-bieu-cua-huyen-yen-thanh-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh
Liệt sĩ Hoàng Vân, Hoàng Bổng - Hai tấm gương tiêu biểu của huyện Yên Thành trong Xô viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh