TS Trần Công Trục: Cảnh giác với trò "giả thân thiện" của Trung Quốc

04/11/2014 14:35

Ở thực địa thì họ như vậy, nhưng trên mặt trận ngoại giao họ vẫn tỏ ra “mềm mỏng”, “thiện chí”. Việc làm này thực chất chỉ là tấm bình phong làm cho dư luận không chú ý đến hoạt động phi pháp của họ.

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc chưa bao giờ dừng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Đặc biệt, họ đã tiến hành xây dựng tại Gạc Ma và các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) mà họ chiếm đóng trái phép từ cuối thập niên 80. Nhưng trên phương diện ngoại giao họ vẫn tỏ ra “thiện chí”. Vậy Trung Quốc đang toan tính điều gì?

Đó là băn khoăn thắc mắc của nhiều độc giả gửi tới Infonet. Để giúp độc giả có cái nhìn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.

Ts Trần Công Trục trao đổi với PV Infonet (ảnh Hồng Chuyên)
Ts Trần Công Trục trao đổi với PV Infonet (ảnh Hồng Chuyên)

Thưa ông, xâu chuỗi sự kiện gần đây trên Biển Đông như Trung Quốc dự định đưa các ụ nổi xuống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc điều 400 tàu tuần duyên tại Biển Đông và Hoa Đông, các nước cũng cảnh báo việc Trung Quốc sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)… Trước đó, họ công bố đường băng sân bay trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam) và xây dựng các bãi ngầm, đá thành đảo nổi ở Trường Sa (Việt Nam)…Ông có bình luận gì về những hành động này?

Tất cả những động thái này đều là sự tiếp nối sau sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Những hành động của họ liên tiếp, dồn dập trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đồng thời xâm phạm đến các vùng biển của Việt Nam đã được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982.

Điều này cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại hoặc “mềm mỏng” hơn kể từ trước khi họ đưa giàn khoan vào Việt Nam.

Điều đáng quan tâm trong động thái của Trung Quốc gần đây, trong đó có những mục tiêu cụ thể. Đó là việc họ củng cố, đẩy mạnh quyết tâm trong việc xây dựng những căn cứ quân sự. Đặc biệt, với những đường băng sân bay không những trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà còn xây dựng tại một số thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tiếp nối công việc đó là họ huy động rất nhiều tàu đánh cá xuống vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Họ tuyên bố di chuyển các giàn khoan khổng lồ xuống phía Nam. Họ tuyên bố điều động các tàu mà họ gọi là “chấp pháp” xuống với số lượng rất lớn. Họ dự định sẽ điều các ụ nổi xuống khu vực này. Có thông tin họ chuẩn bị thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ)

Tất cả những điều đó, có thể nói, những phán đoán suy nghĩ của tôi trước đây rằng: Những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông có rất nhiều mục tiêu, trong những mục tiêu đó, phải chăng họ đang có những bước đi cụ thể để họ tiến hành “cắm những mũi khoan” trên vùng thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.Có thể nói mục tiêu trước mắt nhất, họ sẽ tìm cách hút được dầu khí trên thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.

Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Gạc Ma (thuộc Trường Sa của Việt Nam)
Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Gạc Ma (thuộc Trường Sa của Việt Nam)

Thưa ông, vì sao ông có thể đưa ra nhận định như vậy?

Vì sao tôi nói thế? Vì họ đang muốn chuẩn bị cho một căn cứ hậu cần cho tàu thuyền họ nhằm mục đích hạ đặt giàn khoan. Bởi, ụ nổi, sân bay, tàu tuần tra và vùng nhận diện phòng không (ADIZ) chính là những toan tính, chuẩn bị của Trung Quốc cho một ý đồ đã nhìn thấy rõ. Phải chăng điều này cũng đã được họ nhắc đến, khi họ rút giàn khoan Hải Dương 981 về, họ tuyên bố: “đã kết thúc giai đoạn thăm dò”?

Tôi cho rằng, khả năng trên sẽ sớm xảy ra. Còn xảy ra ở địa điểm nào, khu vực nào, thời điểm nào, Trung Quốc đã có sẵn lộ trình. Chúng ta nên thật sự quan tâm và lưu ý điều đó.

Theo tôi, chúng ta cần phải có ngay động tác chuẩn bị, kế hoạch chuẩn bị một cách tích cực hơn để khi sự kiện xảy ra, chúng ta chủ động trong những ứng phó.

Tôi nghĩ, giai đoạn này, họ không chỉ dừng lại ở thăm dò khai thác nữa mà có thể thực thi những điều cụ thể hơn.

Mặt khác, việc họ chuẩn bị lượng lớn tàu tuần tra xuống Biển Đông không phải chỉ là chuẩn bị cho ý đồ đưa giàn khoan xuống mà họ còn tính toán sẵn cho việc khống chế toàn bộ khu vực này, khống chế an ninh hàng hải, xâm phạm tự do hàng hải của quốc tế và đưa tàu cá xuống khai thác thủy hải sản.

Họ làm một cách đồng bộ như vậy, bao gồm vùng trời vùng biển, và các căn cứ quân sự phi pháp là họ quyết thực hiện bằng được ý đồ của mình. Họ đã chuẩn bị trước cho tình huống vấp phải sự phản ứng của các nước ven Biển Đông.

Tuy nhiên, ở thực địa thì họ như vậy, nhưng trên mặt trận ngoại giao họ vẫn tỏ ra “mềm mỏng”, “thiện chí” . Những quan hệ ngoại giao trong cuộc gặp cao cấp với những lời hứa hẹn mỹ miều. Việc làm này thực chất chỉ là tấm bình phong "ru ngủ dư luận", làm cho dư luận không chú ý đến hoạt động phi pháp của họ.

Theo ông, trước những âm mưu toan tính đó, các nước ven Biển Đông nên làm gì?

Do đó, theo tôi, về mặt ngoại giao, chúng ta phải luôn cảnh giác để không mắc bẫy của Trung Quốc. Còn trên thực địa, chúng ta cũng phải có biện pháp phù hợp như theo dõi, quan sát, nắm một cách chính xác thông tin, kịp thời có những báo cáo cụ thể. Quản lý những thông tin đó một cách chính xác nhất để đưa ra những quyết sách cụ thể, chính xác.

Cần phải có những biện pháp phù hợp để đấu tranh với họ. Nói như Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, âm mưu của Trung Quốc là không thay đổi.

Phải có sự phối hợp rất đồng bộ, chúng ta phải cố gắng ưu tiên trong ngoại giao, chúng ta cũng phải có những cuộc gặp ngoại giao tốt nhất. Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục xâm phạm vùng biển, đảo của chúng ta thì chúng ta cũng phải có những cách để ứng xử tốt nhất, phù hợp luật pháp quốc tế.

Còn nếu họ vẫn tiếp tục xâm phạm vùng biển, hải đảo, thì chúng ta phải tính đến đấu tranh pháp lý. Biện pháp đấu tranh pháp lý là giải pháp hòa bình trong thế giới văn minh tiến bộ.

Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng về ngoại giao, chính là việc Trung Quốc muốn tránh đi việc các nước sẽ đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế để phân định đúng sai. Điều này họ rất ngại, vì họ không có căn cứ. Việc làm của họ là sai luật pháp, nên họ muốn tránh đi biện pháp đấu tranh hiệu quả, văn minh này.

Nhưng thưa ông, ngoài thực địa Trung Quốc luôn lấn tới, chuẩn bị những bước đi đầy toan tính, còn về mặt ngoại giao, Trung Quốc lại tỏ ra mềm mỏng. Thái độ này thể hiện điều gì?

Do đó, họ sẽ dùng thủ thuật đánh lừa dư luận, để tạo ra một bình phong, một “cái bẫy”, làm cho chúng ta có thể hy vọng vào một điều mà Trung Quốc “hứa hẹn”, nhưng thực tế họ không thực hiện.

Nói một cách hình tượng “Trung Quốc tay thì ôm vai “thiện chí” dưới chân thì bước lấn tới, đẩy các nước ven Biển Đông vào thế bất lợi”. Đây là “cái bẫy” mà họ giăng ra, không phải chỉ một lần, vậy theo ông, nên làm thế nào để thoát cái bẫy này?

Thực ra việc Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa”, dùng mọi thủ thuật cần thiết để ru ngủ dư luận, để tạo ra những thuận lợi cho họ trong bối cảnh hiện nay. Ở thực địa họ triển khai những biện pháp mạnh mẽ, về mặt ngoại giao, họ tỏ ra “thiện chí”.

Theo tôi, để vượt qua được cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra, đòi hỏi các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác. Như trong thực tế lịch sử đã chứng minh, chúng ta không nên tiếp tục bị mê hoặc bởi những cám dỗ, tưởng chừng như rất ngọt ngào của Trung Quốc.

Còn việc dùng biện pháp pháp lý theo tôi là biện pháp văn minh, hòa bình. Chúng ta phải nhìn nhận, điểm mạnh của chúng ta là chân lý là lẽ phải, nhìn nhận vào thành quả của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển 1982 và những thông lệ khác. Đây là sản phẩm của văn minh nhân loại nhằm hướng đến thế giới hòa bình. Tôi xin nhắc lại: Giải quyết bằng thủ tục pháp lý thông qua cơ quan tài phán quốc tế là biện pháp văn minh, mềm mỏng, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Mới nhất
x
TS Trần Công Trục: Cảnh giác với trò "giả thân thiện" của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO