Tự hào là cầu nối ý Đảng, lòng dân
(Baonghean) - Vào sinh ra tử ở những chiến trường ác liệt nhất trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, sau đó đi học và về giảng dạy tại Học viện Hậu cần. Nghỉ hưu, trở về địa phương, Đại tá Đặng Văn Danh lại bắt đầu một công việc hoàn toàn mới, mà theo ông, với công việc này, ông vẫn còn rất “trẻ”…
Lớn lên trong cảnh đất nước bị chia cắt bởi cảnh chiến tranh, lớp lớp thanh niên chúng tôi chỉ có một ước muốn cháy bỏng, đó là được khoác ba lô lên đường nhập ngũ, được cầm súng ra trận đánh giặc cứu nước. Ước nguyện thành hiện thực vào năm 1970, lúc ấy tôi 19 tuổi. Vào quân ngũ, sau một thời gian huấn luyện tại Đoàn 22, Quân khu IV ở Nam Đàn, đơn vị chúng tôi được điều vào tuyến lửa Quảng Trị.
Bác Đặng Văn Danh trao đổi với phóng viên. |
Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị ác liệt lắm. Mỹ - Ngụy xác định chiến trường này chính là địa điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ chiến lược trọng yếu Trị - Thiên nên chúng điên cuồng quyết giữ. Cuối năm 1971, Bộ Chỉ huy Vùng chiến thuật I ráo riết tăng cường lực lượng đẩy mạnh các cuộc "hành quân tảo thanh Việt cộng" trong địa phận đảm nhiệm. Thời điểm cuối năm 1972, để giành ưu thế trên bàn đàm phán hiệp định Paris, chúng điên cuồng tấn công lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù tổn thất không hề nhỏ, đồng đội hy sinh nhiều, nhưng những người lính Cụ Hồ không vì thế mà nản chí. Bởi chúng tôi nhận thức được rằng, cuộc chiến đấu dù có ác liệt đến đâu, tổn thất hy sinh thế nào, nếu không kìm chân được địch tại chiến trường Quảng Trị thì trên bàn đàm phán Paris, chúng ta sẽ thất thế.
Gần 3 năm chiến đấu ở Khe Sanh (Quảng Trị), tôi được điều vào Tà Lương (Thừa Thiên Huế) – nơi xảy ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch vào từ tháng 2 đến tháng 5/1973 chiến đấu khoảng 6 tháng. Năm 1974, Quân ủy Trung ương Xác định Tây Nguyên là vùng trọng yếu trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi được điều động lên ngã ba Đông Dương (vị trí có chung đường biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia) và biên chế vào Sư đoàn 470 Bộ Tư lệnh Tiền phương. Tháng 3/1974, tôi lại được chuyển về Trung đoàn 572, là trung đoàn vận tải quân sự thuộc Tổng cục Hậu cần. Chiến dịch Tây Nguyên mở màn vào tháng 3/1975 và giành thắng lợi vang dội, toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Tôi lại tiếp tục chiến đấu cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4/1975. Đất nước giải phóng, tôi lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia 1 năm. Sau đó được cử đi học tại Trường Sỹ quan Chính trị và Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1982, tôi ra trường và tham gia công tác giảng dạy môn Văn, Lịch sử và Tâm lý giáo dục tại Học viện Hậu Cần cho đến khi về hưu năm 2011.
Sau khi nghỉ hưu, tôi được tin tưởng giao đảm nhận công việc báo cáo viên Đảng bộ xã Nghi Hoa. Nhưng song hành với đó là nỗi lo. Bởi tôi nghĩ, với công việc này, cái tâm, sự nhiệt tình hay kỹ năng diễn đạt, truyền tải thông tin làm sao để người nghe dễ tiếp nhận thì mình không sợ. Nhưng điều làm tôi lo lắng là mình chưa được đào tạo gì về “nghề” này, mình nay đã già rồi liệu có đủ nhanh nhạy nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước? Nghĩ vậy, ngay từ khi nhận việc, tôi xác định mình phải nỗ lực để không phụ lòng của cán bộ, đảng viên và lãnh đạo Đảng ủy xã đã tin tưởng giao phó.
Dần dà, tôi cảm thấy công việc này đem lại rất nhiều niềm vui, thôi thúc mình phải tiếp cận nhiều luồng thông tin để chắt lọc, để truyền tải. Với tôi, nghề báo cáo viên ngoài việc đều đặn hàng tháng lên huyện tập huấn một lần, mỗi năm tập huấn ở tỉnh vài ba ngày, hay từ những công văn trên chuyển xuống, người làm công tác báo cáo viên cần nhất là phải đọc thật nhiều. Mỗi ngày tôi dành thời gian 4 giờ đồng hồ để đọc thông tin từ các website chính thống để biết được những tin tức thời sự trong nước, trong tỉnh. Ngoài ra, tôi còn cập nhật thông tin từ những tờ báo được cấp như báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, báo Nghệ An… và đọc sách. Với nghề này, càng trang bị cho mình được nhiều vốn kiến thức thì mình càng tự tin khi thực hiện nhiệm vụ.
Còn nhớ, hồi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong trong thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển 1982 của Liên Hợp quốc vào tháng 5/2014, rất nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tìm đến tôi để tham khảo ý kiến. Nếu tôi không không tự tìm hiểu qua các kênh thông tin từ sách báo để nghiên cứu, xử lý và tổng hợp thì làm sao để tuyên truyền, để định hướng dư luận?
Để có một buổi nói chuyện hấp dẫn, bổ ích, thường sau khi đã lĩnh hội đầy đủ nội dung ở huyện, ở tỉnh, tôi dành hàng tuần để đọc báo, đọc sách, lên mạng nghiên cứu nội dung và đưa ra phương pháp truyền đạt thích hợp. Với mỗi chủ đề phải có một cách đặt vấn đề khác nhau nhưng thường gắn với thực tiễn của đất nước, của huyện, của xã. Bởi nếu chỉ nói chung chung, nặng về lý thuyết, lý luận thì khó truyền đạt tới người nghe bởi hiện nay điều mà đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm nhất chính là tình hình kinh tế, quốc phòng - an ninh của đất nước, vấn đề xây dựng nông thôn mới... Những vấn đề đó phải có minh chứng, dẫn chứng cụ thể.
Bốn năm làm báo cáo viên cơ sở dù đang ít ỏi nhưng đã đem đến cho tôi rất nhiều trải nghiệm. Công việc giúp tôi nắm bắt được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Niềm vui càng được nhân lên gấp bội khi được nhiều người tin tưởng tìm đến trò chuyện, tìm hiểu thông tin. Trước tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, làm sao để người dân biết nghe có chọn lọc; không bị nhiễu thông tin đòi hỏi báo cáo viên phải là người nắm rõ bản chất vấn đề; làm chủ thông tin để định hướng dư luận. Muốn vậy phải không ngừng trau dồi, học hỏi, cập nhật kiến thức. Dù vất vả, nhưng đã "say" cái công việc này nên thật hạnh phúc khi được làm người đưa ý Đảng đến với dân và lòng dân hướng về Đảng".
Cảnh Nam