Tự hào về sự phát triển kiến trúc xứ Nghệ

26/04/2011 11:13

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, một trong những bước đi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của...

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, một trong những bước đi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền Kiến trúc cách mạng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp một số kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng tháng 8 đang làm việc phân tán tại nhiều nơi trong vùng tự do và ở Chiến khu Việt Bắc để thành lập tổ chức đầu tiên của giới Kiến trúc sư Việt Nam.

Ngày 27-4-1948, tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên, nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, một nhóm kiến trúc sư đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay.

63 năm qua, với đường lối phát triển kiến trúc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo hoàn thiện, nền kiến trúc Việt Nam đã có những bước tiến dài mạnh mẽ, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.


Cán bộ Viện Quy hoạch - Thiết kế - Xây dựng Nghệ An thảo luận thiết kế xây dựng nhà cao tầng ở Tp.Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh


Cùng với những thành tựu và phát triển của Kiến trúc Xây dựng Việt Nam là sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ những người làm công tác trên lĩnh vực Kiến trúc Xây dựng. Từ số lượng kiến trúc sư ít ỏi khi thành lập hồi tháng 4-1948 và lực lượng lao động non trẻ tại thời điểm thành lập ngành năm 1958 đến nay, ngành Xây dựng Việt Nam đã có gần 400 nghìn người với 15 nghìn kiến trúc sư có trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao với nhiều giải thưởng Quốc tế, giải thưởng Quốc gia dành cho các đồ án, các công trình kiến trúc tiêu biểu được bình chọn.


Trong những thành tựu chung của kiến trúc xây dựng Việt Nam có sự đóng góp đáng kể của kiến trúc xây dựng Nghệ An. Bằng những bước đi đầu tiên như xây dựng khu nhà ở cao tầng Quang Trung, quy hoạch lại thành phố Vinh, xây dựng các cơ sở công nghiệp, vật liệu xây dựng, thành lập Viện Quy hoạch Khảo sát Thiết kế Xây dựng, lập các công ty xây lắp... đã tạo ra những động lực ban đầu về lực lượng, về khoa học công nghệ, về trang thiết bị, về vật liệu xây dựng để tái thiết TP. Vinh nói riêng và tái thiết tỉnh nhà. 35 năm đã qua, kể từ những bước đi ban đầu ấy, ngày nay hệ thống Đô thị trên địa bàn Nghệ An đã có bước phát triển lớn với hơn 20 đô thị và nhiều thị tứ có xu hướng phát triển thành đô thị, trong đó có 1 thành phố và 2 thị xã. Thành phố Vinh từ đổ nát hầu như hoàn toàn sau chiến tranh, ngày nay đã trở thành đô thị loại I và đang từng bước hội đủ các điều kiện để trở thành Trung tâm Kinh tế - Xã hội của vùng Bắc Trung bộ.

Trên địa bàn Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và các huyện, nhiều khu chức năng như: Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp, Khu Du lịch, Khu Đô thị mới... đã hình thành và đang được đầu tư xây dựng. Nhiều công trình lớn có ý nghĩa kinh tế và kiến trúc đã ra đời hoặc đang được triển khai như: Khu Kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi, Khu du lịch Bãi Lữ, Công viên Trung tâm, các khu đô thị đường 3-2, đường Lênin, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Vinh Tân, Khu đô thị TECCO, Quảng trường Hồ Chí Minh, Khách sạn Phương Đông, Trung tâm thương mại Dầu khí, Trung tâm thương mại Eurowindow...


Cùng với sự phát triển của công trình kiến trúc xây dựng, đội ngũ những người làm công tác kiến trúc xây dựng ngày càng đông đảo. Ngày nay, lực lượng lao động Ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh ước tính có trên 10 nghìn người, trong đó đội ngũ kiến trúc sư hầu như là số "0" trước năm 1965, 30 người từ ngày thành lập Hội Kiến trúc sư Nghệ An năm 1978; đến nay, đội ngũ KTS Nghệ An đã lên đến hơn 100 người, bao gồm một số hội viên của Hội KTS và số chưa gia nhập Hội.


Các tổ chức tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng với số lượng một vài đơn vị trong những năm 70, đến nay đã có hơn 30 tổ chức tư vấn đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Kiến trúc Việt Nam, KTS Việt Nam, trong đó có kiến trúc Nghệ An, KTS Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nhiều thử thách phải vượt qua, đó là: Quy hoạch Đô thị - Nông thôn chưa phát huy được vai trò xã hội, nông thôn và nhà ở nông thôn chưa được quan tâm đúng mức.

Tư duy và phương pháp lập quy hoạch còn chậm đổi mới, công tác nghiên cứu, quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc còn nhiều bất cập. Chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình chưa cao, dễ điều chỉnh. Hiệu quả khai thác nguồn lực đất đai cho mục đích chung thấp. Công trình văn hóa phúc lợi công cộng, nhà ở xã hội chưa được đầu tư thích đáng.

Kiến trúc phát triển chung chung, mờ nhạt bản sắc, tính đồng bộ, tính hiện đại không rõ nét; tính tiện nghi, tính bền vững còn nhiều hạn chế; các xu hướng kiến trúc tiên tiến của thế giới như Kiến trúc xanh, Kiến trúc sinh thái, Kiến trúc tiết kiệm năng lượng chưa được nghiên cứu kỹ và tiếp nhận không đáng kể. Đội ngũ KTS đông nhưng phân bổ không đều, phần lớn tập trung tại đô thị, đầu tư nghiên cứu cho phát triển kiến trúc ở nông thôn còn nhiều hạn chế. Tính sản xuất kinh doanh, tính thương mại của các tổ chức tư vấn và của KTS ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm thiết kế kiến trúc quy hoạch, nguy cơ Quốc tế hóa kiến trúc bản địa trong các dự án lớn ngày càng cao...


Để khắc phục những tồn tại và những thách thức như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về đội ngũ KTS, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng xã hội.


Tự hào đóng góp cho sự phát triển của ngành Kiến trúc, đội ngũ KTS Nghệ An hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu trong lao động sáng tạo, để tạo nên những công trình kiến trúc "Tiện nghi - bền vững - đẹp - mang đậm bản sắc Văn hóa Dân tộc".


Hoàng Trọng Kim

Mới nhất
x
Tự hào về sự phát triển kiến trúc xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO