Từ một bài toán lớp 3...

25/08/2013 16:21

(Baonghean) - Cháu học lớp 3, hỏi tôi bài toán: Giá 1kg gạo là 10.000 đồng. Gạo 6 thành rưỡi (tức là 1kg thóc thì làm ra 6,5 lạng gạo). Hỏi 1kg thóc giá bao nhiêu tiền? Tôi giảng cho cháu: Mỗi lạng gạo giá 1.000 đồng, thì 6,5 lạng gạo,  có giá là 6,5 ngàn đồng. Đó cũng là giá 1kg thóc!  Bao nhiêu năm tôi vẫn đinh ninh rằng mình tính như vậy là đúng! Sau này, tôi mới biết,  người Mỹ tính toán rất khác, chi li, cụ thể chứ không giải bài toán một cách đại khái như chúng ta.

(Baonghean) - Cháu học lớp 3, hỏi tôi bài toán: Giá 1kg gạo là 10.000 đồng. Gạo 6 thành rưỡi (tức là 1kg thóc thì làm ra 6,5 lạng gạo). Hỏi 1kg thóc giá bao nhiêu tiền? Tôi giảng cho cháu: Mỗi lạng gạo giá 1.000 đồng, thì 6,5 lạng gạo, có giá là 6,5 ngàn đồng. Đó cũng là giá 1kg thóc! Bao nhiêu năm tôi vẫn đinh ninh rằng mình tính như vậy là đúng! Sau này, tôi mới biết, người Mỹ tính toán rất khác, chi li, cụ thể chứ không giải bài toán một cách đại khái như chúng ta.

Cách đây mấy năm, một hôm nói chuyện với anh Lari, giáo sư Đại học Chicago, về giá cả các mặt hàng nông nghiệp trên thị trường Mỹ, tôi thấy anh Lari tính phần được hưởng lợi của người nông dân khi bán được chiếc bánh mì giá 1 đôla như thế này: Số tiền 1 đôla kiếm được từ việc bán chiếc bánh bì đó là lợi nhuận của rất nhiều người, bởi vì, quá trình sản xuất ra và tiêu thụ được chiếc bánh mì phải đi qua rất nhiều công đoạn.

Ta có thể kể: Người nông dân sản xuất ra hạt mì (hạt bo bo chưa phơi sấy, xay xát) - Người thu mua bỏ tiền vốn ra mua hạt mì đem về phơi sấy, xây kho, nhập kho, bảo quản, cất giữ - Người xay xát chế biến mua hạt bo bo của người bảo quản đem về xay xát, chế biến thành bột mì - Người làm bánh mì lại đến mua bột mì của người xay xát đem về sản xuất chế biến thành bánh mì- Nguời bán sỉ đến lò bánh mì mua hàng đem về phân phối cho người bán lẻ - Người đứng ở các quầy hàng bán lẻ bán chiếc bánh mì đó cho người tiêu dùng... Qua chừng ấy khâu, mới gọi là chiếc bánh đã được lưu thông! Trong cả quá trình sản xuất, chế biến, mua bán, kinh doanh, giao dịch, chiếc bánh cũng phải tăng giá dần lên bởi cước phí các cuộc vận chuyển. Tính chi ly giá cả của từng khâu đoạn thì thấy rằng, khi bán được 1 chiếc bánh mì với giá 1 đôla, người nông dân chỉ được hưởng 5 xen, tức là 1/20 giá trị chiếc bánh mì.

Nông dân Mỹ là những người rất thành thạo việc tính toán. Họ cho rằng, tỉ lệ 1/20 giá trị thành phẩm mà họ được hưởng là đúng, có thể yên tâm tiếp tục sản xuất , không kêu ca, phàn nàn gì! Theo tỉ lệ đó, liên hệ đối chiếu với các mặt hàng nông nghiệp của ta, anh Lari cho rằng, nếu cửa hàng bán được 1 chiếc bánh đa hay 1 hộp bánh gạo hoặc 1 sản phẩm ăn liền làm từ gạo, nếu tính ra, người nông dân được hưởng 1/20 lợi nhuận từ giá trị của sản phẩm đó thì phải coi rằng, giá cả như vậy là đúng, là công bằng! Vậy nên, chúng ta, khi nói về giá cả các mặt hàng nông nghiệp cao thấp, đắt rẻ, có thể so sánh với công thức 1/20 hiện tại nông dân Mỹ đang chấp nhận, xem thử giá cả ở ta thế nào?!

Trở lại bài toán lớp 3 về việc tính giá 1 kg thóc đã nêu ở trên. Để làm ra 6,5 lạng gạo, số thóc kia đã phải đi qua các công đoạn: Thu mua, phơi sấy, bảo quản - chuyên chở - xay xát - bán buôn - bán lẻ… Vì thế, giá 1 kg thóc không trùng với giá 6,5 lạng gạo. Nếu ta không tính giá cho các công đoạn ấy, mà nói ngay rằng giá 6,5 lạng gạo bằng giá 1 kg thóc là chúng ta đang tính toán đại khái, quá sơ sài, rất sai so với giá cả trong thực tế. Nói chung, trường học của chúng ta trước nay đều dạy cho học sinh cách tính toán có nhiều sai sót như vậy! Điều đáng lo ngại nhất là từ cách tính toán đại khái sẽ dẫn đến lối tư duy đại khái. Lối tư duy chung chung, đại khái, thiếu căn cứ, thiếu chính xác đang gây những hậu quả không nhỏ trong việc hoạch định các chính sách kinh tế xã hội cũng như trong việc đánh giá hiệu suất, hiệu quả thực hiện các chính sách đó.

Hiện nay, trong các hội nghị, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả trong các văn bản quan trọng, chúng ta đều bắt gặp những hậu quả tai hại của lối tư duy không chính xác. Mới 7 tháng đầu năm 2013, mà báo chí đã liệt kê ra hàng trăm văn bản, giấy tờ gồm các chỉ thị, thông tư, nghị định thiếu tính khoa học, phi thực tế, rất mắc mớ trong việc thực hiện. Có một số văn bản, giấy tờ đã được các bộ ra thông tư bãi bỏ. Phải chăng, đấy cũng chính là hậu quả của lối tư duy đại khái, chung chung? Chúng ta cần nhìn rõ tác hại của nó để có sự nỗ lực cùng nhau phấn đấu, khắc phục. Muốn vậy, phải bắt đầu từ đâu? Thiết nghĩ, sửa chữa thói quen đã ăn sâu trong hệ tư duy con người là điều không dễ. Rất có thể, việc đó phải bắt đầu từ sự xét lại cách giải một bài toán ngay từ chương trình lớp 3, cấp một?!


Thạch Quỳ (TP. Vinh)

Từ một bài toán lớp 3...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO