Từ ngăn chặn tới "thanh toán" bệnh lao

21/03/2011 11:24

Hàng năm, Nghệ An phát hiện và đưa vào quản lý điều trị trung bình 2.500 bệnh nhân lao các thể, trong đó có gần 1.500 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Riêng năm 2010, toàn tỉnh phát hiện 2.323 bệnh nhân lao, trong đó có gần 1000 bệnh nhân AFB (+) mới, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 78, 2%, giảm so với chỉ tiêu (trên 90% bệnh nhân được điều trị khỏi), tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị là 1,13%.

Hàng năm, Nghệ An phát hiện và đưa vào quản lý điều trị trung bình 2.500 bệnh nhân lao các thể, trong đó có gần 1.500 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới. Riêng năm 2010, toàn tỉnh phát hiện 2.323 bệnh nhân lao, trong đó có gần 1000 bệnh nhân AFB (+) mới, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 78, 2%, giảm so với chỉ tiêu (trên 90% bệnh nhân được điều trị khỏi), tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị là 1,13%.

Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế, kinh phí dành cho các hoạt động phòng chống bệnh lao hàng năm ở tỉnh ta được tăng lên.

Năm 2010, hoạt động chương trình chống lao Quốc gia ở tỉnh ta có nhiều nỗ lực mới để hoàn thành nhiều mục tiêu, khống chế tình hình dịch tễ bệnh lao, duy trì, mở rộng chương trình hóa trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOST). 100% dân số được bảo vệ bởi DOST tại tuyến y tế cơ sở.

Nhờ mạng lưới y tế cơ sở được củng cố đã góp phần khống chế sự gia tăng của bệnh nhân lao, số bệnh nhân lao các thể được phát hiện có xu hướng giảm dần. Việc cấp phát thuốc hàng tháng tại xã được duy trì đều đặn. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 8 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Bên cạnh đó, chất lượng phát hiện bệnh đã được nâng cao hơn nhờ đội ngũ y bác sỹ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao ở tỉnh ta đang gặp phải những khó khăn không nhỏ. Sự thay đổi về mô hình tổ chức hệ thống y tế ở cơ sở, điều kiện làm việc thiếu thốn, chế độ đãi ngộ cho cán bộ chống lao chưa phù hợp đã dẫn đến cán bộ chống lao ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện có những thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến các chỉ số hoạt động của chương trình như phát hiện nguồn lây, kết quả điều trị...

Đối với công tác phòng chống lao, việc phát hiện xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, nhưng công tác này ở tỉnh ta đang gặp khó do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; sự kì thị của cộng đồng đối với người bệnh vẫn còn khiến bệnh nhân lao mang tư tưởng tự ti, giấu bệnh; ở một số cơ sở hoạt động của nhân viên y tế còn yếu...

Bên cạnh đó, người dân còn mang tâm lý chưa tin tưởng ở các cơ sở y tế tuyến dưới, khi bệnh nặng mới tìm đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh để xét nghiệm, điều trị. Có nhiều người bệnh, do tâm lí mặc cảm đã tự ý mua thuốc điều trị, hoặc đăng kí điều trị nhưng không đi xét nghiệm đúng hẹn khiến cho việc đánh giá kết quả điều trị không chính xác, tỷ lệ khỏi thấp. Để điều trị dứt điểm, bệnh nhân lao cần ít nhất 8 tháng uống thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế, nhưng có nhiều người sau khi nằm viện một vài tháng thấy cơ thể khỏe hơn nên bỏ điều trị đã dẫn đến lao kháng đa thuốc. Đặc biệt, bệnh lao lại thường rơi vào người nghèo, thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin nên ý thức phòng tránh cho cộng đồng chưa cao.


Bên cạnh đó, sự quan tâm của xã hội đối với công tác chống lao chưa nhiều. Công tác truyền thông mới chỉ tập trung ở một số khu vực đông dân cư như thành phố, đồng bằng, song hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa y tế công lập và ngoài công lập trong công tác phòng chống lao còn nhiều hạn chế.


Cuộc chiến chống bệnh lao hiện đang được xác định là giai đoạn bản lề (2010-2015) chuyển từ "ngăn chặn" tới "thanh toán" với mục tiêu đề ra đến 2015, số người mắc lao sẽ giảm 50% so với năm 2010 và thanh toán hoàn toàn bệnh lao vào năm 2030. Năm 2011, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đặt ra chỉ tiêu phát hiện được 2.500 bệnh nhân lao các thể với kết quả điều trị khỏi trên 90% và giảm số bệnh nhân bỏ trị dưới 1%.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Triển khai các hoạt động phòng chống bệnh lao đạt hiệu quả cao. Chú trọng mở rộng các mô hình phối hợp y tế công- tư trong công tác phòng chống lao, trước mắt tại 3 địa phương: T.P Vinh, TX Cửa Lò, Diễn Châu.

Củng cố mạng lưới chống lao ở các tuyến, trong đó tuyến huyện là then chốt, nâng cấp hệ thống xét nghiệm tại tất cả các tuyến. Triển khai đúng quy chuẩn quản lí, điều trị bệnh nhân, giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh nhân giữ thuốc tự dùng. Huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong đó vai trò trung tâm là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp cùng vào cuộc.

Tăng cường hoạt động phối hợp chẩn đoán, điều trị lao/ HIV. Bên cạnh đó, cần có chính sách cho cán bộ chống lao, chính sách bảo hiểm y tế cho bệnh nhân lao, cơ chế phối hợp giữa các cơ sở y tế và tuyến y tế trong công tác phòng chống bệnh lao.


Luyện Văn Trịnh

Mới nhất
x
Từ ngăn chặn tới "thanh toán" bệnh lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO