Từ Nghị quyết xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh

Diệp Thanh 12/08/2021 19:23

(Baonghean.vn) - Bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tinh thần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chính vì vậy, vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

ĐỔI MỚI LÀ TẤT YẾU

Sau hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Những năm qua, tổ chức công đoàn đã trở thành điểm tựa vững vàng cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: LĐLĐ

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Điển hình là công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế; Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới; Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu; Hoạt động công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động. Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao.

Những tồn tại trên dẫn đến việc vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế; Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho 4 cá nhân tiêu biểu. Ảnh: D.T

Nghị quyết số 02-NQ/TW đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn chưa đầy đủ; Nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp, nhất là ở công đoàn cơ sở chưa phù hợp; Việc tham mưu, phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, công đoàn còn hạn chế; Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn và công nhân lao động chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế thị trường, những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...

Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động ngày càng tăng, kinh tế thị trường ngày càng phát triển, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với tinh thần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động... Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Cán bộ công đoàn thăm hỏi người lao động ở khu nhà trọ. Ảnh: LĐLĐ

Nghị quyết số 02-NQ/TW đã đề ra mục tiêu xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Mục tiêu trên được cụ thể hóa bằng những số liệu như: Năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên, trên 70% doanh nghiệp ký được thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); Năm 2025 phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên, trên 80% doanh nghiệp ký được TƯLĐTT; Năm 2030 phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên, trên 85% doanh nghiệp ký được TƯLĐTT; Năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam và 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

GIẢI PHÁP TRÊN MỌI PHƯƠNG DIỆN

Để đưa mục tiêu trên trở thành hiện thực, Bộ Chính trị đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết, tác động lên mọi phương diện của tổ chức công đoàn.

Giải pháp được nhắc đến đầu tiên là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở. Theo đó, tổ chức công đoàn cần nghiên cứu, triển khai các phương thức, mô hình tập hợp đoàn viên, người lao động thích ứng với tình hình mới; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động để thu hút, tập hợp, định hướng cho công nhân, người lao động; Tăng cường vận động, thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động; Đổi mới quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực; Tập trung thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Nhi chia sẻ về nội dung của Nghị quyết số 02-NQ/TW cho các chủ tịch công đoàn cơ sở. Ảnh: D.T

Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng mới, nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức công đoàn 4 cấp, tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở cả khu vực phi chính thức… Để làm được điều này, Công đoàn Việt Nam cần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức công đoàn cũng cần nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân, đề xuất cơ chế giao biên chế cho Công đoàn hợp lý.

Đối với nội dung, phương thức hoạt động, công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định; Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động... cho đoàn viên, người lao động; Tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhằm học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới, nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ, làm tốt công tác dự báo, kịp thời xử lý các tình huống, vấn đề mới phát sinh.

Đoàn viên công đoàn Nghệ An quyên góp ủng hộ bà con vùng dịch, đồng hành cùng nhân dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: PV

Để xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, Nghị quyết số 02-NQ/TW đã chỉ rõ tổ chức công đoàn cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, tài sản công đoàn, duy trì các nguồn lực hiện có và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài chính, tài sản công đoàn, ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động; Tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát tài chính, tài sản công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp kinh tế công đoàn, góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động công đoàn.

Trong quá trình đổi mới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Phổ biến để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, Các cấp công đoàn cần quan tâm công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, thành lập tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác.

Tổ chức Công đoàn cần tập trung thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động. Ảnh: D.T

Để đổi mới hoạt động, tổ chức công đoàn không thể thiếu sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thanh tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp cần xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, Nhà nước, chính quyền các cấp cần có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Mới nhất

x
Từ Nghị quyết xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO