(Baonghean) - Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, tôi được bổ dụng về dạy học khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh vào năm 1961.
Một hôm, thầy chủ nhiệm khoa Văn đi với giáo sư Nguyễn Thúc Hào đến thăm anh em cán bộ giảng dạy tại tầng hai và tầng ba khu nhà Dòng (gọi là Tu viện ngã Sáu). Giáo sư Hào ghé vào phòng tôi và nói: Anh là nhà giáo và có biết làm thơ, nay thử sáng tác một bài nói về Trường Sư phạm Vinh xem sao?
Một tuần sau, tôi đã hoàn thành 12 câu lục bát tặng trường ĐHSP Vinh. Tôi cuốc bộ đến Toà soạn Báo Nghệ An. Anh Nguyễn Hường - Chủ bút báo, đang cặm cụi làm việc. Tôi định ra về thì gặp ngay một người vóc dáng tầm thước, có vầng trán rộng và cao. Đó là anh Phan Đình Sung. Anh bắt tay tôi, rồi mời trà nóng. Tâm sự một lúc, anh hỏi tôi: "Thầy có bài viết gì, em xin nhận. Trân trọng cảm ơn các thầy góp phần phong phú cho Báo Nghệ An".
Một tuần sau nữa, bài thơ được đăng. Báo biếu gửi về khoa Văn, và tất cả anh chị em trong khoa xúm nhau đọc, tíu tít chúc mừng tôi. Từ đó tôi làm cộng tác viên cho Báo Nghệ An. Ngoài giờ giảng dạy 12 tiết một tuần, đêm đêm tôi thức khuya viết các bài tản văn, hồi ức, hồi ký hoặc sáng tác thơ gửi báo. Cứ dăm ngày tôi lại cuốc bộ đến Toà soạn. Ở đó, tôi cảm thấy có cái gì đầm ấm, thân mật và rất lý thú: Tình người, tình đời, đầy hữu hảo và nhân ái.
Cơ ngơi của Toà soạn rất đơn giản, nép mình trên con đường vừa đất vừa đá. Toà báo chỉ có hai dãy nhà tranh mộc mạc, một hướng ra phía nam làm chỗ tiếp khách, một nhìn về hướng đông làm Trụ sở biên tập.
Một năm sau, Trường ĐHSP Vinh chuyển đến khu Tạp Phúc (nay là phường Hưng Bình). Tôi rút được một quãng đường ngắn hơn để lui tới toà soạn báo. Tôi được làm quen với các anh Thanh Phong, Dương Huy, Duy Liễu, Cô Hảo, cô Huy... Cũng từ đó, tôi có nhiều duyên nợ với báo. Tiền nhuận bút không đáng là bao, nhưng tình người giữa tôi và anh em trong Báo Nghệ An ngày càng thắm thiết. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Hường, anh Sung thường cứ đến ngày hội, ngày lễ, ngày Tết, bao giờ cũng mang tận tay đến chỗ tôi những thiệp mời chúc mừng, hay tổ chức toạ đàm thân mật tại Trụ sở báo. Tôi chỉ là một cây bút "nghiệp dư", nhưng cảm thấy được khích lệ, càng cố gắng viết nhiều cho báo.
Năm 1964, Trường ĐHSP Vinh phải sơ tán qua hàng trăm cây số đường rừng, đường sông từ Thanh Chương ra Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hoá) rồi lại về Yên Thành, Quỳnh Lưu. Có những ngày tôi phải băng qua làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ giữa trời giông bão, về thăm lại nơi sơ tán của Báo Nghệ An tại vùng đất đỏ bazan Đô Lương, gặp lại những gương mặt khói bom đen sạm, đầy ý chí và nghị lực, gồng mình lên trong hoàn cảnh khốn khó, dè xẻn từng trang giấy để viết báo. Tôi xúc động đến rơi nước mắt khi tất cả anh chị em trong toà soạn nắm tay tôi mừng mừng tủi tủi... Tôi nghĩ rằng, tôi không phải là người sinh nghề tử nghiệp với báo, nhưng luôn canh cánh một cái gì đó mà chính tôi vô hình đã đeo bám nó mãi cho đến hôm nay.
Suốt 50 năm cộng tác với Báo Nghệ An, tôi chỉ là một giọt nước trong hàng nghìn giọt nước giữa dòng suối ở một khu rừng đại ngàn đầy hoa thơm, quả ngọt. Xin góp một món quà nhỏ qua bài viết này đến với Báo Nghệ An nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Nguyễn Trọng Tuất