Từ những việc làm công khai, minh bạch

14/10/2011 20:28

(Baonghean) - Trong những năm qua, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh của tỉnh ta. Thực tiễn cho thấy, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tạo chuyển biến rõ nét, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực...

Đến nay hệ thống dân vận ở tỉnh ta đã triển khai hoạt động có chất lượng, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng trong năm 2011 toàn tỉnh đã xây dựng thêm 381 mô hình, điển hình "dân vận khéo", trong đó có 5 mô hình của Mặt trận và đoàn thể tỉnh, 42 mô hình cấp huyện và 376 mô hình, điển hình cấp xã. Các mô hình, điển hình "dân vận khéo" chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (205 mô hình), quốc phòng an ninh (74 mô hình), xây dựng hệ thống chính trị (19 mô hình) và hàng chục mô hình, điển hình về xây dựng nông thôn mới, quy chế dân chủ cơ sở, xoá đói giảm nghèo... Nổi bật có các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hoà, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn.



Cánh đồng rau màu cho thu nhập cao ở xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu.

Xã Tân Sơn (xã miền núi ở phía Tây của huyện Quỳnh Lưu) là một điển hình tiêu biểu trong phong trào "dân vận khéo" trên lĩnh vực kinh tế. Xã có 1.821 hộ với 8.804 nhân khẩu và 623 ha đất sản xuất. Những năm trước, đời sống bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do việc sản xuất, thiếu ổn định, mùa vụ thất thường vì thời tiết bất lợi, đồng ruộng có độ dốc lớn, giữ nước kém. Việc phát triển kinh tế manh mún, nhỏ lẻ. Trước tình hình đó, Đảng uỷ, chính quyền xã Tân Sơn đã đề ra chương trình xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao để phát triển kinh tế. Cụ thể là thay đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây rau màu có năng suất, giá trị cao như mướp đắng, đậu, mùi, dưa chuột vào sản xuất thay thế cho các loại rau màu hiệu quả thấp; kết hợp đan xen tăng vụ một cách khoa học để tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, lịch thuỷ nông và thời tiết... Tuy nhiên, để động viên bà con bỏ lối tư duy sản xuất cũ, thay đổi cây trồng, bỏ vốn đầu tư cải tạo ruộng đồng không phải một sớm một chiều mà làm được. Đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể xã Tân Sơn đã vào cuộc bằng cách mời cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về giảng dạy cụ thể cho bà con, nội dung chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ thường xuyên được tuyên truyền qua hệ thống loa, qua lồng ghép các nội dung sinh hoạt xóm, chi đoàn, chi hội. Bên cạnh đó, xã tiến hành hỗ trợ giống cho bà con, cho vay phân bón trả chậm không tính lãi suất, ưu tiên điều tiết thuỷ lợi kịp thời, xây dựng các tuyến mương bê tông, hỗ trợ nhân dân kinh phí tập huấn, phòng trừ sâu bệnh và thực hiện trình diễn sản xuất thử cho người dân xem xét. Vận động có lý, hỗ trợ có tình, mùa vụ cho thu hoạch cao, người dân Tân Sơn "rủ" nhau chuyển đổi cây trồng. Ông Bùi Duy Viễn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Trưởng khối xã Tân Sơn, cho biết: 9 tháng đầu năm 2011, bà con xã đã gieo trồng được 4 lượt các loại rau màu; thu nhập bình quân đạt 105 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc sản xuất rau, ở xã đã hình thành nghề thu mua buôn bán rau với 20 ô tô chuyên vận chuyển, hàng trăm người tham gia, cho thu nhập từ 4-5 triệu/người/tháng.

Tại xã Diễn Hồng - một trong 2 xã điểm được chọn xây dựng nông thôn mới của huyện Diễn Châu, công tác dân vận đang mang lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân để hoàn thành, hoàn thiện các nội dung, tiêu chí. Diễn Hồng có 2.264 hộ với 10.567 khẩu, trong đó số hộ giàu và khá là 1.018 hộ, 218 hộ cận nghèo, 186 hộ nghèo; có 386 ha đất nông nghiệp. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện, Diễn Hồng đã tiến hành triển khai nhanh các bước thành lập ban điều tra hiện trạng nông thôn mới, tổ điều tra, ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới; phê duyệt kế hoạch; lập quy hoạch nông thôn mới .

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới, người dân có vai trò chủ thể, ngay sau khi tiếp thu chủ trương, chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia này, Diễn Hồng đã tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người dân thông qua nhiều hình thức như lấy ý kiến nhân dân, họp nhân dân mở rộng, mời nhân dân góp ý quy hoạch, đại biểu hội đồng tiếp xúc cử tri, sinh hoạt đảng bộ, chi bộ. Qua đó, mỗi người dân Diễn Hồng đều ý thức rõ, xây dựng Nông thôn mới là để nâng cao đời sống nhân dân nên mọi người dân đều phải có trách nhiệm biết, bàn, làm thực hiện và hưởng lợi. Từ đó, bà con nhân dân xã đều bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới cũng như kế hoạch, lộ trình xây dựng của xã... Ông Trần Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Mặc dù trong thời gian chờ phê duyệt quy hoạch nhưng Diễn Hồng đã thực hiện trước một số việc trong chương trình kế hoạch bởi đó là những việc làm ngay. Xã đã tiến hành xây dựng nâng cấp chợ giai đoạn 1 với số tiền 5.730 triệu đồng, đạt 60% tiêu chí nông thôn mới; tiến hành làm 1 trục đường chính nội đồng dài 510m, trị giá 1.400 triệu đồng. Nguồn vốn của cả 2 công trình này đều do nhân dân đóng góp cộng thêm nguồn vốn ngân sách của xã. Tính đến thời điểm này, số tiền mà người dân xã góp vào xây dựng nông thôn mới là 1.320 triệu đồng. Những kết quả bước đầu tuy chưa cao nhưng đã cho thấy tinh thần hăng hái xây dựng nông thôn mới của người dân cũng như hiệu quả của công tác dân vận. Trong thời gian tới, khối dân vận xã tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên trong vấn đề chuyển đổi ruộng đất, các đề án phát triển sản xuất, huy động nguồn lực làm công trình tân trang, mở rộng thêm đường giao thông nội xã, xóm.

Còn có rất nhiều mô hình, điển hình "dân vận khéo" ở tỉnh ta, như: mô hình vận động nhân dân tích cực tham gia, chấp hành việc giải phóng mặt bằng ở huyện Quỳnh Lưu, mô hình "Vận động, tập hợp hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội xóm giáo toàn tòng" của Hội LHPN xã Nghi Văn, mô hình dân vận khéo phòng chống không có ma tuý và các loại tệ nạn ở xã Nghĩa Đồng, huyện Nghi Lộc... Những mô hình, điển hình ở tỉnh ta đã thể hiện rõ vai trò của công tác dân vận, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Ban Dân vận Tỉnh uỷ khẳng định: "Trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận, coi đó làm nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta. Hiện nay, công tác dân vận còn được coi trọng hơn nữa, bởi Đảng ta ra các chủ trương và chính nhân dân thực hiện, chính quyền ra các cơ chế chính sách thì chính nhân dân hưởng ứng, khi đó xã hội mới phát triển, chuyển đổi tích cực... Kinh nghiệm rút ra từ những thành công "dân vận khéo" ở tỉnh ta là: Mọi việc cần phải công khai, minh bạch với nhân dân, để nhân dân biết và quyết định; Người cán bộ dân vận phải gương mẫu trong cuộc sống và công tác, luôn tích cực bám cơ sở, địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; tham gia giải quyết tốt những nguyện vọng chính đáng tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân; Làm công tác dân vận phải đặt lợi ích người dân lên trên hết và lợi ích này phải phù hợp với lợi ích chung của đất nước và sự phát triển của địa phương".


Thành Chung

Từ những việc làm công khai, minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO