Tự sự phố và rừng (phần cuối)
…Nói đến địa danh Long Chẹng cũng như Cánh đồng Chum, là nói đến những hy sinh to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội Pa-thét Lào trong các trận chiến ác liệt với lính Thái Lan và phỉ Vàng Pao để giải phóng một miền Thượng Lào rộng lớn vào năm 1975.
(Baonghean) - …Nói đến địa danh Long Chẹng cũng như Cánh đồng Chum, là nói đến những hy sinh to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội Pa-thét Lào trong các trận chiến ác liệt với lính Thái Lan và phỉ Vàng Pao để giải phóng một miền Thượng Lào rộng lớn vào năm 1975.
Tôi, Kẹo và Hằng không biết nhiều về những cuộc chiến ở Lào và cả bên Việt bởi khi kết thúc chúng tôi đều mới lên năm, lên sáu. Tôi nghĩ Hằng chỉ ngẫm ngợi một lần duy nhất khi đặt tên, ghi họ cho đứa con đầu lòng của mình. Lần này tôi đã không thể tìm gặp Hằng để hỏi có phải thế không. Anh Đức nói, vô trung tâm Long Chẹng xa lắm, nên dành thời gian thăm Cánh đồng Chum.
Vị trí 1 của Cánh đồng Chum cách trung tâm Phôn-Xa-Vẳn khoảng hơn mười cây số, có tên gọi bản Ang. Anh Đức lo vé cổng vào. Bên cổng được dựng một tấm biển lớn có hình vẽ màu mè rất gây chú ý và hình ảnh rất dễ hiểu khuyến cáo khách tham quan: không đi vào những nơi có biển cảnh báo nguy hiểm, không xả rác bừa bãi, không cắm trại, bán hàng rong, không xâm phạm hiện vật.v.v… Cho thấy, đến Cánh đồng Chum chủ yếu là khách nước ngoài. Có vẻ các điều cấm trên được thực hiện nghiêm túc, triệt để, dù dịch vụ công ở đây còn hết sức nghèo nàn.
Cánh đồng Chum là một vùng bình nguyên vi vút gió, trầm mặc những bãi chum khổng lồ với hàng ngàn chiếc làm từ đá vôi, đá ong và đá cẩm thạch. Cánh đồng Chum gắn với những truyền thuyết của người Lào, là địa chỉ văn hóa – lịch sử nổi tiếng khắp thế giới với sự độc đáo của nó. Và đây cũng là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới do còn nhiều ẩn họa bom nổ chậm từ thời chiến tranh. Bí ẩn của Cánh đồng Chum vì thế càng có sức hút hơn chăng?
Phiêu diêu kỳ lạ với u u lòng đá trải ngàn năm
Tôi choáng ngợp trước hoàng hôn rực đỏ như khói lửa ngút trời sau dãy đồi cạnh con đường nhỏ vào bản Ang của Cánh đồng Chum huyền thoại. Tôi sững sờ trước những chiếc chum đá hàng ngàn tuổi mà sẽ mãi mãi là một ẩn số của loài người. Nơi tôi đứng là ngọn đồi tập trung những chiếc chum lớn nhất, được giải thích là dành cho vị vua cổ đại Khun Cheung và các vị cận thần.
Tôi xin phép người quản lý được trèo lên vai chiếc chum “vua”. Dù chum đá để ủ rượu khao quân sau khúc khải hoàn theo truyền thuyết, hay chum là một chiếc quách dùng để an táng xác người theo phỏng đoán của các nhà khảo cổ; thì tôi cũng đã có những phút giây phiêu diêu kỳ lạ với u u lòng đá huyền sử đấng Khun Cheung hùng mạnh. Ai tạc nên chum mà chum ngàn năm qua, ngàn năm tới tạc vào tâm trí nhân loại niềm khâm phục? Chum đá chứa đựng gì là câu hỏi vĩnh hằng của nhân loại, nhưng thiện – ác hiện hữu hôm nay chợt sám hối trước tuổi đá hoàn mỹ hình hài…
Hoàng hôn cao nguyên ngắn ngủi, tôi kịp vào thăm hang động nhỏ trong bãi chum “vua” – chứng tích chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, rồi vội vã tạm biệt Cánh đồng Chum.
Trung tâm Phôn-Xa-Vẳn đêm như hối hả hơn ngày. Anh Đức đưa chúng tôi vào một quán nhậu xem chừng quen thuộc. Lẩu nướng nhé. Tíu tít những cuộc gọi về bên Việt. Tiếng quê nhà thêm nồng nàn thứ rượu thuốc ngâm rễ cây bên Tây Trường Sơn. Bất chợt lặng phắc ly rượu trên tay, quên cả món nhậu cháy khét trên vỉ nướng, quên cả cuộc điện thoại đã nối sóng dở dang… Em xuất hiện và khiến tôi cùng “xiều” hóa chum đá ngàn năm tuổi.
Từ khoảnh khắc đó Veophachan Toulanom hồn nhiên với đôi mắt biết cười và Cánh đồng Chum là hai dấu ấn kỷ niệm không thể quên trong chuyến “phượt” ngắn ngủi trên đất nước Triệu Voi. Em gái Lào ấy 25 tuổi, từng công tác ở Sở Thương mại Xiêng-Khoảng, về thăm nhà trong kỳ nghỉ ở trường đại học bên Thái. Anh Đức gọi “Veo à!…Việt Nam… Việt Nam”. Phồn thực mà trong sáng vô cùng, Veo khiến cho rượu chảy tràn và tất cả cuốn vào điệu lăm vông mê đắm. Quán nhậu trở thành đêm lửa trại thắm thiết tình xa-ma-khi…
Anh Đức chuyển lời Veo rằng tiếc lắm, vì không thạo tiếng nên không thể qua Việt Nam học. Nhưng Việt Nam luôn là đất nước Veo yêu quý. Mẹ Veo, bà chủ quán xinh đẹp vốn là văn công quân đội Pa-thét Lào, từng là học trò của Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi bên Việt. Veo tặng tôi chiếc nhẫn bạc kỷ vật của em với ánh mắt sáng trong bao điều muốn nói. Tôi say rượu hay say ánh mắt em gái Lào?
Tôi đã uống thật say vì nuối tiếc những giây phút tuyệt vời như thế. Chuyến xe giữa đêm trở lại Noọng Hét như không có thực. Tạm biệt nhé Phôn Xa Vẳn; tạm biệt Cánh đồng Chum; tạm biệt nhé Veo và những người anh em mới... Tôi chợt thấy mình đã có một tình yêu đất nước Lào. Tôi muốn trải tình yêu đó trong câu chuyện kể về chuyến hành trình trên đất nước Triệu Voi thần thoại.
Câu chuyện đó, cũng như những cảm xúc vui buồn trong chuyến “phượt” dịp vãn năm này, trước hết tôi dành tặng những người mà tôi yêu mến, như T.- cô bé đồng nghiệp viết văn, Phong – “xiều” của tôi và như kiến trúc sư Long, như Nghệ…
Thành phố quê hương với con phố Trần Quang Diệu yên tĩnh đang chờ đợi tôi trở về để lại nuôi dưỡng khát vọng những chuyến đi./.
Đình Sâm