Từ văn hóa đến hiệu quả sản xuất

11/07/2013 22:25

(Baonghean) - Chính thức thành lập nhà máy hoạt động tại Nghệ An từ năm 2011, Công ty Haivina Kim Liên (chuyên may găng tay và quần áo thể thao xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Châu Âu) đã tạo việc làm cho 2.600 lao động tại địa bàn lân cận nhà máy. Được điều hành bởi chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc, song giữa ông chủ và công nhân ở đây không có khoảng cách bởi quốc tịch khác nhau. Tất cả đều hoạt động khoa học, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu hiệu quả công việc cao.

Tình cờ một lần đi công tác tại huyện Nam Đàn từ sáng sớm, tôi đã bắt gặp hình ảnh hiếm thấy khi đi qua nhà máy tại xã Nam Giang. Đó là tất cả những người Hàn Quốc từ Tổng Giám đốc đến quản lý các bộ phận đứng hàng ngang trước cổng cúi chào công nhân khi họ đi vào nhà máy bắt đầu một ngày làm việc mới. Cứ mỗi buổi sáng, bất kể trời mưa hay nắng đều điệp khúc ấy và đã trở thành thân quen đối với 2.600 công nhân làm việc tại Haivina Kim Liên suốt hơn 2 năm nay. Chính sự tôn trọng người lao động của đội ngũ quản lý người Hàn Quốc đã tạo niềm tin, khuyến khích tinh thần làm việc của công nhân.

Em Nguyễn Thị Thuỷ, xã Nam Giang (Nam Đàn) chia sẻ: Trước khi vào làm việc tại nhà máy, em đã có 6 năm làm công nhân may cho một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Cuộc sống xa nhà rất vất vả, mỗi tháng nhận lương, phải chi tiêu chắt chiu mới đủ trang trải cho cuộc sống, từ tiền thuê phòng trọ, ăn uống, đi lại… Năm 2011, có Nhà máy Haivina Kim Liên ra đời tại quê nhà, em rất vui mừng, lập tức trở về quê và được làm việc gần nhà, vừa đỡ tốn kém chi phí thuê trọ, vừa có điều kiện chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình. Làm việc tại đây, tháng nào tăng ca nhiều thì được hưởng lương 3,5 triệu đồng/tháng, không tăng ca lương 3 triệu đồng/tháng.

Lê Đình Quân sinh năm 1988 (ở Kim Liên – Nam Đàn), làm ở bộ phận bảo trì máy móc. Hễ chiếc máy khâu nào trục trặc là có sự xuất hiện của Quân. “Học nghề xong, em lang thang kiếm việc làm ở TP. Vinh, nhưng chẳng có việc làm ổn định, cuộc sống rất bấp bênh. Khi nhà máy này ra đời, em được nhận vào làm việc, cảm thấy rất thoải mái. Haivina Kim Liên là một công ty của nước ngoài, đối xử bình đẳng với công nhân, từ chế độ đãi ngộ, lương hàng tháng đều chi trả đầy đủ. Với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, được làm việc gần nhà, em thấy chấp nhận được” - Quân bộc bạch.

Ông Lê Thanh Tịnh – Trưởng phòng Tổng vụ Công ty Haivina Kim Liên cho biết: Tất cả 2.600 công nhân làm việc tại nhà máy đều được đóng bảo hiểm 100%, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Lao động ở đây chủ yếu con em huyện Nam Đàn và các vùng lân cận. Ngoài tiền lương, nhà máy còn cho mỗi công nhân 1 suất ăn trưa trị giá 20.000 đồng, do Công ty suất ăn Đệ Nhất chế biến tại nhà ăn của Haivina Kim Liên. Đồng thời hỗ trợ tiền xăng 200.000 đồng/người/tháng. Nhằm khuyến khích tinh thần làm việc trong công nhân, hàng tháng Công ty tổ chức bình bầu cá nhân xuất sắc để thưởng từ 100 – 150 ngàn đồng/người.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho các công nhân may, công ty cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động theo tính chất của từng bộ phận; thực phẩm vào bếp ăn của nhà máy, bộ phận dinh dưỡng của công ty phải tiến hành kiểm tra bằng que thử độc, trước khi đưa vào chế biến. Và mỗi buổi trưa thứ 2 hàng tuần, cán bộ văn phòng đều trực tiếp lấy ý kiến của công nhân tại nhà ăn để nắm bắt tư tưởng và kịp thời giải quyết những thắc mắc của người lao động…



Công nhân Công ty may Haivina Kim Liên vận hành dây chuyền thêu. Ảnh: S.M

Ông Kim Tae Hyung – Tổng Giám đốc Công ty Haivina Kim Liên cho biết: Công ty chính ở Thủ đô Soeul – Hàn Quốc, năm 1987 bắt đầu sản xuất ở Trung Quốc, và đến năm 2005 chuyển xưởng sản xuất sang Việt Nam. Năm 2005 thành lập nhà máy đầu tiên ở Nam Sách và năm 2007 thành lập nhà máy thứ hai ở Gia Lộc tỉnh Hải Dương, 2 nhà máy này có 5.000 công nhân. Năm 2011, công ty thành lập nhà máy thứ 3 ở tỉnh Nghệ An với 2.600 công nhân đã hoạt động được hơn 2 năm, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoạt động với mục tiêu tổng số công nhân 3.000 người. Kim ngạch xuất khẩu của năm 2012 đạt 100 triệu USD, mục tiêu năm 2013 đạt 120 triệu USD.

Lý do để công ty thành lập nhà máy ở Nghệ An là bởi tỉnh đất rộng, dân số đông, có thể dễ dàng tuyển được số lượng lao động lớn phù hợp với tính chất của ngành dệt may, với mức chi trả lương hợp lý. Hơn nữa, ở Nghệ An có Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt – Hàn nên có thể sử dụng được nhiều công nhân biết tiếng Hàn vào làm thợ điện, thợ hàn…

Haivina Kim Liên cũng là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trong ngành dệt may đầu tư vào Nghệ An. Mới chỉ sau hơn 2 năm hoạt động, đơn vị này như một luồng gió mới góp phần làm đổi thay diện mạo thu hút đầu tư của tỉnh nhà.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Từ văn hóa đến hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO