Tư vấn pháp luật
Ông Võ Ái (Nam Đàn) hỏi: Bố mẹ tôi sinh được 5 người con, trong đó có 4 người thoát ly và đã có gia đình, hiện đang sinh sống tại thành phố, nhà cửa đầy đủ. Chỉ có vợ chồng tôi ở nhà cùng với bố mẹ. Năm 1994, nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa đất 200 m2 mà gia đình tôi đang ở được đứng tên vợ chồng tôi. Năm 2006, bố mẹ tôi qua đời nhưng không để lại di chúc. Năm 2011 Nhà nước lại có chủ trương cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa đất mà chúng tôi đang ở vẫn đứng tên vợ chồng tôi, không có tranh chấp. Gần đây, do mâu thuẫn gia đình nên các anh chị em tôi có người cho rằng thửa đất ông đang ở là tài sản chung của cả 5 anh em. Vậy tôi xin hỏi như vậy đúng hay sai? Nếu có tranh chấp thì giải quyết thế nào?
Trả lời:
1. Việc các anh em của ông cho rằng đây là tài sản chung của cả 5 người con là đúng hay sai?
Vào thời điểm năm 1994 vợ chồng ông được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 200 m2 mà gia đình ông đang sử dụng. Tại thời điểm này bố mẹ ông còn sống và không có ý kiến gì, không phát sinh tranh chấp. Như vậy, từ thời điểm năm 1994 nhà nước đã thừa nhận đầy đủ tư cách chủ sử dụng đất của vợ chồng ông. Năm 2006, bố mẹ ông qua đời và không để lại di chúc. Việc có di chúc hay không không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông đối với thửa đất này. Bởi lẽ, đây là tài sản riêng của hai vợ chồng ông, không ai có quyền định đoạt. Năm 2011 nhà nước có chủ trương cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tư cách chủ sử dụng đất của vợ chồng ông được nhà nước xác lập từ năm 1994 không thay đổi.
Do đó, việc anh chị em trong gia đình ông yêu cầu chia tài sản chung đối với thửa đất này là không có căn cứ.
2. Nếu có tranh chấp thì giải quyết thế nào?
Khi có tranh chấp xảy ra, ông làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thủ tục như sau: Khoản 2, Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.
Khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Theo đó, đối với trường hợp của gia đình ông, trước hết ông gửi đơn đến UBND xã để làm thủ tục hòa giải. Nếu không hòa giải được, ông làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn để được giải quyết.
Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự