Từ vụ lùm xùm siêu thị sữa Tú Bắc đến 'ma trận' thị trường sữa bột
(Baonghean.vn) - Sự đa dạng về chủng loại, sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng sữa bột trên thị trường hiện nay đang "làm khó" người tiêu dùng…
Hoa mắt chọn sữa cho con
Hiện mặt hàng sữa bột được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đến vùng nông thôn; với đa dạng các chủng loại. Chị Đinh Thị Huyền (Phường Quán Bàu, TP.Vinh) băn khoăn: Tôi có hai con nhỏ trên 2 tuổi và 5 tuổi, thường xuyên uống sữa bột. Mỗi lần đi chọn mua sữa cho con tôi hoa mắt trước bạt ngàn các loại sữa, của nhiều hãng; loại sữa nào cũng được người bán quảng cáo hấp dẫn. Ngoài hàng nội còn nhiều mặt hàng sữa ngoại, rất khó để lựa chọn.
Thị trường sữa đa dạng chủng loại, nhãn hiệu khiến người tiêu dùng lúng túng. |
Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý chuộng sữa ngoại nhưng để chọn được sữa ngoại đảm bảo chất lượng “ngoại” như mong muốn không phải là chuyện dễ. Hầu hết người tiêu dùng có thói quen mua hàng dựa vào “niềm tin”. Chị Nguyễn Kim Ngân (Phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) cho biết: Tôi mua sữa Meiji của Nhật cho bé dùng đã hơn 2 năm nay. Tôi chọn mua theo chỉ dẫn của người quen nhưng vẫn không mấy yên tâm khi có nhiều thông tin về sữa kém chất lượng, sữa giả trên thị trường.
Lo lắng của khách hàng là điều dễ hiểu trước thị trường sữa quá đa dạng, phức tạp. Chỉ tính riêng trên thị trường thành phố Vinh hiện nay, khoảng 10% các cửa hàng tạp hóa có bán kèm sữa bột. Về chủng loại, có tới trên 50 nhãn sữa khác nhau; trong đó sữa ngoại chiếm đến hơn 70% thị phần.
Vàng thau lẫn lộn
Một người bán hàng tại siêu thị chuyên kinh doanh mặt hàng đồ trẻ em trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh tiết lộ: Thị trường sữa ngoại hiện nay “vàng thau lẫn lộn”.
Tại Siêu thị Nhật Bản (đường Lê Hồng Phong, TP.Vinh ) nơi có rất nhiều mặt hàng được giới thiệu có xuất xứ từ xứ Mặt trời mọc, chủ cửa hàng cho biết: Sữa bột ở đây là hầu hết hàng “xách tay” nên giá cao hơn các nơi khác nhưng chất lượng thì yên tâm. Hàng “xách tay” nên không có nhãn phụ, khách hàng muốn biết thông tin sản phẩm thì mình lên mạng tìm hiểu để tư vấn”.
Sữa ngoại chiếm số lượng lớn trên thị trường, khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm |
Hàng “xách tay” được hiểu là những mặt hàng từ nước ngoài nhập về Việt Nam theo con đường tiểu ngạch nên số lượng thường hạn chế. Vậy nhưng tại các cửa hàng "xách tay" trên địa bàn thành phố Vinh, hàng hóa lại bày bán với số lượng rất lớn.
Ghé một cửa hàng "xách tay" khá nổi tiếng trong giới “mộ” hàng ngoại trên đường Nguyễn Văn Cừ, chủ cửa hàng thừa nhận: “Chúng tôi nhập lại từ người quen, mỗi lần lấy hàng đều có số lượng khá lớn, hàng hóa cũng đa dạng chủng loại và xuất xứ từ nhiều nước như: Úc, Nhật, Hàn Quốc, Nga… Nguồn hàng không hạn chế như trước, giờ có cả “dây chuyền” nhập từng lô hàng lớn từ nước ngoài; các mặt hàng xách tay đều không nhãn phụ và không thuế”.
Ngoài băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ, chênh lệch giá các loại sữa giữa các cửa hàng cũng sẽ khiến người mua đau đầu. Với các mặt hàng sữa cho trẻ trên 6 tuổi (không có quy định quản lý giá trần), hầu hết các cửa hàng tự định giá. Theo một chủ cửa hàng tạp hóa Quỳnh Liên (đường Herman, TP.Vinh): Tùy từng hãng sữa, mức chiết khấu từ 5- 10% nhưng giá bán cùng một loại sản phẩm, mỗi cửa hàng lại bán với mức giá khác nhau; như cửa hàng chúng tôi thường bán giá thấp hơn nhằm cạnh tranh, giữ chân khách hàng.
Nan giải khâu quản lý
“Ma trận” thị trường sữa bột không chỉ gây lúng túng cho người tiêu dùng mà còn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng, trong công tác quản lý. Ông Nguyễn Văn Duẩn – Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Chi Cục QLTT Nghệ An thừa nhận: Hiện trên địa bàn có tình trạng một số cửa hàng bày bán những mặt hàng sữa nguồn gốc không rõ ràng, nhưng với số lượng không nhiều”.
Theo ông Duẩn, để kiểm tra các cơ sở kinh doanh, cơ quan QLTT phải thông báo nội dung kiểm tra trước 3 ngày cho các chủ hộ kinh doanh. Bởi vậy, nhiều chủ cửa hàng tìm mọi cách để đối phó, lực lượng chức năng rất khó để phát hiện vi phạm. Mặt khác, không có quy định thời hạn hết hiệu lực của hóa đơn nên nhiều chủ cửa hàng đã lợi dụng kẽ hở này để hợp thức hóa hóa đơn.
Trên địa bàn TP.Vinh có nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ bán kèm sữa bột, gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát mặt hàng này |
Năm 2015, trong các đợt kiểm tra các cửa hàng tạp hóa, lực lượng QLTT Nghệ An đã kiểm tra 22 vụ, trong đó xử lý 4 vụ; tịch thu 201 hộp sữa ngoại nhập lậu, 23 hộp sữa các loại quá hạn sử dụng. Sáu tháng đầu năm 2016, không có vụ xử lý vi phạm nào về mặt hàng sữa. |
Thực tế hiện nay, cửa hàng tạp hóa có bán kèm sữa trên địa bàn số lượng rất lớn. Trong khi, theo quy định, lực lượng QLTT chỉ được phép tiến hành kiểm tra không quá 1 lần/ năm, cùng một nội dung đối với các cơ sở kinh doanh. Hoặc chỉ khi có phản ánh của người dân nghi ngờ cơ sở kinh doanh vi phạm thì lực lượng này mới có căn cứ để tiến hành kiểm tra. Bởi vậy, việc phát hiện và xử phạt các trường hợp vi phạm về các điều kiện kinh doanh sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm sữa nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Số vụ kiểm tra và xử lý vi phạm về kinh doanh đối với mặt hàng sữa bột chưa nhiều.
Thị trường sữa bột đa dạng, phức tạp, trong khi, công tác quản lý thị trường về mặt hàng này vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi người tiêu dùng cần thông thái trong cách lựa chọn sản phẩm, để tự bảo vệ chính mình.
Ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Nghệ An khuyến cáo: Khách hàng cần tự kiểm tra hàng hóa của mình bằng cảm quan về: bao bì, tem nhãn, địa chỉ cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, hạn sử dụng… (đối với hàng nhập khẩu cần có tem phụ bằng tiếng Việt). Mua tại cửa hàng có uy tín, không gian, địa điểm, điều kiện đảm bảo sản phẩm hàng hóa đúng tiêu chuẩn. Khách hàng phải yêu cầu xuất phiếu bán hàng, hóa đơn bán hàng để đảm bảo hàng của chính cơ sở đó. Trong trường hợp, khách hàng sử dụng sản phẩm có nghi ngờ không đảm bảo chất lượng, cần giữ nguyên hiện trạng sản phẩm và báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết khiếu nại. |
Nguyệt Minh
TIN LIÊN QUAN |
---|