Tuân thủ triệt để quy hoạch Thành cổ Vinh

07/08/2012 16:12

Ngày 7/2/2002, UBND tỉnh có Quyết định số 588-QĐ/UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Thành cổ Vinh, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa nhiều ý nghĩa này. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách của tỉnh hạn chế nên việc triển khai quy hoạch bị kéo dài, dẫn đến nhiều vi phạm, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

(Baonghean) Ngày 7/2/2002, UBND tỉnh có Quyết định số 588-QĐ/UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên Thành cổ Vinh, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa nhiều ý nghĩa này. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách của tỉnh hạn chế nên việc triển khai quy hoạch bị kéo dài, dẫn đến nhiều vi phạm, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.



Cửa hữu Thành cổ Vinh.

Để phù hợp hơn với tình hình thực tế, ngày 1/10/2008, UBND tỉnh đã cho điều chỉnh quy hoạch, trong đó có một số thay đổi lớn như việc giữ lại 429 hộ dân ở khu vực phía Tây và tái định cư tại chỗ cho hàng chục hộ dân ở các khu vực khác nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, công việc tiến hành thực hiện đến nay vẫn gần như đang dẫm chân tại chỗ do vấn đề kinh phí.

Tất cả vẫn đang ở trên giấy

Theo báo cáo của UBND Thành phố Vinh, sau khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh, UBND thành phố đã tổ chức Lễ công bố vào ngày 4/12/2008 và phối hợp với Viện QHKT&XD tiến hành khảo sát, định vị để cắm mốc chỉ giới. Công việc cắm mốc đã hoàn thành từ tháng 10/2009 với 489 cọc bê tông đã được đóng xuống. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, do 429 hộ dân ở các khối 1, 2, 3, 4 (phường Cửa Nam) không phải di dời nên UBND Thành phố Vinh đã tiến hành cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, đồng thời cho tiến hành bê tông hóa 100% các tuyến đường trong các khu dân cư và cấp nước sạch sinh hoạt.

Đối với 102 hộ dân có nhà ở riêng lẻ nằm trong quy hoạch phải di dời, UBND thành phố có chủ trương bố trí tái định cư tại Khu tái định cư Quán Bàu. Đây là Khu quy hoạch thuộc dự án đầu tư chỉnh trang đô thị Vinh, sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (95 triệu USD) và vốn đối ứng trong nước (30 triệu USD). Khu quy hoạch này có 496 lô đất ở, hiện tại đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng. Dự kiến từ năm 2014 – 2015 sẽ xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và bàn giao đất tái định cư. Đối với 305 hộ dân ở 11 khu tập thể trong thành cổ sẽ được giải quyết theo đề án xóa nhà ở tập thể trên địa bàn Thành phố Vinh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 109/2007/QĐ-UBND ngày 21/09/2007, trong đó có 286 hộ phải di dời sẽ được bố trí tại Khu tái định cư Quán Bàu và Khu đô thị Nam Lê Lợi, 19 hộ ở khu tập thể công nghệ phẩm (khối 2) được bố trí tái định cư tại chỗ.

Với các hạng mục công trình khác của dự án như: tường thành, bốt gác, nhà lao Vinh, cổng thành,... sẽ được đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn. Đặc biệt, tuyến kè hào thành (cả vòng trong và vòng ngoài) và hệ thống xử lý, thoát nước thải ở hào thành đã được lập hồ sơ thiết kế đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch, trong năm 2014 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, triển khai tái định cư và đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với việc thực hiện Quy hoạch xây dựng, tôn tạo, bảo vệ di tích Thành cổ Vinh là vấn đề kinh phí đền bù tái định cư. Do nguồn kinh phí hạn chế nên việc xây dựng các khu quy hoạch tái định cư rất chậm. Theo tính toán của UBND Thành phố Vinh, tỷ suất đầu tư trung bình để có 1 lô đất tái định cư phải mất 350 – 450 triệu đồng. Như vậy, để bố trí đất tái định cư cho hơn 400 hộ dân phải di dời thì sẽ phải đầu tư hơn 160 tỷ đồng, đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng tiền đền bù và hỗ trợ di dời cho người dân thành cổ chuyển về nơi ở mới. Ngoài ra, khu vực dân cư ở các khối 1, 2, 3 và 4 được giữ lại trong thành cũng phải được quy hoạch và đầu tư xây dựng lại hệ thống giao thông rất tốn kém...

Như vậy, sau hơn 10 năm quy hoạch Khu di tích thành cổ Vinh được phê duyệt, và đã gần 4 năm kể từ lần điều chỉnh quy hoạch mới nhất (12/2008), tất cả những công việc triển khai cần thiết vẫn đang ở trên giấy và hàng nghìn người dân trong vùng quy hoạch vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Thực trạng và hướng giải quyết

Hiện nay, trong khu vực quy hoạch thành cổ đang có 750 hộ dân sinh sống với dân số khoảng 3.570 người, nghề nghiệp chủ yếu là lao động tự do và cán bộ công chức. Ngoại trừ một số nhà ở đã được người dân xây dựng kiên cố 2 đến 3 tầng, còn lại đa số là nhà cấp 4 và các khu tập thể đã xuống cấp trầm trọng, mật độ xây dựng lên đến 60 - 65%, bố trí lộn xộn, đường đi lối lại chật hẹp, tạo cảm giác nơi đây như một “khu ổ chuột” hơn là 1 khu du lịch đã được quy hoạch giữa trung tâm một đô thị hiện đại.

Ông Nguyễn Công Thực – Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: “Từ khi quy hoạch được phê duyệt, UBND phường đã tổ chức giám sát, tuyên truyền cho các hộ dân tuân thủ chấp hành chủ trương giữ nguyên hiện trạng. Thế nhưng, do thời gian kéo dài quá lâu, đa số nhà ở và khu tập thể ngày càng xuống cấp trầm trọng nên người dân buộc phải sửa chữa để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt”. Chủ trương của tỉnh và thành phố là chỉ cho phép sửa chữa nhỏ, không được xây dựng kiên cố nhưng một số hộ dân vẫn xây nhà 2, 3 tầng. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho giữ lại 429 hộ dân ở các khối 1, 2, 3 và 4, nhiều gia đình đã tiến hành xây nhà cao tầng một cách tùy tiện, không theo một mẫu thống nhất nào. Điều đó sẽ phá vỡ không gian kiến trúc và mỹ quan của Khu di tích thành cổ về lâu dài.

Ở các khu tập thể, do đa số các hộ dân là những cán bộ, công nhân viên Nhà nước đương nhiệm và đã nghỉ hưu nên ý thức chấp hành các quy định về quy hoạch tốt hơn, tình trạng vi phạm quy hoạch ít xảy ra, nhưng các hộ dân đều đang phải sống trong cảnh phấp phỏng chờ đợi kéo dài năm này qua năm khác. Đa số người dân ở đây đang mong mỏi di dời càng sớm càng tốt để ổn định cuộc sống. Bà Thái Thị Liên ở khu tập thể phát hành sách giãi bày: “Chúng tôi sống ở đây đã hơn 20 năm, nhiều gia đình có 3 thế hệ sống chung trong một căn hộ cấp 4 chật hẹp. Con cháu ngày càng đông mà nhà thì không được cơi nới, nâng cấp nên cuộc sống vô cùng vất vả, tù túng. Mong rằng Nhà nước sớm cho di dời để chúng tôi có chỗ ở ổn định và yên tâm làm ăn”.

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Quy hoạch Thành cổ Vinh là dự án có thời gian thực hiện đến năm 2020, đây không phải là quy hoạch “treo”, cần phải được bảo vệ để triển khai khi có nguồn lực”...

Còn ông Nguyễn Xuân Sinh - Chủ tịch UBND Thành phố Vinh chia sẻ: “Vấn đề bây giờ là nguồn kinh phí, ngân sách thành phố hiện nay không thể cáng đáng nổi một dự án lớn như vậy, do đó UBND tỉnh phải hỗ trợ và tìm kiếm từ các nguồn khác nhau nên phải giải quyết từng hạng mục theo thứ tự ưu tiên, nếu như giải quyết xong vấn đề di dời các hộ dân, bố trí xong phần tái định cư thì những việc còn lại sẽ dễ dàng hơn”.

Dự án Công viên Thành cổ Vinh là dự án phúc lợi xã hội, yếu tố kinh doanh không cao nên khó có thể tìm được nhà đầu tư nào bỏ vốn vào, trong khi đó nguồn vốn của tỉnh và thành phố hiện nay còn hạn chế. Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn này, ngoài việc thu hút các dự án ODA, vốn vay nước ngoài (ở một số hạng mục phù hợp như nạo vét hào thành, chỉnh trang đô thị), nguồn vốn từ Trung ương cấp để tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng, UBND tỉnh và thành phố có thể linh động đưa ra các cơ chế như đổi đất lấy công trình (kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các hạng mục dự án Khu di tích thành cổ và bù lại lợi ích cho các doanh nghiệp bằng việc cấp đất để họ đầu tư kinh doanh ở khu vực khác...

Nếu như muốn tạo sự đột phá mạnh hơn thì có thể cho tiến hành di dời toàn bộ các hộ dân ở trong và ngoài khu vực thành cổ, giải tỏa mặt bằng và quy hoạch lại thành những khu dân cư văn minh, hiện đại, thiết kế theo mẫu thống nhất, sau đó cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu đấu thầu mua lại chính các thửa đất vừa mới quy hoạch lại đó để lấy kinh phí tái đầu tư. Tất nhiên, vì số lượng hộ dân trong và ngoài khu vực thành cổ rất nhiều, diện tích đất cũng rất lớn nên không thể làm một lúc ngay được, mà phải thực hiện dứt điểm từng khu vực, và lấy kinh phí xoay vòng tiếp tục chuyển sang triển khai ở khu vực tiếp theo. Nếu làm được như vậy thì Quy hoạch của Khu di tích Thành cổ Vinh sẽ có tính bền vững, lâu dài và không gian kiến trúc dễ tìm được sự thống nhất hơn rất nhiều.

“Bảo vệ và tôn tạo di tích thành cổ sẽ giúp Thành phố Vinh giữ được chiều sâu văn hóa”
Vùng đất Nghệ An nói chung và đô thị Vinh nói riêng vốn có lịch sử lâu đời, là một trung tâm văn hóa – kinh tế - chính trị rất quan trọng từ xa xưa đến nay. Thế nhưng, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước đến nay, bộ mặt Thành phố Vinh đã thay đổi hoàn toàn, những dấu tích xưa mang sắc thái của chiều sâu văn hóa – lịch sử đang dần biến mất. Nếu ai đã đến Pa-ri của Pháp, Rô-ma của Italia, Matxcơva của Nga hay kể cả Băng-cốc của Thái Lan gần chúng ta, chứng kiến họ giữ gìn được những nét cổ kính mới thấy giá trị của một đô thị hiện đại nhưng vẫn mang màu sắc thời gian quan trọng đến như thế nào. Nếu như chúng ta khôi phục và bảo vệ được thành cổ thì sẽ giúp Thành phố Vinh giữ được dấu ấn thời gian và mang chiều sâu văn hóa hơn.
(Ông PHAN XUÂN THÀNH - nguyên Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh)


Hoàng Hảo

Mới nhất
x
Tuân thủ triệt để quy hoạch Thành cổ Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO