Tục trừ "phí poong" của người Thái

23/11/2014 11:08

(Baonghean) - Chắc hẳn có đôi lần, trên con đường rừng nối giữa các bản mường người Thái, hoặc ngay trên con đường cát sỏi vươn dài theo bờ những dòng suối nhỏ, ta có thể bắt gặp cảnh những người mẹ trẻ bế theo con nhỏ, trên trán đứa bé có quệt một vết nhọ nồi đen nhánh… Nếu để ý kỹ hơn, sẽ thấy đứa bé được người lớn đeo những trang sức như vòng bạc ở cổ chân và cổ tay, vòng cổ… Người lớn đi cùng có thể cầm theo một cành dâu, cành dương xỉ lông, hoặc có các đồ trang sức khác như vuốt hổ treo trên dây xà tích…

Tất cả những đồ vật, đồ trang sức, vết nhọ nồi và những cành cây trên đây đều được cho là có tác dụng trấn áp tà ma, bảo vệ con người, bởi người ta cho rằng, ma quỷ sẽ không dám đến gần các đồ vật đó. Nếu liệt kê đầy đủ, các đồ vật trấn áp tà ma theo quan niệm của người Thái có thể lên đến con số vài chục. Tùy theo việc "trấn áp" loại tà ma nào, "bảo vệ" cho đối tượng cụ thể nào mà người ta thiên về sử dụng loại này hoặc loại khác. Trong đa số trường hợp, việc tìm kiếm, lựa chọn vật dụng được căn cứ vào sự thuận tiện hoặc cần thiết để chỉ lựa chọn một vài vật dụng đơn giản nhất và sẵn có. Ví như: để trấn tại vị trí cố định, thì có ta leo, dao, gươm, kiếm; chày chẻo, tổ ong vò vẽ…; còn để mang đi trấn áp dọc đường thì hay có nhọ nồi, cành dâu, cành dương xỉ lông, xác nhộng ong vò vẽ khô, sọ rắn khô, răng nanh lợn lòi, vuốt hổ, mỏ chim đại bàng núi,…

Theo quan niệm của người Thái xưa, những người được cho là bị ma "phí poong" ám khi đến gần những người bị đau ốm, có vết thương trên người…, sẽ khiến cho vết thương của họ lâu lành, thậm chí còn bị tái phát, hoặc nặng thêm. Hoặc khiến một người khỏe mạnh bỗng dưng bị đau bụng khan, hoặc có những triệu chứng khó bắt bệnh… Hiện nay, kiến thức về y tế, phòng bệnh, chữa bệnh của bà con trong bản, trong mường đã khác trước, bà con người Thái đã tin tưởng hoàn toàn vào việc chữa các bệnh thông thường tại trạm y tế xã hoặc Bệnh viện huyện. Người Thái vẫn không quên nhắc nhau câu "hặc mạy ki, việc phí kè", với ý nghĩa là “hễ mắc bệnh là phải tìm ngay đến thuốc (trạm xá, bệnh viện) để chạy chữa”, còn việc cúng hồn, gọi vía chỉ được tiến hành một cách giản đơn cho đúng tập tục sau khi người bệnh đã hồi phục sức khỏe.

Tuy vậy, như trong trường hợp trên đây, khi đưa trẻ con đi đường xa, ngoài việc lựa chọn ngày lành, tháng tốt, các vị cha chú, ông bà theo suy nghĩ "phòng bệnh hơn chữa bệnh", vẫn không quên đeo, cầm, mang theo một vài vật dụng trấn áp tà ma "cho yên tâm". Thực sự điều này vốn mang một nét đặc sắc về tín ngưỡng, tâm linh với mong ước giản đơn làm sao cho con cháu luôn được bình an khỏe mạnh, chóng lớn để trở thành một thành viên giúp ích cho gia đình và xã hội!

Sầm Văn Bình

(Châu Quang, Qùy Hợp)

Mới nhất
x
Tục trừ "phí poong" của người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO