Tục uống rượu cần của người Khơ mú
(Baonghean) - Uống rượu cần là phong tục không thể thiếu trong đời sống của người Khơ mú. Ngày lễ tết, hay những hoạt động tâm linh riêng của một gia đình, hoặc cả cộng đồng đều phải có ché rượu cần. Và vào những dịp khác nhau thì hình thức uống rượu cần cũng khác nhau…
Người Khơ mú ở Keng Đu, nhất là phụ nữ, hầu như ai cũng biết cách ủ và uống rượu cần. Lúc nông nhàn, nhà nào cũng ủ hàng chục ché rượu để khi cần dùng đến. Men ủ rượu cần chủ yếu làm từ giống men truyền thống của dân bản. Chính vì thế rượu cần Keng Đu uống vào ngọt đậm, nồng cay nhưng không khiến người uống nhức đầu.
Trong bản, mỗi người lại có cách ủ rượu cần riêng. Có nhà chỉ ủ nửa tháng là có thể đem uống. Có nhà để 1, 2 tháng. Cũng có nhà cất lâu đến nửa năm mới đem ra uống trong một dịp lễ nào đó. Rượu cần càng để lâu càng nồng, càng ngon. Nhưng nếu không biết cách bảo quản, để quá lâu rượu cần sẽ đắng gắt, khó uống. Có 3 loại nguyên liệu dùng để ủ rượu cần. Đó là gạo nếp, sắn và ngô. Mỗi thứ cho một vị rượu riêng. Rượu gạo nếp cho vị say nồng, dùng được lâu, rượu ngô cho vị ngọt, dễ uống, phù hợp với phụ nữ; rượu sắn cho vị thơm nồng.
Vào ngày Tết “gơ rơ” (Tết năm mới), sau lễ cúng và nghi lễ xua đuổi những điều không tốt trong năm cũ và cầu mong điều may mắn bằng cách bôi tiết gà lên đầu gối, cầu mong điều may mắn sẽ về với từng thành viên trong gia đình, vò rượu cần được mở. Những người cao tuổi nhất trong dòng họ được mời uống trước tiên. Trước khi vít cần rượu uống, người chủ lễ cúng mời ma nhà đến uống rượu, ăn tết cùng gia đình, cầu chúc điều may mắn đến với gia đình trong năm mới. Sau cuộc rượu của những người cao tuổi, những người trẻ hơn và phụ nữ mới được phép uống. Cuộc rượu có thể kéo dài đến gần nửa đêm, những người trong họ tộc ở lại vui tết cho đến lúc giao thừa, sang năm mới.
Người Khơ mú ở Keng Đu chung vui bên chum rượu cần. |
Trong đám mừng nhà mới, sau khi làm thủ tục lên nhà mới cho gia chủ, rượu cần mới được mở cho mọi người cùng chung vui. Cuộc rượu mừng thường kéo dài suốt 2 ngày liền. Từ buổi chiều hôm trước cho đến tối hôm sau. Sau 7 ngày, một cuộc rượu nữa lại được tổ chức để trả công những người đã giúp làm nhà mới. Còn trong đám cưới, sau khi nghi lễ cầu may bằng tiết gà được tổ chức dành cho nhà thông gia và dâu rể, vò rượu cần mới được mở. Có một điều khá đặc biệt, trong những cuộc rượu cần vào dịp vui như ăn Tết hay mừng nhà mới chỉ thường diễn ra trong gian bếp. Ché rượu cần đặt cạnh cây cọc dựng bên cạnh bếp hoặc cạnh cột nhà, chân giường, miễn là có một chỗ “dựa” cho ché rượu.
Trong lễ cưới, đối với gia đình nhà gái có bàn thờ ma nhà thì nhà trai không thể thiếu một vò rượu cần dâng cúng tổ tiên nhà gái để thông báo với tổ tiên nhà gái về việc xin cưới cô gái của gia chủ về làm dâu. Trong đêm đó nhà gái cũng có 1 vò rượu cần của gia chủ dâng cúng cho tổ tiên cùng nhà trai, 2 vò rượu cần được đặt song song trước bàn thờ tổ tiên, sau lời cúng thông báo cho tổ tiên biết công việc của gia đình, chủ nhà mở rượu cần mời khách và những người trong gia đình cùng uống rượu cần để mừng cho đôi vợ chồng trẻ.
Ngoài ra trong tang lễ của người Khơ mú rượu cần cũng được dùng cúng cho người chết vào ngày thứ 3 và ngày thứ 9 sau khi đã chôn cất. Rượu cần ở đây được sử dụng để làm vía, tiễn đưa chia biệt lần cuối với người chết cùng với việc cúng ma nhà trong tang lễ. Đây là nghi lễ thiêng không thể thiếu của đồng bào.
Có dịp được dự một lễ cưới truyền thống, hay tham dự lễ lên nhà mới... quan sát và được tham dự vào đêm sinh hoạt văn hóa rượu cần của đồng bào chúng ta mới cảm nhận hết được những giá trị độc đáo và đặc sắc trong văn hóa rượu cần của đồng bào Khơ mú. Nó như sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết và gắn bó lẫn nhau giữa những người dân trong cùng làng bản…
Hữu Vi